Tổng thống Mỹ Biden (trái) trao đổi với Tổng thống Palestine Abbas tại Bethlehem thuộc khu vực Bờ Tây bị Israel chiếm đóng, ngày 15-7 - Ảnh: REUTERS
Kết thúc chặng đầu tiên của chuyến công du Trung Đông trước khi khởi hành đến Saudi Arabia, Tổng thống Biden đã đến thăm một bệnh viện ở Đông Jerusalem và cam kết hỗ trợ tài chính kỹ thuật trị giá 100 triệu USD cho Palestine.
Nhưng sau cuộc gặp với Tổng thống Palestine Abbas tại thị trấn Bethlehem ở Bờ Tây, tổng thống Mỹ thừa nhận rằng việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập vẫn là một viễn cảnh xa vời và không có triển vọng ngay lập tức về các cuộc đàm phán mới với Israel.
"Ngay cả khi thời điểm này chưa chín muồi để khởi động lại các cuộc đàm phán, Mỹ và chính quyền của tôi sẽ không từ bỏ việc cố gắng đưa cả hai bên xích lại gần nhau hơn", ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm ngày 15-7.
Với Tổng thống Palestine Abbas, triển vọng giải pháp "Hai nhà nước" đang ngày càng giảm dần và có thể sẽ sớm đổ vỡ.
"Giờ vẫn chưa phải là lúc để kết thúc những sự chiếm đóng kia hay sao?", nhà lãnh đạo Palestine chất vấn trong cuộc họp báo với ông Biden, ám chỉ các vùng lãnh thổ mà Palestine tuyên bố chủ quyền nhưng đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel.
"Cơ hội cho giải pháp hai nhà nước dọc theo biên giới năm 1967 có thể chỉ đến ngày hôm nay. Sau thời gian đó, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra", ông Abbas nêu quan điểm.
"Hai nhà nước" là một mô hình được Mỹ và các cơ quan trên thế giới bao gồm Liên Hiệp Quốc ủng hộ, trong đó thuyết phục cả Israel và Palestine cùng công nhận, chấp nhận sự tồn tại của nhau và chung sống hòa bình.
Tổng thống Abbas cũng nhắc lại yêu cầu Mỹ mở lãnh sự quán ở Đông Jerusalem, nơi mà người Palestine chọn làm thủ đô của một quốc gia độc lập trong tương lai, loại bỏ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) khỏi danh sách các nhóm khủng bố và cho phép tổ chức này mở lại văn phòng ở Washington D.C.
Một nhóm người Palestine biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Biden tới Bethlehem ngày 15-7 - Ảnh: REUTERS
Trước chuyến thăm của ông Biden, các nhà lãnh đạo Palestine đã cáo buộc Mỹ đang ưu tiên cải thiện quan hệ giữa Israel với thế giới Ả Rập hơn là các mối quan tâm của Palestine.
Nói về điều này, tổng thống Mỹ cho rằng những cải thiện trong quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia có thể trở thành động lực để cải thiện quan hệ Israel - Palestine.
Theo báo New York Times, ngay trước khi ông Biden đến Riyadh, giới chức Israel và Saudi Arabia thông báo sẽ mở lại đường bay trực tiếp giữa hai nước, mô tả đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn.
Bầu không khí đón Tổng thống Biden ở khu vực Bờ Tây rất khác với sự tiếp đón nồng nhiệt mà ông nhận được ở Israel.
Theo Reuters, dọc theo những con đường ở Bethlehem, nơi đoàn xe của ông Biden đến gặp ông Abbas ngày 15-7, các biểu ngữ và khẩu hiệu thúc giục Mỹ tác động nhiều hơn đến Israel xuất hiện rải rác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận