23/02/2022 08:49 GMT+7

OMO - ở nhà, tại lớp vẫn học được

NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG
NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG

TTO - Việc mở cửa lại trường học là cần thiết, nhất là ở những thành phố lớn, nơi mà việc đóng cửa trường có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế như TP.HCM và Hà Nội.

OMO - ở nhà, tại lớp vẫn học được - Ảnh 1.

Một lớp học của Trường tiểu học ICS áp dụng mô hình OMO - Ảnh: U.P.

Ở những địa phương này, nhịp độ giao thương đã quay trở lại gần như thời chưa có dịch, nhiều cha mẹ cũng phải quay lại với cuộc mưu sinh chứ không thể ở nhà cùng con mãi. 

Và nếu tiếp tục đóng thì sẽ đóng đến bao giờ vì cũng chưa ai có câu trả lời chắc chắn cho việc khi nào thì đại dịch mới thật sự kết thúc hẳn. Trong khi các ảnh hưởng của việc đóng cửa trường kéo dài lên tâm lý, thể chất của học sinh thì khá rõ ràng.

Trước bối cảnh đó, một số quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và ứng dụng thử mô hình "lớp học OMO", là viết tắt của "Online-Merge-Offline" (học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp). Với mô hình này, học sinh học tại nhà và học tại trường có thể học cùng lúc với nhau. 

Nếu một giáo viên nào đó bị nhiễm bệnh, giáo viên cũng có thể triển khai tiết dạy cho học sinh ở trên lớp ngay khi mình đang cách ly ở nhà. Vì phần lớn các ca nhiễm COVID-19 hiện nay đều có triệu chứng khá nhẹ nếu như đã tiêm đủ liều vắc xin.

Cần 3 yếu tố

Để triển khai được mô hình OMO, cần 3 yếu tố sau đây: (1) Trang thiết bị lớp học, (2) Kỹ năng công nghệ, (3) Kỹ năng giảng dạy.

Về trang thiết bị, lớp học cần được trang bị camera thu tiếng, máy tính kết nối với một màn hình/ màn chiếu (hoặc lý tưởng hơn là bảng tương tác), hệ thống âm thanh, phần mềm dạy online và Internet. Khi giáo viên dạy trên lớp, camera sẽ ghi hình tiết học và chuyển đến cho học sinh cách ly ở nhà qua phần mềm dạy online. 

Ngược lại, khi giáo viên cách ly ở nhà, hình ảnh và màn hình của giáo viên sẽ được phát qua màn hình và hệ thống loa đến học sinh ở lớp.

Mô hình này cũng đòi hỏi giáo viên và học sinh có kỹ năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng công nghệ một cách thành thạo. Sau giai đoạn học online vừa qua, kỹ năng này của các thầy cô lẫn học sinh đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với những trường ở vùng khó khăn, thiếu trang thiết bị thì đây vẫn là một rào cản.

Thách thức lớn nhất chính là làm thế nào để giáo viên có kỹ năng giảng dạy "hai trong một". Việc cùng lúc phải dành sự chú ý và đảm bảo tương tác cho cả hai nhóm học sinh online và offline là việc không dễ với nhiều thầy cô giáo. 

Trong đợt đóng cửa trường vừa qua, các giáo viên đã có một đợt "chuyển mình" để thích nghi với việc dạy online, nhưng vẫn có điểm thuận lợi là khi đó toàn bộ học sinh đều học online. Với mô hình lớp học OMO, giáo viên vừa phải quan sát học sinh tại lớp, vừa không quên chú ý học sinh đang học tại nhà. Thật không dễ để "phân thân" như vậy, nên thường các lớp học OMO sẽ có thêm một trợ giảng hỗ trợ giáo viên quản lý lớp học.

Cân bằng giữa 2 nhóm học sinh

Nhiều giáo viên tâm sự rằng trong thời gian đầu giảng dạy theo lối này, họ thường cảm thấy quá tải và dễ kiệt sức. 

Nhưng qua thời gian, mọi việc dần trở nên "dễ thở" hơn nhiều khi giáo viên học được cách kết hợp các thao tác giữa hai môi trường online và offline, cách nhấn mạnh và làm rõ những phần quan trọng của bài học để học sinh ở cả hai đầu cầu đều nắm được, cách cân bằng sự chú ý giữa hai nhóm học sinh.

"Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang bủa vây, việc được nhìn thấy những gương mặt thân yêu của các em và được tiếp tục công việc giảng dạy của mình mỗi ngày mang lại cho tôi cảm giác về một "bình thường mới" thực sự" - một giáo viên dạy theo mô hình OMO tại Trường tiểu học ICS, TP.HCM, chia sẻ.

Mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng những trường học đầu tiên trên thế giới cũng như tại Việt Nam triển khai mô hình này đều ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. Việc học của học sinh gần như không bị gián đoạn hay xáo trộn. Hầu hết các em đều nhanh chóng thích nghi và còn học được những kỹ năng mới như kỹ năng công nghệ, kỹ năng tương tác đa môi trường.

Điều đặc biệt nhất mà mô hình này mang lại, chính là cảm nhận sống động về một "bình thường mới" trong cả thầy và trò. "Bình thường mới" chỉ thực sự hiện diện, khi chúng ta có thể sống chung với dịch bệnh một cách chủ động, bình tĩnh và duy trì được nhịp sống hằng ngày của mình một cách tương đối ổn định. Chừng nào còn sợ hãi, còn co cụm, còn xáo trộn, chừng đó ta chưa có "bình thường mới"!

Dám dạy thì phải chịu học

Nhiều người ví von rằng nếu như việc chuyển đổi lên môi trường online là "cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất" của ngành giáo dục, thì lớp học OMO có tiềm năng trở thành "cuộc cách mạng lần thứ hai".

Cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi sự quyết liệt, sự dấn thân, và khó tránh khỏi thử thách lúc đầu. Nhưng như một câu châm ngôn đã nói: "Người dám dạy thì phải chịu học", Người làm giáo dục sẽ khó có thể dẫn dắt được sự học của học sinh một cách hiệu quả trong một thế giới đã có quá nhiều điều đổi khác như thế này nếu không chịu học những điều mới và dám dạy theo cách mới!

Học sinh Bạc Liêu vẫn đến trường, thông tin dừng cho học trực tiếp là sai sự thật Học sinh Bạc Liêu vẫn đến trường, thông tin dừng cho học trực tiếp là sai sự thật

TTO - Ngày 22-2, ông Dương Hồng Tân - phó giám đốc Sở Giáo dục - khoa học và công nghệ Bạc Liêu - khẳng định, không có chuyện Bạc Liêu dừng cho học sinh đến trường học trực tiếp.

NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: OMO học tại nhà