Thêm hương vị cho nhà bếp toàn cầu
'Tiêu đen Việt Nam có mặt trong nhà bếp khắp thế giới' - đó là khẳng định của ông Lingaiah Veluswamy - Giám đốc nông trường trồng tiêu của Olam tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Ông Veluswamy tự hào giới thiệu những gốc tiêu giống Vĩnh Linh, Bình Phước, Srilanka… tại trang trại với đặc điểm có bầu đất to, khoẻ, sạch bệnh do đội ngũ chuyên gia của Olam tự nhân giống.
Ông Lingaiah Veluswamy - Giám đốc nông trường trồng tiêu của Olam giới thiệu tiêu giống sạch bệnh do đội ngũ chuyên gia của Olam nhân giống - Ảnh: HỒNG VÂN
"Trên diện tích được cấp, chúng tôi chỉ trồng 30% (hiện trồng 200 ha, tương lai là 325 ha) hồ tiêu, còn lại là trồng rừng và các công trình phụ trợ. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng mô hình trồng, sản xuất hồ tiêu bền vững, đạt chất lượng Global GAP - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu", ông Veluswamy cho biết.
Vườn tiêu giống được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, hệ thống cảm ứng kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ. Toàn bộ khu vườn ươm được cách ly với môi trường bên ngoài, người ra vào phải khử trùng giày dép để tránh mang theo mầm bệnh vào vườn.
Chứng nhận Global GAP cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và là bằng chứng cho thấy Olam đã nỗ lực trong việc cung ứng thực phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và tạo môi trường làm việc an toàn hơn cho nông dân.
Vườn ươm tiêu tại nông trường trồng tiêu của Olam tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai - Ảnh: HỒNG VÂN
Tại vùng trồng tiêu lớn của Việt Nam là tỉnh Gia Lai, Olam có chương trình tập huấn và tư vấn kỹ thuật trồng tiêu mới cho nông dân, khuyến khích giảm sử dụng hóa chất, dùng cỏ giữ độ ẩm cho đất, trồng tiêu cạn thay vì đào hố sâu, ghi nhật ký nông vụ,… giảm chi đầu tư và quản lý việc trồng trọt khoa học.
Nông dân Nguyễn Văn Quang, 50 tuổi, sống tại xã Ia Phang cho biết: "Gia đình tôi đã có 3 đời trồng tiêu nhưng cây tiêu là một cây nhạy cảm, khó trồng, dù có kinh nghiệm nhưng vẫn cần học hỏi, đổi mới. Từ năm 2004 đến nay, tôi nhiều lần trồng tiêu thất bại, có giai đoạn tiêu bệnh chết hàng loạt. Cách làm cũ bế tắc, tôi tham gia lớp tập huấn của Olam để hướng đến trồng tiêu bền vững".
Nông dân trồng tiêu Nguyễn Văn Quang ở xã Ia Phang, tỉnh Gia Lai - Ảnh: HỒNG VÂN
Trên diện tích hơn 1ha, anh Hợp có khoảng 2.000 trụ tiêu. Olam thu mua tiêu của những người nông dân như anh. Sau đó, tại nhà máy, tiêu được xử lý tiệt trùng bằng hơi nước và có thể chế biến thành tiêu xay, tiêu sọ theo đúng kích cỡ khách hàng yêu cầu. Hạt tiêu Việt Nam đang chiếm 40% sản lượng và 60% giao dịch toàn cầu, thêm gia vị cho bữa ăn của hàng triệu gia đình trên thế giới.
Đồng hành cùng nông dân
Ngoài hạt điều, Việt Nam không trồng nhiều các loại hạt phổ biến như óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ cười,… Tuy nhiên, với chi phí nhân công cạnh tranh, trình độ kỹ năng của công nhân tốt, tận dụng quy mô toàn cầu và các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam, Olam có thể nhập các loại hạt về chế biến rồi xuất đi mà vẫn có lợi nhuận.
Hai tổ hợp phân loại và đóng gói hạnh nhân và chế biến hạt điều ở Tiến Nga, Biên Hòa hoạt động theo hướng này. Hạt được chế biến theo yêu cầu của khách hàng như tách vỏ lụa, hạt trắng, hạt rang tự nhiên, làm nguyên liệu như thái lát, cắt cục, xay mịn theo mọi kích thước và chế biến dưới dạng lỏng.
Nữ công nhân thoăn thoắt lựa hạt điều trên dây chuyền sàng lọc hạt điều tại nhà máy chế biến điều của Olam ở Biên Hoà, Đồng Nai - Ảnh: HỒNG VÂN
Olam cũng hỗ trợ nông dân trồng điều ở Bình Phước thành lập hợp tác xã kiểu mới và gia nhập tổ chức Fair Trade thế giới để nông dân có thể bán điều với giá tốt hơn.
Cũng như ở nhiều nơi trên thế giới và cả Việt Nam, đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên của công ty có mặt ở địa bàn, sẵn sàng hỗ trợ nông dân về kỹ thuật như giữ vườn sạch, có kho riêng cất dụng cụ lao động, mọi phế phẩm (như bao phân, chai lọ, thuốc trừ sâu… phải được thu gom bỏ rác đúng chỗ, không thải ra môi trường.
Anh Phạm Quốc Đại, 36 tuổi, thành viên hợp tác xã Hợp Lực Phát, Xã Phước Sơn, Huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết: "Từ chỗ còn bỡ ngỡ, canh tác theo bản năng, nay tôi đã biết bón phân, tỉa cành tạo tán cho cây đúng thời vụ, bản thân mình có thời gian nghỉ ngơi khi đã hoàn thành việc chăm sóc đúng kỹ thuật cho cây".
Nông dân trồng điều ở Bình Phước hài lòng với sự thay đổi trong cuộc sống của họ khi tham gia hợp tác xã, được đảm bảo giá thu mua trong ngày, bán điều tại nhà thay vì phải chở điều đi bán dạo "như bán cà rem" như trước - lời ông Nguyễn Xuân Hợp, 55 tuổi.
Vườn điều với sản lượng ổn định, giá tốt cho ông bố 4 con- 2 đang đi học, 2 đã đi làm nhiều hi vọng. Ông Hợp mong ước có thể mua xe hơi trong tương lai bằng chính trái điều trong vườn nhà.
Olam là một doanh nghiệp nông nghiệp và thực phẩm hàng đầu cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi và chất xơ cho 22.000 khách hàng trên thế giới với chuỗi cung ứng có ở gần 70 quốc gia.
Hạt tiêu đen công ty Olam trồng và xuất khẩu - Ảnh: HỒNG VÂN
Tại Việt Nam, Olam có cơ sở ở 22 cơ sở ở nhiều tỉnh thành và dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực sản xuất hạt điều, xuất khẩu cà phê hòa tan… Olam làm việc với 34.000 nông dân và là 1 trong 100 doanh nghiệp hàng đầu theo chỉ số VNR500.
Nếu không phải là chuyên gia trong ngành, cái tên Olam hoàn toàn xa lạ với số đông vì công ty chuyên cung cấp nguyên liệu thô hoặc chế biến cho những công ty toàn cầu lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận