12/08/2024 15:20 GMT+7

Olympic Paris 2024 đáng nhớ dù nhiều tranh cãi!

Tranh cãi đã mở màn và đeo bám Olympic Paris 2024 xuyên suốt 2 tuần lễ, nhưng Thế vận hội mùa hè trên đất Pháp vẫn trở thành nơi lưu giữ những câu chuyện phi thường, tên tuổi truyền cảm hứng đến khắp thế giới.

Olympic Paris 2024 đáng nhớ dù nhiều tranh cãi!- Ảnh 1.

Những VĐV đáng nhớ nhất và ghi dấu kỷ lục tại Olympic 2024 - Ảnh: REUTERS

Rạng sáng nay (12-8), Olympic Paris 2024 đã chính thức khép lại sau hơn 2 tuần tranh tài hấp dẫn, quyết liệt của thể thao đỉnh cao thế giới, 4 năm mới có một lần.

Thông cảm cho chủ nhà

Trong kỷ nguyên bùng nổ của truyền thông, mỗi kỳ Olympic - hay bất kỳ một đại hội thể thao nào khác - vốn luôn chìm ngập trong tranh cãi. Tại Rio de Janeiro 2016, người dân Brazil biểu tình liên miên vì những vấn đề xã hội. 

Tại Tokyo 2020, người Nhật vốn đã chuẩn bị hết lòng cho ngày hội thể thao của mình, nhưng rồi đại dịch COVID-19 đã hủy hoại đáng kể những nỗ lực của họ. Và đến Paris 2024, chủ nhà Pháp phải đối mặt với vô vàn những lời chê bai.

Công bằng mà nói, công tác tổ chức của Paris 2024 dường như không thể sánh được với Tokyo 2020 về tính chu đáo, cũng như London 2012 về sự chu toàn. Đó cùng là những kỳ Olympic được đăng cai ở các cường quốc, giàu có về công nghệ, kinh tế lẫn truyền thông. 

Nhưng rồi người Pháp lại để xuất hiện quá nhiều vấn đề trong công tác tổ chức - như câu chuyện nước sông Seine nhiễm bẩn, khiến hàng loạt VĐV kêu ca, hay công tác phục vụ - các bữa ăn bị đánh giá là thiếu cân bằng dinh dưỡng, không đa dạng, và cả sự cẩu thả - liên tục mắc lỗi ở các nghi thức.  

Những vấn đề của Olympic càng được nhân rộng bởi truyền thông và mạng xã hội. Trong thời đại có thể dễ dàng tiếp cận mọi thộng tin, người hâm mộ cũng phũ phàng phán xét nước chủ nhà đến mức quên mất một yếu tố trọng yếu. Tổ chức sự kiện thể thao cho hơn 200 quốc gia chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, và lại càng phức tạp hơn xét trong bối cảnh thế giới lúc này.

Olympic Paris 2024 trở thành kỳ thế vận hội lạ lùng nhất khi nhìn dưới góc độ những đoàn thể thao... lang thang trên đất Pháp. 

Đó là đoàn thể thao người tị nạn - được IOC thành lập từ trước năm 2016, gồm những VĐV phải rời bỏ quốc gia của mình vì chiến tranh hoặc tị nạn chính trị; là Ukraine - với những VĐV cũng phải lang thang suốt 2 năm qua vì chiến tranh; là Palestine - lý do tương tự; và cả Nga cùng Belarus - 2 đoàn thể thao bị cấm dự Olympic, chỉ có vỏn vẹn 32 VĐV tranh tài dưới màu cờ trung lập, thậm chí không được hát quốc ca khi giành HCV.

Nếu chỉ gói gọn trong sân chơi bóng đá - với các kỳ World Cup và Euro, những vấn đề về sắc tộc, chính trị và cả phân biệt giới tính đã là thứ không bao giờ có thể dập tắt. 

Công tác tổ chức của Olympic - bao gồm 32 môn thể thao, hơn 10.000 VĐV, đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ - lại càng bị thử thách. Nhìn chung, Paris 2024 đã không để xảy ra sự cố nào về an ninh, và đảm bảo cho những cuộc tranh tài diễn ra trọn vẹn đến phút chót.

Olympic Paris 2024 đáng nhớ dù nhiều tranh cãi!- Ảnh 3.

Leon Marchand VĐV nam giành nhiều HCV Olympic Paris nhất với 4 HCV bơi cho chủ nhà Pháp - Ảnh: REUTERS

Những cái tên nhớ mãi

Và như đã nói, cốt lõi của Olympic vẫn luôn nằm ở các VĐV. Olympic Paris nhiều tranh cãi và cũng không thiếu câu chuyện đẹp. Xuyên suốt 2 tuần lễ, người hâm mộ được chứng kiến sự phi thường đến từ các góc độ khác nhau.

Đó có thể là Nada Hafez, kiếm sĩ người Ai Cập hay Yaylagul Ramazanova, cung thủ đến từ Azerbaijan. Cả hai đều mang thai gần 7 tháng, thông tin khiến người hâm mộ phải ngỡ ngàng cả về nghị lực của họ, cũng như giới hạn chịu đựng của con người.

Đó cũng có thể là Yaroslava Mahuchikh - VĐV giành HCV nhảy cao. "Nàng thơ", "nữ thần", "công chúa ngủ trong rừng" là những mỹ từ được dành cho cô gái xinh đẹp người Ukraine. Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là hành trình nỗ lực của Mahuchikh, khi cô phải lái xe chạy trốn khỏi vùng chiến sự gần biên giới, rồi lang bạt suốt 2 năm qua để theo đuổi đam mê thể thao.

Hay Bruna Alexandre, một VĐV bóng bàn chỉ có một tay nhưng vẫn giành vé đến Olympic. Alexandre vẫn luôn là kiện tướng ở các kỳ Paralympic, nhưng cô gái người Brazil khao khát nhiều hơn thế, để chứng tỏ rằng một người khuyết tật vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ VĐV nào khác. Viktorija Senkute - VĐV chèo thuyền người Latvia - cũng mang đến hình ảnh xúc động tương tự khi vượt qua chứng động kinh để đoạt HCĐ Olympic.

Sự phi thường còn đến từ những tên tuổi đỉnh cao. Kình ngư người Pháp Leon Marchand khiến làng bơi ngả mũ khi đoạt 4 HCV, 1 HCĐ - trở thành VĐV giàu thành tích nhất ở Paris 2024. Summer McIntosh - cô gái 17 tuổi người Canada - cũng chẳng kém cạnh là bao với 3 HCV, 1 HCB; và Simone Biles - "nữ hoàng thể dục dụng cụ" của Mỹ - cũng gia nhập cuộc đua những VĐV xuất sắc nhất với 3 HCV, 1 HCB trong hành trình hồi sinh sau khi vượt qua vấn đề sức khỏe tinh thần.

Nếu bất kỳ ai thoái thác việc chơi thể thao vì bận rộn công việc, Olympic trở thành bài học cho họ. Vì ở đó có Vivian Kong - nữ thạc sĩ ngành luật - đã mang HCV đấu kiếm về cho Hong Kong; Kristen Faulkner, người đã tốt nghiệp Đại học Harvard, đi làm, rồi mới bắt đầu tập xe đạp và giành luôn HCV chỉ sau 7 năm nỗ lực; hay Gabrielle Thomas - nhà vô địch 200m có bằng thạc sĩ ngành y, sáng đi tập luyện rồi tối làm việc hỗ trợ cộng đồng.

Theo dòng thời gian, Olympic ngày càng hiện đại, tối tân và bắt mắt, cũng như nhiều tranh cãi, chia rẽ và xung đột. Nhưng xuyên suốt 33 lần tổ chức (có 3 lần bị hủy vì Thế chiến), trải dài gần 130 năm lịch sử, giá trị cốt lõi của thế vận hội vẫn chưa bao giờ suy chuyển. Đó là phong trào thể thao. Từ Olympic, mỗi người lại thấy chính bản thân mình bên trong những hoàn cảnh khó khăn mà các nhà vô địch phải vượt qua.

Cử nhân luật Đại học StanFord và học tiến sĩ Luật tại Trung Quốc là chân dung kiếm thủ Vivian Kong - Hong Kong - Ảnh: REUTERS

Cử nhân luật Đại học StanFord và học tiến sĩ Luật tại Trung Quốc là chân dung kiếm thủ Vivian Kong - Hong Kong - Ảnh: REUTERS

Điền kinh Mỹ lấy lại vị thế

Mỹ đã thống trị điền kinh suốt từ năm 1984 đến nay. Họ dần đánh mất sự áp đảo ở Tokyo 2020 khi chỉ giành 7 HCV, Ý giành 5 HCV và các nước châu Phi cạnh tranh dữ dội. Nhưng đến Paris 2024 đâu lại vào đấy. Các VĐV Mỹ đã giành tổng cộng 14 HCV trên đất Pháp, trong đó có những chiến thắng quan trọng ở các nội dung chạy 100m nam, 200m nữ, các nội dung chạy tiếp sức...

Olympic 2024 và những con số ấn tượngOlympic 2024 và những con số ấn tượng

Rạng sáng 12-8, Olympic 2024 đã khép lại sau hơn nửa tháng tranh tài với khá nhiều ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ khắp thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên