Sau đợt hoành hành của biến thể Omicron, có dự báo châu Âu và Mỹ sẽ có những tháng ngày yên ả (trong ảnh: người Ireland tận hưởng bữa ăn ngoài trời) - Ảnh: Reuters
Ngay lập tức có luồng ý kiến "tự tin theo" ở Việt Nam, thậm chí là tâm lý "chủ động" nhiễm để có "lộ trình" như các nước kể trên.
Tuy nhiên, trước kỳ nghỉ kéo dài như Tết, đi cùng các dịp hội hè, tụ tập, các chuyên gia trong nước đều cho rằng không được chủ quan "tự tin theo" chuyện ở châu Âu, Mỹ… để tránh dịp Tết trở thành "sự kiện siêu lây nhiễm" kéo dài. Vì sao?
* Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng (phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):
Nếu dịch bệnh lây nhanh sẽ quá tải điều trị
Về bản chất, biến chủng Omicron chủ yếu gây viêm hô hấp trên, khi đó virus tồn lưu trong không khí nhiều và khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng Delta.
Minh chứng của việc này là việc xuất hiện chùm ca bệnh vừa được xác định nhiễm biến chủng Omicron ở TP.HCM có tính chất lây nhiễm rất cao, hầu như những người tiếp xúc với F0 sau đó đều "dính" bệnh.
Hiện số lượng người được tiêm chủng vắc xin ở Việt Nam khá cao, điều này giúp ca mắc ít chuyển nặng và tử vong.
Tuy vậy không vì thế chủ quan, bởi với tốc độ lây lan rất nhanh, nếu chủng Omicron xâm nhập kết hợp với chủng Delta đang lưu hành sẽ gây quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực của hệ thống điều trị.
Điều quan trọng lúc này, ngành y tế cần tiếp tục rà soát tiêm chủng vắc xin, đặc biệt trên các nhóm nguy cơ (bệnh lý nền, người cao tuổi…); song song các biện pháp kiểm soát các nguồn lây trong cộng đồng, không cho biến chủng Omicron có cơ hội xâm nhập sâu làm tăng đột biến số ca mắc.
Và cuối cùng, người dân khi tham gia các hoạt động công cộng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, cần phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp 5K.
Người dân tuân thủ quy định phòng chống dịch khi du xuân tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
* TS.BS Lê Quốc Hùng (trưởng khoa bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy):
Coi chừng sinh biến chủng mới
Chủng Omicron được giới khoa học đánh giá là gây bệnh nhẹ và sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu (giống cúm) tạo ra miễn dịch cộng đồng như tiêm ngừa vắc xin.
Tuy nhận định là thế nhưng nếu bùng lên ở một số quốc gia đang có sự lưu hành của các chủng virus khác (như Việt Nam với chủng Delta chiếm ưu thế) thì khả năng lây lan rất nhiều người; đặc biệt với sự đột biến sẵn có không loại trừ khả năng tạo ra các chủng mới hơn.
Hiện tại số lượng người mắc chủng Omicron còn rất hạn chế, đa số là do nhập cảnh, được cách ly từ đầu. Điều này hoàn toàn khác với các quốc gia đã có chủng Omicron lan rộng trong cộng đồng.
Do đó nếu chúng ta buông lỏng các biện pháp phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ bùng dịch trở lại. Nếu nhìn các quốc gia đã "dễ thở" rồi chúng ta thoải mái theo sẽ rất nguy hiểm, điều này có thể mở màn cho các đợt dịch khác xuất hiện.
Dù không quá bi quan bởi tỉ lệ tiêm chủng cao nhưng cũng không vì thế chủ quan. Và để ứng phó với tình hình này, các biện pháp 5K vẫn luôn luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Trong các khuyến cáo 5K, đặc biệt những ngày Tết thì điều đáng lo nhất vẫn là tập trung đông người.
Tỉ lệ người dân được tiêm vắc xin khá cao, điều này giúp ca mắc ít chuyển nặng và tử vong - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng - Trường ĐH Y dược TP.HCM):
Không mắc gì vẫn tốt hơn
Có nhiều người cho rằng chủng Omicron dù lây nhanh nhưng có tỉ lệ chuyển nặng thấp và có hơi chủ quan về việc "mắc bệnh cũng không sao".
Tuy vậy, quan điểm của tôi là chủng Omicron vẫn rất đáng e ngại, việc cố gắng phòng vệ để không bị mắc sẽ tốt hơn rất nhiều cho mỗi cá nhân. Và khi mỗi cá nhân giảm nguy cơ mắc sẽ góp phần giảm được sự quá tải cho hệ thống y tế và tổn thương về sinh mạng.
Khi dịch bệnh bùng phát lây lan mạnh khắp toàn cầu, cộng với việc mở cửa sản xuất kinh doanh, chúng ta đều biết rằng trước sau gì chủng Omicron sẽ xâm nhập.
Theo tôi, trong bối cảnh này không nên chủ quan và bi quan quá mức, mỗi người với nhu cầu công việc của mình cần tham gia lao động sản xuất và biện pháp hữu hiệu nhất để làm giảm nguy cơ lây lan là tuân thủ 5K.
Dù có đạt tỉ lệ tiêm chủng cao, tỉ lệ tự miễn dịch sau khi mắc COVID-19 lớn nhưng với tình hình thực tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung thì việc tuân thủ 5K vẫn rất cần thiết. Suy cho cùng 5K vẫn là giải pháp cần được duy trì thường xuyên, liên tục; các quốc gia trên thế giới đều áp dụng, không thể làm khác.
* Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (27 tuổi, quê Long An, công nhân KCX Tân Thuận, TP.HCM):
Nghĩ chuyện qua Tết khỏe mạnh để đi làm
Tôi đọc báo nghe nói nhiễm chủng mới sẽ không bị nặng. Thực ra cũng không còn sợ như lúc chưa tiêm vắc xin nhưng quan trọng nhất là giữ sức để về quê ăn Tết rồi quay trở lên làm việc.
Ngày Tết về quê với cha mẹ cho ấm cúng, tranh thủ nghỉ ngơi rồi đi làm lại. Vậy nên cũng phải cẩn thận chứ không thể xả láng được. Lỡ bị bệnh thì sức khỏe đâu mà ăn Tết, rồi sức đâu mà đi làm lại. Năm vừa qua đã không làm lụng được gì rồi.
Hồi thành phố mới mở cửa lại đầu tháng 10 năm ngoái, vừa đi làm lại được chừng hơn tuần thì tôi đã bị nhiễm, phải ở nhà tự cách ly 2 tuần. Lúc đó có tiêm vắc xin rồi nhưng không thể nào đi làm bình thường được.
V.THỦY ghi
5 ca mắc Omicron trong cộng đồng liên quan đến ca nhập cảnh
Ngày 24-1, Sở Y tế TP.HCM cho biết kết quả giải mã trình tự gene ca mắc COVID-19 nhập cảnh từ Mỹ vừa cho kết quả nhiễm biến chủng Omicron (BA.1).
Như vậy đến nay đã có 5 ca nhiễm Omicron trong cộng đồng có liên quan đến ca nhập cảnh này. Từ việc xuất hiện chùm ca bệnh này, các chuyên gia cho rằng đã phần nào chứng minh đánh giá về thời gian ủ bệnh và tốc độ lây lan cực nhanh của biến chủng Omicron.
Cụ thể, nếu tính từ ngày 4-1, thời điểm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính (xét nghiệm tại Mỹ, trước lúc về Việt Nam) cho đến ngày được xác định mắc COVID-19 là 12 ngày.
Nếu tính từ thời điểm hết cách ly tại Nha Trang (10-1) đến ngày phát bệnh (16-1) là 6 ngày. Điều này hoàn toàn khác với chủng Delta hoặc Alpha, thời gian ủ bệnh trung bình chỉ tầm 5-7 ngày, cá biệt chỉ vài ngày là phát bệnh.
Về khả năng lây nhiễm của chùm ca bệnh này cũng khá cao. 3/5 trường hợp được xác định nhiễm Omicron hiện nay đều có tiếp xúc với bệnh nhân nhập cảnh và chỉ 4 ngày sau thì cả 3 phát bệnh.
Ngoài ra người sống chung với các ca bệnh cũng đều nhiễm Omicron. Tỉ lệ lây bệnh cho người tiếp xúc gần trong trường hợp này là gần như tuyệt đối.
"Các trường hợp này được phát hiện do có triệu chứng và đi làm xét nghiệm. Nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, người bệnh không đi làm xét nghiệm thì sẽ không biết được và khi đó dịch bệnh có thể âm thầm lan dần trong cộng đồng" - TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cảnh báo.
Nhất định không mang "Cô Vi" về cho mẹ
Người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà - Ảnh: HOÀNG ANH
Tôi là một "F0 mới toanh" vì khi viết những dòng này (24-1), tôi mới nhiễm bệnh 3 ngày.
Vì sao tôi lại biết chính xác như thế? Tối 18-1 tôi đi dự tiệc tất niên và đến tối hôm sau, tôi được thông báo rằng người đồng nghiệp ngồi cạnh mình trong buổi tiệc đã dương tính với COVID-19.
Ngay lập tức tôi làm test nhanh, kết quả âm tính, tôi chưa yên tâm, tôi hỏi đồng nghiệp về kết quả PCR của anh ấy, nghe chỉ số CT 13.2, tôi nghĩ thầm: mình sẽ nhiễm vì buổi tiệc không 5K. Ngày hôm sau tôi tiếp tục test nhanh, vẫn âm tính.
Đến ngày 21-1, buổi sáng test nhanh âm tính, buổi chiều tôi làm PCR, đến 6h tối, tôi nhận kết quả dương tính CT = 25.1. Đến nay tôi tạm là một F0 khỏe mạnh, không sốt, không ho, không rát họng… Nói cách khác, nếu không làm PCR, tôi và những người xung quanh sẽ hoàn toàn không biết tôi là F0.
Vì sao tôi lại quyết tâm tìm cho ra virus như thế? Vâng, tôi đã tiêm đủ vắc xin và tôi cũng hy vọng rằng mình sẽ không có triệu chứng nặng nếu nhiễm. Nhưng tôi chuẩn bị về quê đón Tết cùng gia đình.
Ở quê, ba mẹ tôi đã lớn tuổi, rất nhiều bệnh nền và yếu đến mức không thể chích được vắc xin phòng COVID-19.
Về quê, ngoài ba mẹ, tôi có thể còn gặp và tiếp xúc rất nhiều họ hàng, những người lớn tuổi, tôi có thể không triệu chứng khi mắc bệnh, nhưng tôi không chắc những người nhiễm virus từ tôi họ có lướt qua được hay không.
Rồi nếu qua được, có để lại di chứng gì không. Tôi cần giữ gìn cho những người thân xung quanh tôi.
Lòng tôi có ngổn ngang không? Các kế hoạch Tết của tôi có đảo lộn gì không? Có, sau rất nhiều năm, đây có lẽ sẽ là cái Tết tôi không ở bên ba mẹ, không phải do không được về quê mà do bác sĩ dặn nay tôi vẫn dương tính và để đảm bảo an toàn cho ba mẹ, phải 14 ngày sau khi âm tính tôi mới được tiếp xúc mà chỉ hơn tuần nữa Tết đến rồi.
Khi xung quanh, bạn bè người thì khoe vừa sắm được bình tuyết mai xinh, cành đào huyền đẹp hay chủ nhật rồi vừa tụ tập nhau đạp xe sang Thủ Thiêm chụp hình check-in với khinh khí cầu, hay đi làm tóc mới… còn tôi thì không được ra khỏi cửa, cũng hơi chút chạnh lòng.
Khi mọi người rộn ràng đi mua sắm Tết, tôi lại chưa kịp sắm sửa gì được cho gia đình mình cũng thấy hơi buồn.
Nhờ có vắc xin, hiện tại chúng ta không còn thấy cảnh bệnh viện quá tải, các trạm ATM oxy quá tải, các đài hóa thân quá tải.
Nhưng dịch bệnh vẫn còn đó và không ai biết trước khi virus đi vào lá phổi mỗi người sẽ nặng - nhẹ, có di chứng gì, thậm chí là không triệu chứng nhưng lại gánh chịu di chứng nặng nề bởi khoa học cũng chưa giải mã hết được về COVID-19.
Cho dù nhờ vắc xin, căn bệnh chết chóc này giảm được nguy hiểm nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan. Ngày Tết đã cận kề, càng nhiều buổi gặp nhau cuối năm, càng nên thận trọng và càng cần 5K.
Nhắc lại chuyện mình, tôi là một F0 từ bữa tiệc tất niên đó. Nếu bạn là người xa xứ chuẩn bị về quê, qua một năm vất vả dãi dầu thì chắc mang gì về cho mẹ cũng được, ngoại trừ "Cô Vi", bạn nhỉ!
Người đồng nghiệp của tôi mới test nhanh đã âm tính nhưng bạn ấy nói cần đi xét nghiệm PCR để yên tâm gặp gỡ mọi người dịp Tết. Không chỉ chuyện này mà tôi thầm cảm ơn đồng nghiệp của mình.
Trước đó, nhờ bạn đi xét nghiệm PCR, nếu không thì tôi không biết nồng độ virus đậm đặc của bạn và qua vài lần test nhanh chưa thấy gì của mình, tôi sẽ "hồn nhiên" về quê, "hồn nhiên" gieo mầm bệnh...
THIÊN TƯỜNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận