27/04/2019 09:43 GMT+7

Ông Biden lại ra tranh cử tổng thống Mỹ, quá tam ba bận?

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Đảng Dân chủ không có đối thủ xứng tầm đối đầu với ông Trump trong cuộc đua tổng thống năm 2020 cho đến khi một gương mặt quen thuộc xuất hiện, mở ra bước ngoặt mới trong chính trường Mỹ.

Ông Biden lại ra tranh cử tổng thống Mỹ, quá tam ba bận? - Ảnh 1.

Ông Joe Biden được cho là đủ uy tín chính trị để đại điện Đảng Dân chủ đối đầu với ông Trump trong cuộc đua tổng thống năm 2020 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-4, cựu phó tổng thống Joe Biden thông báo ra tranh cử sau nhiều tháng lưỡng lự. Với hai lần thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong các năm 1988 và 2008, liệu lần này ở tuổi 77, ông Biden có thể "quá tam ba bận" để trở thành tổng thống nhiều tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ?

Bi kịch gia đình

Sinh năm 1942 trong một gia đình lao động bình thường ở một thị trấn nhỏ, năm 1972 ở tuổi 30, ông Biden ra tranh cử thượng nghị sĩ Mỹ tại tiểu bang Delaware, đối đầu với đương kim thượng nghị sĩ Boggs. 

Là một ứng cử viên "chiếu dưới", không tiền, không người giúp đỡ, gần như không có cơ hội thắng cử; bộ máy vận động tranh cử chỉ gồm các thành viên trong gia đình do một người chị gái đứng đầu.

Dù xuất phát điểm ít hơn đối thủ của mình đến 30% nhưng với sự nhiệt tình vận động tranh cử không mệt mỏi và khả năng hấp dẫn các cử tri bình dân đã giúp ông chiến thắng. 

Chưa kịp vui mừng, chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử, với việc vợ và con gái mất trong vụ tai nạn xe hơi dịp Giáng sinh và hai con trai nằm viện, ông Biden đã có ý định từ bỏ việc nhậm chức thượng nghị sĩ.

Cuối cùng ông quyết định ở lại, trở thành thượng nghị sĩ ở tuổi 30 (độ tuổi tối thiểu theo quy định để là thượng nghị sĩ) và là một trong những thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Trong nhiều năm, ông di chuyển hằng ngày trên các chuyến tàu kéo dài 90 phút giữa bang quê nhà Delaware để đến thủ đô Washington làm việc.

Năm 2015, sau khi tổng thống Obama kết thúc hai nhiệm kỳ tổng thống theo hiến định, ông Biden một lần nữa cân nhắc ra tranh cử tổng thống nhưng cuối cùng quyết định nói không, sau khi người con trai cả mất vì ung thư não ở tuổi 46 trong lúc đang làm tổng chưởng lý bang Delaware.

Sau này, trong trả lời báo chí, ông Biden đã nói rằng "không ngày nào là không hối tiếc" về quyết định này của mình sau khi chứng kiến Tổng thống Trump giành chiến thắng.

Lý lịch chính trị hoàn hảo

Ông Biden bước vào cuộc đua với một lý lịch hoàn hảo, với số năm trên chính trường còn hơn số tuổi của các ứng cử viên Dân chủ khác. 

Sau khi được bầu làm thượng nghị sĩ năm 1972, ông tiếp tục ở lại Thượng viện, trúng cử liên tục trong 6 nhiệm kỳ, hơn 30 năm đảm nhận các vị trí chủ tịch Ủy ban Tư pháp và chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện cho đến năm 2008 khi ông trở thành phó tổng thống Mỹ.

Trái ngược với Tổng thống Trump, việc xuất thân từ một gia đình lao động bình thường và sau này là thượng nghị sĩ và phó tổng thống nhưng vẫn là một chính trị gia nghèo của nước Mỹ (thậm chí còn tính đến việc bán nhà để chữa bệnh cho con trai) - ông đã tìm thấy sự đồng điệu với những người Mỹ bình thường trong xã hội.

Việc ông ra tranh cử lần này được một bộ phận lớn của Đảng Dân chủ chào đón. Trong các cuộc thăm dò dư luận về sự nổi bật của các thành viên Đảng Dân chủ trong những năm gần đây, ông thường xuyên là một trong những người dẫn đầu. Nhiều nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng Dân chủ đã lên tiếng ủng hộ ông, trong đó có cựu tổng thống Obama.

Nhiều người lấy làm tiếc rằng ông không ra tranh cử năm 2016, cho rằng ông có thể đã là một ứng cử viên tốt hơn bà Clinton để đánh bại ông Trump.

Quá khứ cũng là gánh nặng

Chặng đường sắp tới của ông Biden sẽ không chỉ là hoa hồng. Với vị thế chính trị của mình, ông Biden bước vào cuộc đua với tư thế của một "người ở cửa trên" so với 19 ứng cử viên khác của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, những gì là lợi thế của ông cũng có thể là khó khăn trong cuộc đua giành vị trí ứng cử viên của Đảng Dân chủ.

Với việc ra tuyên bố tranh cử ở tuổi 77, nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tới, nhậm chức ở độ tuổi 79, ông Biden sẽ trở thành tổng thống có tuổi đời lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong bối cảnh Đảng Dân chủ đang đi tìm một làn sóng mới, trẻ trung hơn, việc làm thế nào để có thể thuyết phục được những cử tri Dân chủ bỏ phiếu cho một ứng cử viên ở độ tuổi của ông là một thách thức không nhỏ.

Và kinh nghiệm gần 50 năm trong chính trường vừa là một lợi thế nhưng cũng là một gánh nặng. Trong một cuộc vận động tranh cử như thế này, tất cả những phát biểu, quyết định của ông trong quá khứ sẽ được các đối thủ chính trị của ông sử dụng. 

Chưa đầy một ngày sau tuyên bố tranh cử, một số quyết định gây tranh cãi của ông từ hơn 20 năm trước đã được các đối thủ của ông đưa ra mổ xẻ.

Dù thành công hay thất bại, việc ông ra tranh cử lần này cũng sẽ giúp ông không còn "cảm thấy hối tiếc" vì đã không ra tranh cử năm 2016; một cuộc đua "không thành công cũng thành nhân" đối với ông.

img_4152 6(read-only)

"Chào mừng đến với cuộc đua "Joe Buồn Ngủ". Tôi hi vọng ông có đủ trí thông minh, vốn từ lâu bị nghi ngờ, để lãnh đạo chiến dịch tranh cử thành công. Sẽ rất khó chịu đấy, ông sẽ phải làm việc với những người có nhiều ý tưởng bệnh hoạn và điên khùng. Nhưng nếu ông vượt qua được, cuộc đua sẽ bắt đầu" - ông Trump tweet ngày 25-4 "đá xoáy" sau khi ông Biden tuyên bố ra tranh cử.

Ông Biden tranh cử tổng thống, ông Trump đá xoáy phe Dân chủ

TTO - Sau nhiều tháng cân phân, cựu phó tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama là Joe Biden đã tuyên bố ra tranh cử tổng thống 2020 vào hôm thứ 5, 25-4 và ngay lập tức được ông Trump "chào đón".


TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên