10/01/2019 15:58 GMT+7

Ôm nợ vì tàu “67” công suất nhỏ, xuống cấp nhanh

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TTO - Đầu năm 2016, ông Phạm Ngọc Hoàng (51 tuổi, trú phường 3, TP Vũng Tàu) vui mừng vì có tàu đánh cá vỏ thép, mở rộng ngư trường nhưng được gần hai năm thì tàu xuống cấp và hiện phải nằm bờ, ôm khoản nợ 10 tỉ đồng.

Ôm nợ vì tàu “67” công suất nhỏ, xuống cấp nhanh - Ảnh 1.

Tàu vỏ thép mới đóng gần ba năm nhưng nhìn cũ kỹ và xuống cấp của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng - Ảnh: Đ.H

Máy không hợp thân tàu, sàn bong tróc

Tàu vỏ thép BV 96779 TS của ngư dân Phạm Ngọc Hoàng (51 tuổi, trú phường 3, TP Vũng Tàu) do Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn (SBIC) đóng với giá gần 9,5 tỉ đồng. Tháng 4-2016, ông Hoàng đầu tư thêm gần 3 tỉ đồng mua ngư cụ và đi chuyến biển đầu tiên. Tàu và lưới được đóng, mua theo Nghị định 67 bằng tiền vay của BIDV Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 11 tỉ đồng, ông Hoàng bỏ vốn đối ứng hơn 1 tỉ đồng.

Sau những chuyến đi đầu tiên có lãi, đến giữa năm 2017, tàu BV 96779 TS không thể tiếp tục đi biển. Nguyên nhân là công suất máy nhỏ, vỏ, sàn tàu bị xuống cấp. "Tàu này dài 27 mét, rộng 6,5 mét nhưng công suất máy chỉ 608 mã lực (CV) nên không thể tải chở được khi có cá và có lưới", ông Hoàng cho biết. Theo ngư dân này vì lý do tàu xuống cấp, công suất nhỏ nên các bạn ghe cũng "chê" không đi. Và nếu đi cũng lỗ vì tàu chỉ chạy được chừng 4-5 hải lý/giờ, "không lại với người ta". Chỉ cần sóng gió cấp 2-3 là "tàu đã không đi nổi".

Ôm nợ vì tàu “67” công suất nhỏ, xuống cấp nhanh - Ảnh 2.

Thép trên tàu bong tróc ra, điểm nôi trên thành tàu đã hở, rời ra - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Quan sát thực tế, rất khó tin con tàu này vừa mới đưa vào hoạt động chưa đầy ba năm. Thép tàu hoen gỉ khắp nơi: từ mặt boong đến sàn, từ hầm chứa lưới đến đuôi tàu. Sơn bám trên thép bị bong tróc, có thể dùng tay khẩy ra. Những điểm nối trên thành chạy dọc thân tàu đã hở rời nhau. Màu sơn đã nhạt ố, loang lổ. Trong tàu, từ ghế ngồi tài công, phòng bếp nấu ăn đến phòng ở của thuyền viên đều xuống cấp.

Theo ông Hoàng, đáng lẽ với chiều dài, chiều rộng của con tàu thì máy phải có công suất từ 800 CV trở lên mới tải nổi. Chưa hết, ngay sau khi nhận tàu, ông đã phải bỏ thêm tiền thay hàng loạt bình ăcquy, ổ điện, ổn áp điện. "Cái gì cũng toàn là đồ dỏm hết", ông Hoàng ngao ngán nói. Đáng chú ý, ông Hoàng cho biết qua tham khảo giá thị trường, máy tàu hiệu Yanmar có công suất 608 mã lực chỉ khoảng 1,6 - 1,7 tỉ đồng, nhưng ông phải trả đến 2,8 tỉ đồng.

Lỗi của ngư dân hay lỗi do đóng tàu?

Tính từ ngày hạ thủy đến khi nằm bờ, tàu BV 96779 TS đi được hơn 20 chuyến biển và trả được cho ngân hàng hơn 1 tỉ đồng tiền gốc, lãi vay. Theo hợp đồng, mỗi quý ông Hoàng phải trả cho ngân hàng hơn 300 triệu đồng cả gốc và lãi. Tuy nhiên từ tháng 9-2017 đến nay, ông Hoàng không trả được và hiện tại còn nợ ngân hàng số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Ôm nợ vì tàu “67” công suất nhỏ, xuống cấp nhanh - Ảnh 3.

Khoang chứa lưới trên tàu BV 96779 TS đã xuống cấp, nhìn cũ kỹ - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trao đổi với Tuổi Trẻ về trường hợp con tàu của ngư dân Hoàng, một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết khi đóng tàu, ngư dân đã giám sát cũng như máy là do ngư dân chọn. Và ông Hoàng đã nhận bàn giao tàu. Tàu phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo định kỳ và ngư dân phải có trách nhiệm bảo vệ, duy tu con tàu của mình. Một cán bộ của Chi cục Thủy sản cũng cho rằng nguyên nhân tàu xuống cấp là do công tác bảo quản của bà con không tốt. Còn chuyện tàu xuống cấp có phải do chất lượng thép kém thì phải "giám định" mới biết.

Năm tàu "67" đã chuyển sang nợ xấu

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có chín "tàu 67" (gồm bảy tàu vỏ thép lưới rê, hai tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần) hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là do thời tiết không thuận lợi, giá dầu tăng, ngư trường cạn kiệt, chủ tàu khó tìm ngư dân đi biển… Sở này cũng thừa nhận hai tàu vỏ thép BV 96779TS của ông Phạm Ngọc Hoàng và 96579 TS của ông Võ Văn Sơn hoạt động không hiệu quả là do công suất máy nhỏ, không phù hợp với vỏ tàu.

Ngày 10-1, bà Phạm Thị Hồng Lam, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tính đến cuối năm 2018, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh này đã giải ngân hơn 1.000 tỉ đồng, đóng mới 68 tàu theo nghị định 67, trong đó 59 tàu khai thác và chín tàu dịch vụ hậu cần. Hiện có năm tàu đã chuyển sang nợ xấu với số tiền hơn 72 tỉ đồng, chiếm 7,6% tổng dư nợ.

Về những ý kiến của ngành chức năng, ông Hoàng cho biết đóng tàu được báo giá 2,8 tỉ đồng cho máy 608 CV ông đã có ý kiến và muốn thay máy lớn hơn. Tuy nhiên, nếu thay máy phải thay thiết kế tàu, thủ tục kéo dài và ngân hàng không cho vay thêm nên ông chấp nhận với ý nghĩ nhanh có tàu để về khai thác, đánh bắt. Về việc tàu xuống cấp, ông Hoàng cho rằng nếu vỏ thép tốt, sơn tốt thì đi nhiều năm vẫn bình thường, trong khi tàu mới đi chưa đầy ba năm.

Ôm nợ vì tàu “67” công suất nhỏ, xuống cấp nhanh - Ảnh 5.

Sơn trên thành tàu đã bị hoen gỉ và bong tróc ra từng mảng - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Vợ chồng ông Hoàng cho biết bây giờ không biết phải xử lý con tàu BV 96779 TS như thế nào. Nếu đại tu, sửa chữa, thay máy phải mất vài tỉ đồng. Nếu cứ để nằm bờ thì phải thuê người trông coi, và cứ mưa bão đến là lại lo tàu đứt neo, va chạm làm hư tàu cá khác. "Nếu không có cách nào, vợ chồng tôi xin trả lại con tàu cho ngân hàng vì đi làm thì không được mà ôm cũng chết", vợ ông Hoàng nói.

Ông Trần Văn Cường, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết nếu ngư dân Hoàng có đơn phản ánh thì "Ban chỉ đạo 67" sẽ đi kiểm tra và đánh giá cụ thể.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên