19/08/2024 10:30 GMT+7

Ông Ba Tri mê trồng lúa sạch

Đã 5 năm với 10 vụ lúa trôi qua, ông Ba Tri cho lúa "ăn" vôi, bánh dầu, sữa tươi, trứng gà. Nhiều lần ông đưa gạo đi kiểm tra dư lượng thực vật tại Sở Khoa học và Công nghệ đều cho kết quả không phát hiện bất kỳ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nào.

Ông Ba Tri mê trồng lúa sạch - Ảnh 1.

Ông Ba Tri chăm lúa mà không cần khẩu trang vì không sử dụng thuốc hóa học - Ảnh: TRẦN MAI

Ở tuổi 65, ông Trương Quang Tri (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn miệt mài trên ruộng lúa của mình. Ông nói: "Vợ con nói tôi nghỉ đi, đừng làm nữa, bởi nhà chẳng thiếu thốn. Nhưng tôi cố làm vì thấy tiếc, vì muốn tạo ra hạt gạo sạch, cách làm cũng không quá khó".

Chính quyền địa phương mong người dân biết và sử dụng gạo của chú Ba Tri nhiều hơn, để thúc đẩy thay đổi theo cách sản xuất an toàn và thân thiện môi trường.

Ông Nguyễn Văn Công (phó chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn)

Trồng lúa bằng bánh dầu, trứng gà, vôi, sữa tươi

Trên cánh đồng ở thôn Phước Lộc Tây, ông Ba Tri chuẩn bị phun "thuốc" đợt cuối để dưỡng bông lúa. Với 1,5 sào ruộng, ông đổ nửa ký vôi, 6 bịch sữa và 6 quả trứng gà vào bình trộn đều để phun. Đây là những thứ sẵn có khắp nơi, chẳng hề "biệt lạ" hay đắt hiếm gì.

"Đây không phải thuốc bảo vệ thực vật nên hoàn toàn an tâm cho cả người ăn lẫn người trồng. Sau 10 vụ lúa, tôi khẳng định chăm lúa khỏe hơn, an toàn hơn, chất lượng thì khỏi bàn", ông Ba Tri nói.

Kể về việc chăm sóc lúa theo cách kỳ lạ này, ông nhớ khoảng 5 năm trước, trong một lần đi từ UBND xã Tịnh Sơn về nhà, khi ngang qua cánh đồng đúng vào dịp bà con phun thuốc đạo ôn nồng nặc khiến ông rất buồn.

Hai tháng sau, ông xem chương trình nông nghiệp thấy chuyện trồng lúa hữu cơ bằng trứng gà, sữa tươi của một người ở miền Tây. Như tìm được lời giải thoát khỏi thuốc bảo vệ thực vật phun tràn lan, ông lập tức áp dụng và chỉnh sửa cho phù hợp thổ nhưỡng.

"Vụ lúa đầu tiên trồng bằng cách này, tôi nói với vợ nếu thất bại bà đừng la tôi nghen. Bả nghe trồng lúa không dùng thuốc là ủng hộ liền, bảo làm ngay, lỡ thất thu cũng chả sao", ông Ba Tri nhớ lại.

Thế là ông trồng, vụ đầu tiên khá thành công, năng suất cũng không thua gì cách canh tác lâu nay. Và ông cũng chẳng phải lo cho sức khỏe khi chẳng "dính" đến thuốc hóa học. Từ thành công bước đầu ấy, ông mang mẫu gạo đến Trung tâm ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi) kiểm tra.

Kết quả các chỉ số như thủy ngân, hàm lượng cadimi, hàm lượng chì, asen, hàm lượng aflattixin... đều cho kết quả "không phát hiện", cao hơn cả quy định trong ngưỡng an toàn hiện hành. "Quan trọng nhất là trong mẫu gạo của tôi, các chỉ số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như chlorothalonil, chlorpyrifos, dichlorvos, diazinon, fipronil. Primicarb, permethrins... đều không phát hiện. Điều này chứng tỏ gạo này an toàn tuyệt đối cho người dùng", ông Ba Tri nói.

Cải tiến cách chăm sóc cho năng suất cao

Ngồi trên ruộng lúa của mình có màu xanh đọt chuối non, khác với tất cả đám ruộng xung quanh, ông Ba Tri bảo do khác nhau về cách canh tác nên màu lúa cũng khác. Phía bờ tiếp giáp với những đám ruộng khác, ông chừa lại độ hở khoảng 30cm mà không trồng sát bờ để hạn chế bệnh tật từ những ruộng lúa khác lan qua lúa mình.

Đến giờ, ông đã ba lần ngẫu nhiên lấy mẫu gạo đến Trung tâm ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi) kiểm tra, và cũng như lần đầu tiên, kết quả an toàn tuyệt đối. Lý giải việc nhiều lần đưa mẫu đi kiểm tra, ông bảo rằng trong quá trình canh tác có cải tiến, năng suất tăng dần nên ông lo lúa không đảm bảo chất lượng.

"Mỗi lần cải tiến cách chăm sóc, lúa cho năng suất cao là tôi phải xem lại chất lượng. Bởi mục tiêu cuối cùng của tôi là chất lượng hạt gạo mình làm ra", ông Ba Tri nói.

Đi cùng chị Tôn Thị Tuyền, chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn, ra ruộng của mình, ông hướng dẫn chị cách bón phân lót để cây lúa cho năng suất cao hơn và cây chắc hơn, gặp gió lớn không ngã đổ. Đó là lúc dọn ruộng chuẩn bị vụ mới phải rải đều vôi để tiêu diệt mầm bệnh, sau khi cày xới, đánh tơi đất thì tiếp tục bón chừng 10kg bánh dầu/sào thay cho phân hóa học.

"Bánh dầu (hạt đậu phộng còn lại sau khi được ép lấy dầu) giờ có giá 6.000 đồng/kg. Vậy là mỗi sào ruộng chỉ tốn 60.000 đồng, coi như tiền phân. Năng suất ruộng lúa của tôi luôn cao là nhờ việc bón lót này. Mỗi vụ chỉ cần bón duy nhất một lần là đủ. Tính ra cho lúa ăn bánh dầu, vôi, trứng gà, sữa tươi vẫn giảm chi phí khoảng 60% so với dùng phân, thuốc hóa học", ông Ba Tri nói.

Ông tìm hiểu bánh dầu như phân hữu cơ; vôi cung cấp canxi cho cây lúa và kháng khuẩn, diệt được bệnh khô vằn, đạo ôn và làm cứng lá lúa, sâu bệnh không tấn công được. Còn sữa tươi và trứng gà cung cấp vi lượng hấp thu vào lá, trong giai đoạn cuối cùng dưỡng hạt, giúp lúa cho năng suất cao hơn.

Ông Ba Tri mê trồng lúa sạch - Ảnh 2.

Ông Ba Tri pha vôi, sữa tươi, trứng gà phun cho lúa thay vì phân, thuốc hóa học - Ảnh: TRẦN MAI

Sẵn sàng hướng dẫn bà con

Ông Ba Tri tâm niệm rằng mình làm ra hạt lúa nhưng không chỉ cho mình mà cả cộng đồng sử dụng, vì vậy chất lượng phải luôn hàng đầu. Ông mong muốn những ai mua gạo của ông về ăn, chủ động đi xét nghiệm, nếu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay bất kỳ chất cấm gì hãy báo cơ quan chức năng.

"Tôi khẳng định gạo mình sạch 100%, hơn cả tiêu chuẩn của Nhà nước. Nếu phát hiện không sạch, tôi sẵn sàng chịu phạt", ông Ba Tri nói.

Theo ông Nguyễn Văn Công - phó chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn, toàn xã hiện có khoảng 5ha lúa canh tác theo kiểu của ông Ba Tri hướng dẫn.

"Đa phần người dân đang canh tác theo cách hữu cơ của chú Ba Tri để sử dụng trong nhà. Tôi nghĩ do chưa thương mại được giá cao, thời gian làm đất và bón lót cực nên người dân chưa thật sự quan tâm, dù xã xem đây là hướng phát triển bền vững. Chính quyền địa phương mong muốn người dân biết và sử dụng gạo của chú Ba Tri nhiều hơn để thúc đẩy thay đổi theo cách sản xuất an toàn và thân thiện môi trường", ông Công nói.

Mấy chục năm gắn bó với Hội Nông dân xã Tịnh Sơn, ông Ba Tri khẳng định bất kỳ ai muốn trồng lúa sạch có thể liên hệ, ông sẵn sàng hướng dẫn miễn phí để cùng làm.

"Tại sao không làm ra sản phẩm bán giá cao cho những thị trường khó tính. Tôi già rồi, nhà cũng không thiếu thốn gì, nhưng vẫn bám ruộng vì muốn giữ cách canh tác này, sợ tôi nghỉ mọi người nghỉ luôn thì quá tiếc", ông Ba Tri tâm sự.

Sau nhiều năm canh tác, gạo do ông Ba Tri sản xuất được bán tại cửa hàng nông sản sạch AC Farm (TP Quảng Ngãi). Anh Vũ Ngọc Minh, chủ cửa hàng, chia sẻ khi biết chuyện chú Ba Tri trồng gạo bằng sữa tươi, trứng gà đã tò mò lên tìm hiểu.

Thấy sản phẩm hữu cơ, anh Minh và ông hợp tác. Dù có kết quả xét nghiệm của ông Ba Tri, nhưng trước khi thương mại sản phẩm, anh Minh vẫn cẩn thận tự đi kiểm tra. Năm 2021, anh Minh đưa mẫu đi kiểm tra và kết quả không phát hiện bất kỳ chất cấm gì. Đến năm 2022, anh tiếp tục mang mẫu đi kiểm tra, kết quả cũng như vậy.

Thế là số gạo ông Ba Tri làm ra được bán ở cửa hàng nông sản sạch AC Farm, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn gạo, giá hiện tại là 27.000 đồng/kg. "Vụ nào tôi cũng lên tận ruộng xem chú canh tác. Với quy trình và địa điểm sản xuất không thay đổi gì nên tôi tin tưởng tuyệt đối. Tôi hy vọng bà con cùng sản xuất theo nhiều hơn", anh Minh tâm sự.

Cần nhà khoa học hỗ trợ

Ông Ba Tri mê trồng lúa sạch - Ảnh 3.

Gạo sạch của ông Ba Tri - Ảnh: TR.MAI

Ông Phan Văn Hiếu, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng canh tác nông nghiệp theo phương thức hữu cơ có nhiều cách khác nhau cho hiệu quả tốt cả chất lượng lẫn sản lượng.

Cách tốt nhất là địa phương báo cáo và Nhà nước đồng hành, hỗ trợ để mở rộng mô hình, từ đó đánh giá mức độ hiệu quả. Còn với kết quả kiểm nghiệm mẫu gạo an toàn của chú Ba Tri từ Trung tâm ứng dụng dịch vụ khoa học và công nghệ thì chắc chắn chính xác.

Còn bà Nguyễn Thị Hằng, bí thư Đảng ủy xã Tịnh Sơn, cho biết: "Cách chăm lúa bằng bánh dầu, vôi, sữa tươi và trứng gà được chú Ba Tri làm đã thành công. Tôi nhiều lần ra đồng xem chú chăm lúa hoàn toàn tự nhiên, không phân, thuốc hóa học mà cho năng suất cao. Kiểm tra thông tin chất lượng gạo thì chính xác là vượt quy chuẩn an toàn hiện hành. Như chị chủ tịch Hội Nông dân xã cũng trồng 5 sào lúa theo cách hữu cơ này cho sản lượng và chất lượng vượt trội.

Ông Ba Tri mê trồng lúa sạch - Ảnh 4.Mở rộng sản xuất lúa gạo bền vững, gạo sạch, cơm ngon

Trồng giống lúa chất lượng cao kết hợp với quy trình sản xuất lúa gạo bền vững đang được mở rộng tại Hậu Giang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên