31/12/2021 07:57 GMT+7

Omicron tăng mạnh tại Thái Lan, châu Âu

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Biến thể Omicron dễ lây lan kết hợp với cao điểm đi lại dịp cuối năm 2021 đang làm tăng mạnh số ca COVID-19 trên toàn thế giới, nhất là tại Thái Lan và nhiều nước châu Âu.

Omicron tăng mạnh tại Thái Lan, châu Âu - Ảnh 1.

Nhân viên phục vụ đứng chờ khách tại một nhà hàng ở phố Khaosan - một trong những điểm du lịch ưa thích - tại thủ đô Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Reuters

Nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca COVID-19 kỷ lục trong 24 giờ. Trong khi đó, giới chức Thái Lan cảnh báo người dân nên chuẩn bị tinh thần cho việc số ca COVID-19 sẽ tăng sau khi phát hiện ổ dịch siêu lây nhiễm liên quan đến biến thể Omicron.

Tôi rất lo lắng về việc biến thể Omicron dễ lây lan hơn. Cùng với Delta, chúng sẽ gây ra "đợt sóng thần" của những ca mắc mới.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo.

Ổ dịch siêu lây nhiễm

Ngày 30-12, báo Bangkok Post dẫn lời Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho biết tới nay nước này đã ghi nhận 740 ca mắc Omicron ở 33 tỉnh, trong đó có 489 ca nhập cảnh, phần còn lại là ca cộng đồng.

"Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các ca mắc Omicron địa phương đều liên quan đến các ca nhập cảnh trước đó", tiến sĩ Supakit Sirilak - cục trưởng Cục Khoa học y tế (DMS) Thái Lan - nói.

Chỉ riêng trong 2 ngày 27 và 28-12, Thái Lan có khoảng 200 ca Omicron, tương đương 6%, trong tổng gần 5.000 ca mới ghi nhận. "Omicron rõ ràng đang lây nhanh nhưng không thực sự nghiêm trọng", tiến sĩ Supakit nhận xét.

Thái Lan cũng phát hiện ổ dịch Omicron siêu lây nhiễm tại tỉnh đông bắc Kalasin. Đến nay, theo Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, có 248 ca nhiễm tại 12 tỉnh ở vùng đông bắc và phía bắc liên quan đến cặp vợ chồng vừa từ Bỉ về. Ngày 12-12 họ đến Kalasin, và tại đây, họ ghé tới 3 quán bar mà không biết mình đã mắc Omicron.

Ngoài ra, ông Supakit cho biết Thái Lan đã giải trình tự gene một số mẫu bệnh phẩm lấy ngẫu nhiên từ du khách nước ngoài, người dân sống ở biên giới, bệnh nhân COVID-19 nặng và người ở các ổ dịch có đặc điểm bất thường. Kết quả được chia sẻ với các nhà khoa học trên thế giới thông qua GISAID - sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu về cúm.

Thủ tướng Prayut Chan-ocha kêu gọi người dân thận trọng đón năm mới, luôn đeo khẩu trang và tránh nơi đông người. Thái Lan yêu cầu công chức làm việc tại nhà trong 2 tuần sau khi đi du lịch dịp năm mới 2022 và khuyến khích các công ty tư nhân làm theo.

Nhiều nước châu Âu tăng số ca kỷ lục

Ngày 29-12, theo Hãng tin Reuters, các nước Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Malta đều có số ca mắc mới theo ngày tăng cao kỷ lục.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết họ đang chứng kiến số ca bệnh "tăng chóng mặt" với 208.000 ca mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày kỷ lục tại Pháp và trên cả châu Âu. Từ ngày 31-12, Pháp bắt buộc đeo khẩu trang trở lại ngoài trời với mọi người từ 11 tuổi trở lên, trừ người ngồi trong xe và người đang chơi thể thao.

Kế đó là Anh với 183.037 ca mắc mới trong 1 ngày, mức tăng kỷ lục từ đầu dịch và cao hơn kỷ lục ngày 28-12 với 50.000 ca. Số ca COVID-19 nhập viện ở Anh hiện là 10.000 ca, cao nhất kể từ tháng 3 vừa qua.

Dù vậy, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói ông sẽ không ban hành các hạn chế mới trong năm nay nhằm phòng ngừa biến thể Omicron lúc này đã chiếm gần 90% số ca bệnh trong cộng đồng.

Theo ông Johnson, biến thể Omicron thật sự đang "gây ra vấn đề" ở Anh dù rõ ràng nó gây bệnh nhẹ hơn so với Delta và khoảng 90% bệnh nhân cần chăm sóc tích cực là người chưa tiêm tăng cường. Ông Johnson cũng kêu gọi người dân đi tiêm và thận trọng trong các hoạt động đón năm mới.

Cũng trong ngày 29-12, Đan Mạch - hiện có tỉ lệ ca nhiễm trên đầu người cao nhất thế giới - cũng ghi nhận kỷ lục 23.228 ca mắc mới trong 24 giờ.

Chính quyền cho rằng nguyên do vì số người xét nghiệm COVID-19 tăng đột biến sau lễ Giáng sinh. Tây Ban Nha giới hạn sức chứa với các sân vận động là 75% với sân ngoài trời và 50% với sân trong nhà, sau khi ghi nhận kỷ lục 100.760 ca mắc mới trong 24 giờ.

Trung Quốc tạo vùng đệm ở biên giới ngăn dịch

Để đối phó các ca nhập cảnh và bảo vệ nền kinh tế, Trung Quốc sẽ tạo vùng đệm tại các thành phố biên giới, theo báo South China Morning Post tối 29-12.

Ông Lương Vạn Niên - người đứng đầu ban cố vấn ứng phó COVID-19 cho Chính phủ Trung Quốc - cho biết cuộc sống trong vùng đệm vẫn diễn ra bình thường, miễn là không có ca COVID-19.

Người dân sẽ không thể rời vùng đệm nếu không cần thiết. Năm 2021, Trung Quốc phải dập các đợt dịch rải rác trên cả nước, nhất là ở các thành phố biên giới như Thụy Lệ (giáp Myanmar) và Mãn Châu Lý (gần Nga và Mông Cổ).

9/10 nước ASEAN có Omicron, Thái Lan cao nhất 934 ca, triệu chứng sớm nhất là gì? 9/10 nước ASEAN có Omicron, Thái Lan cao nhất 934 ca, triệu chứng sớm nhất là gì?

TTO - Tại Đông Nam Á, trừ Lào, 9 nước ASEAN còn lại đều đã ghi nhận ca mắc biến thể Omicron. Thái Lan là quốc gia có số ca nhiễm Omicron cao nhất khu vực, với 934 ca.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên