TTCT - Tháng tư âm lịch được coi là tháng của Phật giáo với nghi lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật (mùa Phật đản), cũng là tháng chuẩn bị cho mùa an cư kiết hạ hằng năm. Phật giáo từ lâu đã trở thành một tôn giáo quen thuộc, hòa đồng trong đời sống của người dân Việt. Bên lề Đại lễ Phật đản Vesak, TTCT trò chuyện với thượng tọa Thích Giác Dũng - tiến sĩ Phật học, giảng viên Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, phó trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm - về những trải nghiệm Phật giáo thời hiện đại. Thượng tọa Thích Giác Dũng - Ảnh: Cát KhuêHòa đồng và cộng sinh* Thưa thầy, lễ Phật đản vào tháng tư âm lịch mỗi năm với các nghi thức như tắm bụt, niệm Phật, ăn chay... có ý nghĩa như thế nào đối với các phật tử ngoài ý nghĩa tưởng nhớ đến ngày Đức Phật đản sinh?- Nghi thức tắm Phật nhắc nhở chúng ta luôn luôn làm cho tâm mình trong sáng để giác ngộ như Đức Phật. Đức Phật dạy: “Như Lai là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”.Tất cả chúng ta đều có Phật tính, đều có khả năng trở thành Phật nhưng vì tham lam, sân hận, si mê làm cho tâm chúng ta không trong sáng, không giác ngộ như Đức Phật được. Do đó, khi tắm Phật là chúng ta phải nhớ nghĩ ngay đến việc làm cho tâm mình được trong sáng, được thanh tịnh. Có như thế mới đúng ý nghĩa tắm Phật ngày đản sinh.Còn việc ăn chay là để nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh xa việc sát sinh một cách gián tiếp. Tất cả mọi sinh vật nếu đã có mạng sống thì đều ham sống sợ chết như nhau. Lòng từ bi của người phật tử không thể lấy sự đau khổ của sinh linh nuôi sống thân mạng của mình. Một ngày nào đó cả xã hội đều ăn chay thì sẽ không còn người sát sinh.* Việc VN lần thứ hai được tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak chứng tỏ điều gì thưa thầy? Rằng ngoài ý nghĩa tôn giáo, Phật giáo còn là văn hóa?- Việc tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak này là do Giáo hội Phật giáo VN tổ chức. Phật giáo từ xưa tới nay luôn chủ trương chung sống hòa đồng, hay nói cách khác, cộng sinh với các tôn giáo khác. Điều đó được thể hiện ngay trên bàn thờ tam bảo của hầu hết các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc bộ.Nơi ban thờ chính giữa, ngoài tôn tượng chư Phật, Bồ Tát còn có tượng Ngọc hoàng, Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu... là những tôn tượng của Đạo giáo và Nho giáo những thế kỷ trước đây. Đó là tinh thần cộng sinh, cùng chung sống hòa đồng của Phật giáo VN. Người phật tử VN không nên quên tinh thần cộng sinh vô cùng quan trọng này.Muốn biết việc Giáo hội Phật giáo VN tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak chứng tỏ điều gì, chúng ta cần tìm hiểu đúng từ nguyên hay nói cách khác, từ ngữ mà Liên Hiệp Quốc đã sử dụng: Năm 1999, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết công nhận ngày Vesak (Vesak là từ ngữ chỉ chung cho ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật: đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn, nhưng vì được tổ chức vào ngày Phật đản nên người ta thường gọi là ngày Phật đản) là ngày lễ hội văn hóa thế giới.Rõ ràng, Liên Hiệp Quốc nhìn nhận ngày Phật đản từ góc độ văn hóa chứ không phải tôn giáo. Và chính từ góc nhìn đó, người ta đã nhận ra chân giá trị của Phật giáo. Ở đây cần hiểu từ ngữ văn hóa là gì. Trước hết, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa văn minh và văn hóa.Văn minh là cái biết - làm, kết tinh của trí thông minh của cá nhân con người hay tập thể và mục tiêu là phục vụ cho thế giới vật chất của con người, giúp con người sống tiện nghi, thoải mái hơn. Còn văn hóa là cái biết - sống, kết tinh từ ý thức của cộng đồng xã hội và mục tiêu là phục vụ cho thế giới tâm linh, giúp con người sống hòa thuận, an lạc, hạnh phúc hơn.* Buổi làm việc đầu tiên của Vesak là hội thảo Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc... Phải chăng ngày nay, Phật giáo hơn khi nào hết đến gần hơn với chính trị, với xã hội mà các thầy hay gọi là “nhập thế”?- Thật ra tinh thần “nhập thế” đó đã được tuyên bố bởi chính Đức Phật khi ngài dạy: “Như Lai ra đời vì hạnh phúc, vì an lạc của chư thiên và loài người”. Đây là thông điệp đầu tiên và xuyên suốt những lời dạy của ngài. Tuy nhiên, có những thời kỳ, những giai đoạn lịch sử, người đệ tử của Đức Phật đã quá chú trọng vào vấn đề tu tập của tự thân, vào kinh viện mà không nghe thấy nỗi khổ của chúng sinh, quên đi lời dạy thiết tha của Đức Phật nên thảng hoặc có những tiếng gọi “nhập thế”.Ngày nay nhân loại đối mặt với quá nhiều hiểm nguy như sự phá hoại môi trường, sự xung đột sắc tộc... nên người đệ tử Phật hơn bao giờ hết càng phải có tiếng nói và hơn nữa phải có hành động thiết thực để đem lại an lạc, hạnh phúc cho nhân loại.“Nát muôn thân thà chịu đắng cay”* Đã tồn tại ở VN hàng ngàn năm, vậy tại sao và vì cớ nào Phật giáo vẫn chưa thắng được những thói quen không có trong đạo Phật mà người thờ Phật vẫn làm như đốt vàng mã, rải tiền lẻ, nhét tiền vào tượng Phật và... đặt đồ mặn lên bàn thờ Phật?- Cần phải phân biệt tín ngưỡng của tôn giáo với tín ngưỡng của quần chúng. Việc đốt vàng mã, rải tiền lẻ, nhét tiền vào tượng Phật... thuộc về tập tục, tín ngưỡng của quần chúng, nó tự phát và được lan truyền trong quần chúng. Và đa số những người làm việc đó là những người tuy có đi chùa nhưng không nghe giảng, không học hỏi giáo lý nên cứ cho rằng việc làm đó là đúng.Hơn nữa, đặc điểm của Phật giáo là tôn trọng tự do của con người. Mọi người đến với đạo Phật bằng sự tự nguyện và tự do của mỗi cá nhân chứ không có sự bắt buộc hay quy định nào cả. Chính vì lẽ đó nên có rất nhiều người chỉ đến chùa cúng lễ vào các ngày rằm, mùng một và cho rằng như thế đã là một phật tử. Từ đó họ không nghe pháp, không đọc kinh nên không phân biệt được đâu là chánh tín và đâu là mê tín.* Ngay cả việc xây chùa, một số người cho rằng việc xây chùa như hiện nay với các pho tượng Phật được “nhập ngoại” đã không phải là một hành vi hoằng dương Phật pháp như bản thể mà có dấu hiệu của một thời kỳ “mạt pháp”. Thầy nghĩ sao về ý kiến này?- Việc thỉnh tôn tượng từ nước ngoài về thờ không nên gán với khái niệm “mạt pháp”. Mạt pháp chỉ cho một thời kỳ người con Phật chỉ đấu tranh, chỉ tranh giành... chứ không lo tu tập và dĩ nhiên cũng không có người ngộ đạo. Việc nhập những tôn tượng từ nước ngoài như thế, trước hết phản ánh trào lưu của xã hội. Phật giáo là một tổ chức trong lòng một xã hội nên ít nhiều có ảnh hưởng qua lại với xã hội đó.Xã hội VN ta ngày nay rõ ràng là có khuynh hướng sính hàng ngoại. Một số chùa cũng có khuynh hướng đó. Thứ hai, việc nhập những tôn tượng nước ngoài như thế thuộc về nhận thức của từng cá nhân. Có người vì có ý tưởng tốt là muốn thờ tượng Phật đẹp, trang nghiêm, tố hảo, bền... nên nhập tượng từ nước ngoài về.Theo tôi, tượng của mỗi nước phản ánh đặc điểm của mỗi dân tộc khác nhau. Mình là người Việt nên thờ tượng do chính người Việt tạc, thờ những pháp khí do chính người Việt sản xuất. Nếu chưa đẹp thì mình có thể hướng dẫn, yêu cầu người thợ làm đẹp hơn. Dần dần chúng ta sẽ có những bức tượng đẹp hoàn hảo như ý muốn. Có như thế, con cháu các thế hệ sau mới biết được diện mạo của chúng ta ngày nay.Nếu cứ thờ những tôn tượng nhập từ nước ngoài như thế, vô hình trung mình đã phủ định khả năng, bản sắc của dân tộc mình và con cháu mai sau sẽ không tìm thấy được cội nguồn, sự liên kết của tính truyền thống dân tộc.* Là người con Phật, nhưng cũng là người con nước Việt, trước nguy cơ Tổ quốc bị xâm lăng, trách nhiệm của người con Phật như thế nào theo mỗi thời kỳ thưa thầy, trước đây và hiện tại?- Là người con Phật nhưng trước hết là người con của dân tộc Việt, người phật tử đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết. Nếu Tổ quốc bị xâm lăng, dân tộc bị diệt vong thì Phật giáo cũng không còn đất sống. Cho nên hằng ngày, trong các thời khóa tụng kinh, người con Phật luôn cầu nguyện cho đất nước luôn luôn được thanh bình và nhân dân mãi mãi được an lạc.Và Đức Phật dạy: Người đệ tử Phật luôn nhớ tới bốn ơn nặng mà ơn đầu tiên là ơn đất nước. Nếu đất nước bị xâm lăng, người con Phật sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đức Phật dạy: Bảo vệ Tổ quốc không phạm giới sát sinh mà ngược lại có công đức lớn vì bảo vệ được cuộc sống an lành của hàng trăm, hàng triệu người.Chính vì lý do đó, thời nhà Trần tuy mọi người đều quy y Phật, thực hành theo những lời dạy của Đức Phật nhưng luôn sẵn sàng quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, thời nhà Trần cha ông đã ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông xâm lược.Ý thức bảo vệ Tổ quốc thể hiện rõ nét trong lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Cảm đức từ bi để nhiều kiếp nguyện cho thân cận/Đội ơn cứu độ nát muôn thân thà chịu đắng cay”.* Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy. Trong Tuyên bố Ninh Bình 2014 do hòa thượng Thích Thiện Nhơn - phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đọc tại lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (diễn ra từ ngày 7 đến 11-5-2014 - Phật lịch 2558), các đại biểu đến từ 95 quốc gia và khu vực đã nhất trí và quyết tâm đưa ra bảy điều về hòa bình dựa trên giáo pháp của Đức Phật.Trong đó, điều 3 nói về Xây dựng hòa bình và bình phục hậu mâu thuẫn, xác định:- Thúc đẩy hòa giải các cuộc xung đột, tôn trọng sự sống, kết thúc bạo lực và thực hành lòng từ bi, bất bạo động thông qua đối thoại và hợp tác.- Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lực pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác trong việc phê chuẩn các công ước của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định thế giới... định của toàn xã hội- Đề cao hòa bình cả nội tại và ngoại tại, bằng cách động viên các tín đồ Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề đương đại của chiến tranh, bạo lực, không khoan dung và khủng bố đang đe dọa đến hòa bình và ổn trên toàn thế giới... Tags: Phật giáoĐại lễ VesakƠn đất nướcTuyên bố Ninh Bình
Bầu cử Mỹ: Ông Trump sắp bỏ phiếu DUY LINH 05/11/2024 Theo báo The New York Times, cuộc bỏ phiếu tại 8 hạt có thể báo hiệu sớm ai là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Vụ 20 trẻ mầm non vào viện nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột: Sẽ làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể DƯƠNG LIỄU 05/11/2024 Chiều 5-11, UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu tổ chức họp báo đột xuất cung cấp thông tin về vụ việc trẻ nhập viện nghi ngộ độc do ăn nhầm thuốc diệt chuột tại Trường mầm non xã Giang Ma.
Chủ tịch Mỹ Châu Pharmacy và ca sĩ Quốc Kháng bị bắt vì 'chạy án' ĐAN THUẦN 05/11/2024 Bà Lê Thị Mỹ Châu (chủ tịch HĐQT Công ty Pharmacy Group) bị bắt tạm giam, vì móc nối với ca sĩ Quốc Kháng để 'chạy án' cho một bị can đang bị Công an TP.HCM tạm giam.
Nhận tiền giúp hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng quân sự bị bắt LÊ TRUNG 05/11/2024 Nhận tiền của người khác để giúp hoãn gọi khám nghĩa vụ và hoãn nhập ngũ, phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự xã ở Quảng Nam bị bắt tạm giam.