Ở Olympic Paris 2024, Leon Marchand (22 tuổi) đã giành tổng cộng 4 huy chương vàng cá nhân, trong đó có 3 huy chương vàng ở cự ly 200m: bơi ếch, bơi bướm và hỗn hợp; một huy chương vàng 400m bơi hỗn hợp.
Ngoài ra Leon Marchand cũng cùng tuyển Pháp giành huy chương đồng nội dung 4x100m hỗn hợp. Kình ngư người Pháp là vận động viên nam tỏa sáng nhất trên đường đua xanh Olympic 2024.
"Thế vận hội của Marchand"
Với những chiến tích ấn tượng đó, báo chí châu Âu đã gọi Olympic Paris là "Thế vận hội của Marchand". Tờ The Guardian (Anh) viết: "Chưa có vận động viên bơi lội nào sở hữu một kỳ Thế vận hội như thế, kể từ khi Michael Phelps giành được tám huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh".
Mỗi nội dung thi đấu của anh đều được bán hết vé, mọi chỗ ngồi trong khu vực dành cho giới truyền thông đều có người ngồi và mỗi cử chỉ của anh đều khiến công chúng Pháp hò reo phấn khích.
The Guardian nhận định: Marchand đã trở thành người hùng vĩ đại của Thế vận hội. Và anh ấy vẫn chưa dừng lại. Marchand cũng rất phấn khích đáp từ với người hâm mộ anh: "Đây chỉ là sự khởi đầu. Mục tiêu tiếp theo là Los Angeles 2028".
Leon Marchand dường như đã truyền cảm hứng, mang đến sự đoàn kết cho người Pháp, điều có thể đã bị thiếu hụt ở nước chủ nhà trong thời điểm chia rẽ chính trị sâu sắc gần đây. Một ý tưởng kỳ quặc đã được đưa ra bởi các họa sĩ biếm họa chính trị và người dùng mạng xã hội rằng Marchand nên được chọn làm thủ tướng Pháp!
Andrew Hussey, một nhà sử học về văn hóa Pháp, giải thích rằng những trò đùa này cho thấy nước Pháp đang muốn "ca ngợi một người có vẻ rất tận tụy và chân thành trong môn thể thao và lối sống của mình". Đồng thời nó cũng phản ánh việc nhiều người coi Marchand là đại diện cho sự tương phản với các chính trị gia của đất nước.
Tranh cãi doping của Trung Quốc
Sự tỏa sáng của Marchand đã phần nào làm dịu đi bầu không khí căng thẳng tại Olympic Paris. Cụ thể, Thế vận hội năm nay bắt đầu trong sự nghi ngờ, khi có thông tin 23 vận động viên bơi lội Trung Quốc đã không vượt qua được cuộc kiểm tra chất cấm (doping).
Một cuộc tranh cãi kịch liệt đã nổ ra giữa Cơ quan Chống doping Mỹ và Cơ quan Chống doping thế giới về cách xử lý vụ việc.
Sau đó 11 người trong số 23 "kẻ bị tình nghi" được chọn để thi đấu tại Olympic Paris. Vận động viên bơi ếch Qin Haiyang cho biết anh là nạn nhân "âm mưu của châu Âu và Mỹ" và hứa sẽ giành huy chương để "làm im lặng những kẻ hoài nghi".
Và thực tế 11 người nói trên đã giành được 4 huy chương cá nhân và 5 huy chương ở các nội dung tiếp sức. Ngay cả tấm huy chương vàng và kỷ lục thế giới nội dung 100m tự do nam của Pan Zhanle cũng có nhiều sự hoài nghi, khi các chuyên gia bơi lội Úc nói rằng thành tích 46,80 giây của Pan Zhanle đã vượt quá giới hạn của con người!
Tất cả những điều đó đã tạo nên bầu không khí căng thẳng và khó chịu xung quanh hồ bơi, người Trung Quốc cảm thấy bị phân biệt đối xử và những vận động viên bơi lội của họ đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn về cách họ bị đối xử.
Olympic Paris là kỳ Thế vận hội thứ tư liên tiếp mà cuộc thi bơi lội bị lu mờ bởi các vụ bê bối doping.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận