Ngày 2-5, ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết ngành du lịch tỉnh nhà vừa có một kỳ nghỉ lễ "bội thu".
Từng dự báo ngành du lịch Huế sẽ gặp khó trước lễ
Theo thống kê của ngành du lịch Huế, dịp lễ vừa qua tỉnh này ước đón khoảng 110.000 khách du lịch đến tỉnh để nghỉ lễ 30-4, 1-5. Tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 58.000 lượt (trong đó có khoảng 43.000 khách nội địa và 15.000 khách quốc tế), tổng doanh thu ước đạt 170 tỉ đồng.
Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch đạt 85%. Hầu hết các khách sạn, kể cả nhóm khách sạn 4-5 sao và homestay đã kín phòng trong những ngày cao điểm từ 27-4 đến 30-4.
Các điểm du lịch nghỉ dưỡng hoặc dịch vụ trải nghiệm gắn với thiên nhiên (đồi núi, suối, thác, biển và đầm phá) và ẩm thực đều kín khách dịp này.
Riêng lượng khách vào tham quan các di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý trong 4 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ đạt hơn 58.300 lượt khách (trong số đó có gần 15.000 lượt khách quốc tế mua vé vào tham quan di tích). Tổng doanh thu của di tích dịp này đạt gần 9 tỉ đồng.
So với cùng kỳ dịp lễ năm 2023, lượng khách đến Huế tăng 15,8%, doanh thu du lịch tăng 9,7%.
Khoảng 1 tuần trước kỳ nghỉ lễ năm nay, ngành du lịch Huế chỉ đưa ra con số khá khiêm tốn dự kiến đón khoảng 65.000 lượt khách đến vui chơi, nghỉ ngơi và tổng doanh thu từ ngành này khoảng 101 tỉ đồng.
Nguyên do là vé máy bay nội địa trước lễ khá cao, cộng thêm thời tiết được dự báo nắng nóng kỷ lục, nên ngành du lịch dự báo người dân đến tham quan các điểm di tích sẽ bị ảnh hưởng.
Ổn định giá phòng nghỉ giúp ngành du lịch "bội thu"
Chị Kim Hằng, giám đốc khu du lịch YesHue Eco (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế), cho biết trong 5 ngày nghỉ lễ, khu du lịch của chị đón hàng ngàn lượt khách đến tắm suối, nghỉ ngơi tránh nóng.
"Lượt khách đến với khu du lịch chúng tôi đông hơn ngày thường gấp nhiều lần. Tuy nhiên không vì thế chúng tôi tăng giá phòng và dịch vụ ở đây. Khu du lịch cũng huy động thêm nhân lực túc trực để phục vụ du khách trong kỳ nghỉ lễ", chị Hằng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, có nhiều nguyên nhân khiến ngành du lịch Huế bội thu dịp lễ này. Đầu tiên là Huế trong thời gian gần đây đã đưa vào rất nhiều sản phẩm du lịch mới như điện Kiến Trung bên trong hoàng cung; phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch suối, thác tự nhiên trên địa bàn.
Một phần nữa, theo ông Phúc, là khách đến Huế dịp này chủ yếu đi theo đoàn gia đình và thường thuê hoặc tự lái xe đi. Hệ thống đường sá dẫn đến Huế những năm trở lại đây cũng được đầu tư, hoàn thiện với hệ thống cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn thông suốt…
Điều này cũng lý giải được phần nào việc giá vé máy bay dù tăng cao nhưng lượng khách đến Huế vẫn tốt.
Điều quan trọng nhất, theo ông Phúc, đó là việc ngành du lịch Huế thường xuyên vận động, kiểm tra các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn, homestay… để các đơn vị này ổn định giá phòng, không "chặt chém", cũng không hạ giá quá thấp để cạnh tranh.
"Các phòng nghỉ có sự cạnh tranh mà theo tôi là cạnh tranh giá lành mạnh khi không nâng, hạ giá quá nhiều, mà bù lại là tăng chất lượng dịch vụ. Trong kỳ nghỉ lễ, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, tiếp nhận phản hồi từ du khách về nạn "chặt chém", nhưng đến lúc này chưa ghi nhận phản ánh nào tiêu cực về dịch vụ du lịch ở Huế dịp lễ", ông Phúc nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận