Tại Olympic Paris 2024, Philippines giành được 2 HCV và 2 HCĐ.
Vai trò quan trọng của UAAP
Philippines mang đến Paris 2024 hai cái tên xứng đáng được liệt vào hàng "world class" (đẳng cấp hàng đầu thế giới) ở những môn thể thao trọng yếu. Đó là VĐV nhảy sào John Obiena và VĐV thể dục dụng cụ Carlos Yulo. Kết quả, Yulo giành 2 HCV, còn Obiena hụt HCĐ trong gang tấc. Cụ thể, VĐV của Philippines đạt mức xà 5,9m ngang với người hạng 3 là Karalis (Hy Lạp) nhưng anh ngậm ngùi xếp sau vì kém chỉ số phụ.
Dù vậy Obiena cũng không phải quá nuối tiếc bởi 2 năm qua anh đã được xưng tụng là ngôi sao nhảy sào số một châu Á. Ở Giải vô địch điền kinh thế giới 2022, Obiena đoạt HCĐ. Và thậm chí Obiena đã đổi màu lên HCB ở giải thế giới 1 năm sau đó. Không một VĐV Đông Nam Á nào có thể giành được huy chương ở 2 giải đấu kể trên.
"Tôi luôn là một phần của trường đại học, kể cả khi tôi không còn ở đây. Tôi không thể vươn đến đẳng cấp này nếu không có hệ thống giải thể thao ở trường đại học" - Obiena chia sẻ vào 2 năm trước, thời điểm anh vừa đoạt huy chương thế giới đầu tiên. Và ngôi trường Obiena nhắc đến là ĐH Santo Tomas - một thành viên trong nhóm UAAP - hệ thống giải thể thao sinh viên Philippines.
Người hâm mộ vốn chẳng xa lạ gì cấu trúc thể thao đại học của Mỹ, với NCAA quá lừng danh. Thống kê cho biết chỉ riêng các sinh viên và cựu sinh viên ĐH Stanford đã đoạt đến 34 huy chương (trong đó có 11 HCV) ở Olympic Paris 2024, kế đến là ĐH Texas - 24 huy chương, Virginia - 14 huy chương, Harvard - 8 huy chương…
Các trường đại học Mỹ chính là nơi chắp cánh cho những nhà vô địch Olympic. Và sức ảnh hưởng của họ trải dài đến cả những quốc gia khác mà điển hình là Leon Marchand - kình ngư người Pháp đoạt 4 HCV ở Paris 2024 vốn học Đại học bang Arizona.
Bệ phóng của Carlos Yulo
NCAA quan trọng với người Mỹ thế nào thì UAAP cũng sắm vai trò thế nấy với Philippines. Sau Obiena - người tốt nghiệp ngành điện tử ở ĐH Santo Tomas, đến lượt Carlos Yulo - từng là học sinh cấp 3 ở trường trung học thuộc ĐH Adamson (thuộc nhóm 8 trường trong UAAP) - tỏa sáng ở Olympic.
Ngay sau khi nhận thấy tiềm năng của Yulo, Hiệp hội Thể dục dụng cụ Philippines đã xin cho chàng trai nhỏ thó này gia nhập trường trung học thuộc ĐH Adamson, để anh có thể phát huy tiềm năng từ hệ thống thể thao đại học. Yulo vốn đã chuẩn bị bước lên chương trình đại học ở Adamson.
Nhưng rồi thông qua quan hệ của hiệp hội, anh được ĐH Teikyo (Nhật) cấp học bổng, và Yulo đã không bỏ qua cơ hội hiếm có này. Điều đó lại càng cho thấy tính nâng cao trong hệ thống thể thao Philippines, khi các lãnh đạo liên đoàn, ngành thể thao và cả trường học luôn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội để nâng lên một tầm cao mới cho các VĐV tài năng của mình.
Ở Paris 2024, ngoài 2 HCV của thể dục dụng cụ, Philippines còn có thêm 2 HCĐ ở môn boxing - từ lâu đã là thế mạnh của họ. Là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của Mỹ, Philippines sớm phát triển võ đài boxing từ nhiều thập niên trước.
Ngay ở Olympic 1932, Philippines đã đoạt chiếc huy chương đầu tiên (HCĐ) ở boxing. Và liên tiếp nhiều kỳ Olympic tiếp theo, họ đều giành được huy chương Olympic.
Đối lập với hệ thống thể thao đại học hào nhoáng, boxing là môn thể thao ẩn chứa nhiều góc khuất trong xã hội Philippines. Rất nhiều gia đình ở Philippines mong muốn cho con theo nghiệp boxing để thoát nghèo.
Ở quốc gia có 115 triệu dân này, hầu hết mọi đứa trẻ đều thần tượng võ sĩ Manny Pacquiao và mang một hoài bão trên võ đài. Nhưng để phát triển boxing một cách toàn diện, bao gồm cả hệ thống chuyên nghiệp và nghiệp dư (Olympic), không chỉ là chuyện nỗ lực "ăn đòn để thoát nghèo" của những đứa trẻ.
Tương tự như thể dục dụng cụ hay điền kinh, Hiệp hội Boxing Philippines cũng làm việc không ngừng để đảm bảo tương lai cho các đứa trẻ. Nesthy Petecio, võ sĩ đoạt HCB ở Tokyo 2020 và HCĐ ở Paris 2024, từng suýt phải nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình. Nhưng qua sự giúp đỡ của hiệp hội, cô đã được gửi vào một trường trung học danh giá, có phong trào thể thao mạnh mẽ, rồi sau đó tốt nghiệp Đại học Baguio.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận