Miếu Đại Càng, nơi từng qua đêm của ông Ba Bị một thời - Ảnh: THÁI LỘC |
Bàn tay kỳ lạ ở chùa Quốc Ân
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền nhớ như in một buổi sáng của hơn 20 năm trước, khi ông lên thắp hương cho bố mẹ vợ trong khuôn viên chùa Tập Thiện, ngay sau chùa Quốc Ân. Ông gặp “chú Phong”, một người tu hành ra đời vì phạm giới luật, được chùa Tập Thiện cho canh tác trong vườn để nuôi vợ con.
Ông kể: “Tui bảo tu thì ta tu cho trọn kiếp, mần chi dở dở ương ương. Chú Phong chống cuốc đứng cười, nói vợ chú hồi xưa hấp dẫn quá không chịu nổi. Tui nhìn sang thấy bên kia hàng rào nhiều tháp, hỏi của chùa mô. Chú trợn mắt: Tháp sau chùa Quốc Ân đó! Bên đó có bửu bối là ngón tay để trong cái tráp của một sư ngài tự thiêu còn lại. Vị sư ấy đốt thân xác để làm đuốc cúng dường cho đức Phật!”.
Chúng tôi lên ngay chùa Quốc Ân để tìm hiểu. Cùng đi có nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc, người từng nghiên cứu hệ thống pháp bảo của chùa Quốc Ân để làm chuyên đề về tổ sư Nguyên Thiều cho tập san văn hóa Phật Giáo Liễu Quán. Trên đường đi, ông Quốc nói chùa không có ngón tay xá lợi nào cả. Tuy nhiên, ông Quốc cung cấp một chi tiết rất đáng chú ý, trong hệ thống pháp bảo chùa này có thờ một “bàn tay bắt ấn”. Nhưng ông khẳng định: “Đây là bàn tay rời ra từ một tượng Phật nào đó!”.
Bàn tay kỳ lạ thờ trên Phật điện tại chùa Quốc Ân - Ảnh: THÁI LỘC |
Chúng tôi bước vào ngôi nhà rường làm gian tiếp khách của chùa, sự thanh khiết và mát lạnh đối lập hẳn cái nắng chát chúa đầy bụi bặm ngoài đường. Chờ một hồi lâu, hòa thượng Thích Diệu Tánh, trụ trì chùa, chậm rãi đến bên bàn hỏi chuyện. Sư thầy bảo không hề biết xá lợi ngón tay mà thông tin cho là có ở trong chùa. Còn bàn tay đang thờ trên bảo điện, sư trụ trì cũng chưa tìm ra một manh mối gì cả.
Đại đức Thích Minh Chơn, người thừa hành mọi công việc ở chùa Quốc Ân, dẫn chúng tôi lên điện chính của chùa, đến bên bệ cao nhất ở gian chính. “Bàn tay ni không biết rời ra từ bức tượng mô nữa nhưng được thờ ở chùa như vậy từ lâu lắm rồi!” - vừa nói thầy vừa chỉ bàn tay dựng đứng ngay dưới chân các tượng tam thế.
Cùng luận bàn một hồi nhưng càng luận càng thấy khó hiểu, thầy Minh Không thỉnh bàn tay từ bệ xuống để soi xét kỹ lưỡng. Đó là bàn tay trái làm bằng gỗ thếp vàng gắn trên phần đế ba tầng sơn son, với ngón áp út cong xuống rất kỳ lạ. “Chừ mới thấy đây không phải là bàn tay rời ra của tượng Phật mô cả, mà được tạc riêng để thờ!” - thầy Minh Chơn khẳng định.
Tiếp lời thầy Minh Chơn, ông Quốc cho rằng: “Đúng là không phải bàn tay bắt ấn như tôi từng nhầm tưởng, mà là bàn tay được tạc ra để thờ với một chủ ý nào đó”. Ông Quốc còn phát hiện trong lòng tay tượng có khắc một chữ “vương” bằng Hán tự. Có một sự trùng khớp kỳ lạ, trên biển đề trước lăng ông Ba Bị ở chùa Thiên Mụ cũng khắc chữ “vương”...
Hé mờ hành trạng
Trở lại việc “ngón tay xá lợi”, sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế có chi tiết đưa ngón tay và tro cốt vào nhập tháp, dẫn nguồn: “Thích Mật Thể - Việt Nam Phật giáo sử lược”. Tuy nhiên, trong cuốn sách được dẫn lại này không thấy có chi tiết đưa xá lợi ngón tay mà chỉ có đưa tro cốt nhập tháp.
Phải chăng tác giả sách Lịch sử Phật giáo xứ Huế bị nhầm? Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho rằng đương thời việc tự thiêu còn lại xá lợi ngón tay là chuyện quá hi hữu, kỳ lạ, nằm ngoài sức tưởng tượng của dân chúng, giới tu Phật lẫn quan lại nhà chúa. Vì vậy, có thể tro cốt thì được nhập tháp, nhưng ngón tay thì được lưu lại như một bảo bối.
Theo ông, cũng nhiều khả năng Trung Đình hòa thượng vốn từng tu tập, thọ giới ở chùa Quốc Ân, về sau chuyển sang hành đạo có “pha màu” Nam tông, đi khất thực chứ không trì tụng ở chùa nữa. Sau cuộc hóa thân, có ý kiến muốn đưa ngón tay vào tráp giữ lại, sợ nhập tháp sẽ tiêu tan. Cả giới tăng lữ lẫn triều đình nhà chúa cùng đồng ý. Và các vị sư của chùa Quốc Ân, nơi ngài từng tu tập, thỉnh ngón tay về chùa tôn trí.
“Cùng với câu chuyện của chú Phong được lưu truyền trong giới tăng lữ nhà Phật, việc thờ bàn tay ở chùa Quốc Ân gần như chắc chắn được làm để thay thế thờ ngón tay xá lợi của vị cao tăng!” - ông Điền nhận định. Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc cho rằng ngoài xá lợi Phật và thập vị đệ tử, tất cả tro cốt đều không được thờ trên Phật điện nhà chùa.
Hình ông Ba Bị người An Nam của Henri Oger, vẽ những năm 1908-1909 |
Do vậy, người ta tạc thứ để thờ thay thế, còn ngón tay xá lợi thì cất đi. Và sở dĩ không tạc ngón tay vì như thế sẽ rất khó hiểu, và cũng “khó nhìn” nên tạc bàn tay rồi làm dấu một ngón. Thầy Minh Chơn cho rằng: “Chùa Quốc Ân có rất nhiều bí mật nhưng các sư thầy không giải mã được. Và rất có thể câu chuyện tạc cánh tay thờ ngài Trung Đình đã không được truyền lại, cho nên các đời sau đã làm thất lạc cái tráp xá lợi. Đó cũng là lý do bàn tay thờ trên Phật điện suốt nhiều đời không còn ai chú ý, biết đến ý nghĩa của sự việc nữa!”...
Ở trong lòng dân Trong những ngày thực địa ở các làng xã quanh Huế, chúng tôi ghi nhận rất nhiều câu chuyện về ông Ba Bị nhân từ, phúc hậu, được người đời thương quý. Một buổi chiều muộn đi lang thang quanh gò Hà Khê, nơi tọa lạc của chùa Thiên Mụ, chúng tôi gặp ông Võ Đình Lưu (ở xóm An Lạc, phường Hương Long, TP Huế) nhà cách lăng ông Ba Bị chưa đầy 100m. “Người xưa kể rằng ông Ba Bị là vị chân tu rất đạo đức và nhân từ. Chẳng qua ông để râu ria xồm xoàm, mang vác mấy cái bị trông hung dữ mà người ta lấy đó để dọa trẻ con thôi. Ngược lại, ai cũng thương ông, nhất là con nít vì ông thường hay cho bánh trái và đùa giỡn, nâng niu chúng!”. Tương tự là câu chuyện ở làng An Cựu, một ngôi làng lớn tại phía nam TP Huế. Nhiều cụ già ở làng kể rất chi tiết rằng ngày xưa ông Ba Bị đi khất thực rất hay ghé làng, thường trú náu trong miếu Đại Càng ở giao lộ Bà Triệu - Hùng Vương - Nguyễn Huệ, và ai cũng thương ông... Cụ Lê Văn Ngộ, trưởng làng An Cựu, cho biết hồi còn nhỏ ông nội và bố thường kể về ông Ba Bị. “Chuyện xưa, xưa lắm rồi. Miếu Đại Càng làng tui vốn rất linh thiêng, rứa mà hồi đó có một ông có ba cái bị thường đi xin ăn, đêm về ngủ trong miếu. Người ta quý ông vì xin đồ về ông chia cho người nghèo. Trẻ con trong làng rất thích ông vì ông thường cho bánh kẹo và thức ăn. Mỗi lần ông tới là con nít hay đu bám vô người ông. Giỡn đùa, ông còn bỏ con nít vô mấy cái bị xách chơi, ai cũng thích!” - ông Ngộ vừa kể vừa diễn tả như có một ông Ba Bị bằng xương bằng thịt trước mắt... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận