TTCT - Không cần chờ đợi đến ngày kết thúc, ngay từ hôm nay, chúng ta đã có thể khẳng định rằng Tokyo 2020 không chỉ là một kỳ Thế vận hội lịch sử do hoàn cảnh đặc biệt của nó, mà còn là một giải đấu hết sức thành công, vượt trên mọi hy vọng và mong chờ. Mùa Olympic năm nay, mỗi cuộc tranh tài, mỗi ngày thi đấu đều đã thành một lễ hội, rộn ràng và cảm động. Những cuộc thi đấu vẫn vô cùng quyết liệt, khát vọng chiến thắng vẫn cháy bỏng, nhưng trên tất cả vẫn là tinh thần thể thao mã thượng và hào sảng. Các VĐV đã thực sự trở thành chiếc cầu gắn liền các dân tộc và quốc gia.Từ phải sang: Tamberi, Barshim và Nedasekau cùng ăn mừng chiến thắng. -Ảnh: Getty Images Thật lòng mà nói, lúc đầu cũng có chút nghi ngại, dịch bệnh thế này, tập luyện khó khăn, thi đấu hạn chế, đi lại vất vả, trăm sự gian nan, chắc gì với tới những thành tích cao, thôi thì cứ gặp nhau, vui là được.Nhưng rồi các cuộc thi đấu nối tiếp nhau, các kỷ lục liên tiếp bị phá, đến mức nhớ không nổi, các gương mặt mới xuất hiện, chưa kịp nhớ tên, các lão tướng vẫn không chịu nghỉ, bất ngờ xuất hiện, các huy chương được trao cho những VĐV ở những quốc gia chẳng hề nằm trong dự kiến... Tất cả diễn ra như bão táp, cuốn chúng ta vào cái nhịp vừa cuồng nhiệt vừa hấp dẫn, vào những câu chuyện mà ta vẫn mong được hình dung nhưng khó ngờ có thể thành hiện thực. Trận tennis Alexander Zverev đánh bại Novak Djokovic là một cuộc thi đấu như thế. Djokovic đang là VĐV thống trị cả thế giới quần vợt, với những thắng lợi như chẻ tre ở mọi đấu trường suốt nhiều tháng qua. Anh tới Olympic là để giành huy chương vàng. Djokovic đã thắng Zverev dễ dàng ván thứ nhất. Ván thứ hai anh bẻ ngay lần giao bóng đầu của đối thủ chẳng khó khăn gì. Nhưng khi tỉ số đang là Djokovic dẫn 3-2 và cầm giao bóng, Zverev bất ngờ bừng tỉnh và thăng hoa, thắng ngược ván hai, rồi đè bẹp đối thủ 6-1 trong ván quyết định. Nhìn lại trận đấu, Djokovic cũng phải nhận xét rằng, đánh như Zverev hôm ấy thì thật không thể chống đỡ.Cũng thăng hoa như vậy là VĐV cầu lông người Đan Mạch Viktor Axelsen, khi anh hạ Chen Long của Trung Quốc 2-0 trong trận chung kết đơn nam. Nhiều người dự báo HCV sẽ về tay Chen, bởi Trung Quốc là xứ sở độc chiếm ngôi vị quán quân môn này từ Olympic 2008 đến nay. Chen cũng tài năng và dày dạn trận mạc. Nhưng Axelsen không chỉ thắng, mà còn thắng tưng bừng, với hai set trắng, 21-15, 21-12.Cả hai tay vợt kiêu hãnh Zverev và Axelsen giống nhau ở một điểm: Họ ôm mặt khóc sau chiến thắng, khóc nức nở, nước mắt dàn dụa. Họ khóc một cách hạnh phúc, ôm đối thủ mà khóc, ôm HLV mà khóc. Những giọt nước mắt thấm vào lòng khán giả.Cảm xúc trong thể thao thật cao thượng. Môn nhảy cao nam tại Tokyo 2020 có một kết quả còn hơn cả bất ngờ. Ba VĐV cùng vượt qua mức 2,37m là Mutaz Essa Barshim (Qatar), Gianmarco Tamberi (Ý) và Maksim Nedasekau (Belarus). So chỉ số phụ, VĐV Belarus nhận HCĐ. Lúc này trọng tài gọi hai VĐV còn lại đến hội ý. Rất hồi hộp. Hóa ra ông hỏi xem họ có đồng ý không, nếu ban tổ chức quyết định trao HCV cho cả hai người, để chia sẻ vinh quang tuyệt đỉnh. Lúc ấy, hai VĐV lập tức ôm chầm lấy nhau, vì cả hai đang quấn cờ của quốc gia họ, nên tự nhiên hai lá cờ cũng quyện vào nhau. Không hẹn mà nên, chẳng định mà thành, bỗng xuất hiện một tượng trưng cho sự gắn bó giữa hai dân tộc.Nhưng thể thao không chỉ có sôi động, rất nhiều môn đòi hỏi sự điềm tĩnh và cẩn trọng. Như môn bắn cung, nơi Hàn Quốc có ưu thế vượt trội. Nhà vô địch Olympic San An. Ảnh: Marca Trận chung kết đơn nữ là giữa San An (Hàn Quốc) và Elena Osipova (Ủy ban Olympic Nga). Măng tơ đối đầu với già dặn. Sau loạt bắn chính thức, tỉ số là 5-5. Bây giờ là mũi tên vàng, một lần dương cung, quyết định tất cả.Nét mặt lão tướng Osipova tỏ ra bình thường. Còn San An thậm chí tươi cười. Cô gái Hàn Quốc tuổi 20 cười vui và nói chuyện như không. Nhìn cô không có vẻ gì là một người đang cạnh tranh HCV Olympic, mà giống một cô gái trẻ đang chuẩn bị chụp ảnh. Rồi cô bắn trước: 10 điểm, mũi tên gần như trúng vào hồng tâm. Osipova sau đó chỉ đạt 8 điểm. Cả hai vui vẻ quay lại ôm chúc mừng nhau. Cuộc đua kết thúc nhẹ nhàng và êm đềm.Trong tất cả các trạng thái cảm xúc ấy, không gì bằng cảm giác thân thuộc khi theo dõi Tokyo 2020. Đấy là lúc chiều muộn hôm 2-8, khi Quách Thị Lan, cô gái cầm cờ của đoàn Việt Nam, bước vào thi đấu bán kết 400m vượt rào nữ. Đó là chân chạy châu Á duy nhất có mặt trong 24 VĐV, và là VĐV Việt Nam đầu tiên đến được Olympic ở nội dung này.Trời bỗng đổ mưa, và mưa nặng hạt. Mặc, cuộc đấu tiếp tục. Bỗng thấy lo lo. Đã đành là khó người khó ta, nhưng Lan ít kinh nghiệm, chỉ sợ cô bị ngã. Nhưng rồi mọi sự trôi chảy, Lan về thứ 6, thành tích không hẳn là cao, nhưng chắc chắn vẫn là một cột mốc, và đọng lại mãi là hình ảnh cô khi được giới thiệu với nụ cười rất tươi vẫy tay chào khán giả.Xin cảm ơn tất cả vì những kỷ niệm và cảm xúc quý giá này! Tags: OlympicOlympic Tokyo 2020Tinh thần thể thaoCao thượng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Việt Nam có khoảng 70.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến kháng thuốc kháng sinh THANH HÀ 22/11/2024 Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có gần 270.000 ca tử vong do đề kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.