13/10/2019 19:45 GMT+7

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm

NGUYỄN THU QUỲNH
NGUYỄN THU QUỲNH

TTO - Con người, loài sinh vật xã hội vốn sống bằng sự thừa nhận và tương tác với người khác, nếu không còn ai biết tới thì liệu có ý nghĩa gì?

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm - Ảnh 1.

Trong mỗi con người đều có một Joker? - Ảnh: flipkart

Hãy quên những gì ta tưởng là đã biết về Joker đi. Vì người điên không có một quá khứ xác định, đó là những quá khứ được tưởng tượng và nhào nặn, đó có thể là một quá khứ không muốn được nhắc tới và cần phải chôn vùi - quá khứ của những con người có nhiều ẩn ức và bị ghẻ lạnh xa lánh bậc nhất trong xã hội.

Bị dẫn dụ vào một con ngõ bẩn thỉu những rác và nước thải, bị những cú thụi, cú đá thật lực nện vào đầu, vào lưng, vào bụng, chỉ còn nước nằm co quắp chịu trận và bị bỏ lại cô độc, tủi nhục và bơ vơ.

Joker Teaser Trailer #1 (2019) | Movieclips Trailers

Một hình ảnh khởi đầu của Arthur Fleck, đúng như lũ trẻ trâu nói "tên này rồi chẳng nên cơm nên cháo gì đâu" - hội tụ tất cả mọi yếu tố của một người hèn yếu bị gạt ra bên lề ở mọi xã hội mà không có khả năng phản kháng bất cứ ai: làm công việc rẻ mạt cùng những người xấu xí dị hợm khác trong xã hội - người lùn, béo phì, da đen; không thân thích - chỉ có người mẹ yếu ớt bệnh tật và thậm chí còn không biết cha là ai.

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm - Ảnh 3.

Cảnh trong phim Joker

Những kẻ bên lề vô hình

Những người như thế có ước mơ không? Có nên ước mơ không? Chính những người đồng cảnh ngộ, vốn luôn phải tiết kiệm cả giấc mơ cũng chế giễu và coi giấc mơ trở thành đại danh hài của Arthur là một ảo tưởng phi lý trong cái hiện thực mốc meo và đói khát này.

Còn những nhóm khác, chắc chắn không ai biết cả, bởi sự tồn tại của kẻ bên lề như thế chưa từng được để ý, đúng như Arthur luôn đau khổ dằn vặt tự vấn "trong suốt cuộc đời mình, tôi không biết rằng tôi có tồn tại không?".

Con người, loài sinh vật xã hội vốn sống bằng sự thừa nhận và tương tác với người khác, nếu không còn ai biết tới thì liệu có ý nghĩa gì? Những người nghèo, vô gia cư nằm chơ vơ trên phố, ngay dưới vỉa hè, trong khu đô thị sầm uất, ở cửa rạp chiếu phim… sẽ chỉ nhận được cái tặc lưỡi và nhấc chân tránh qua của khách bộ hành.

Họ có chết cũng là những cái chết vô địa táng, không ai hay, mặc dù ở Gotham những người nghèo, thân phận bấp bênh, vô gia cư đầy rẫy trên phố. Hay New York - trung tâm thịnh vượng bậc nhất, nơi được lấy làm bối cảnh quay Joker - cũng có hàng chục nghìn người vô gia cư, mà chẳng chính quyền hay tổ chức dân sự nào có thể thống kê nổi để nắm chính xác con số.

Nhìn chung, chính sách của các đô thị trên thế giới đều chỉ nhằm thu hút giới tinh hoa, lãng quên những khu nghèo ổ chuột, thậm chí nhiều khi có chính sách chọn lọc, đẩy và đuổi người nhập cư nghèo ít giá trị.

Cũng vì thế mà phim có hình ảnh tăm tối và bẩn thỉu, ánh đèn vàng vọt, những mảng tường và bầu trời xám xịt, phố đầy rác, cầu thang cao hun hút… bởi đây là cảm nhận và không gian sống của người nghèo đô thị.

Không dừng lại ở đó, mạch phim tiếp tục cho thấy Arthur bị tâm thần - không kiểm soát được những tràng cười bất tận, bị kỳ thị và nghi ngại, từng bị nhốt trong bệnh viện và buộc phải nhận sự theo dõi, tư vấn của nhân viên xã hội.

Nhân vật chính trung tâm của phim mang trọn vẹn trong thân phận sự bất bình đẳng kép - cả về sinh học lẫn xã hội, gánh trong mình sự mất cân bằng kép - sự mất cân bằng cá nhân, lúc nào cũng trong một trạng thái điên nửa tỉnh nửa mê; và sự mất cân bằng xã hội, với những áp lực từ một xã hội đang rơi vào hố sâu khủng hoảng.

Chẳng thể phân tách những sự mất cân bằng đó thành lớp lang được, như chính câu hỏi "có phải chỉ mình tôi cảm thấy tồi tệ như vậy, hay thế giới ngoài kia đang ngày càng kinh khủng hơn?".

Tất cả hòa trộn với nhau và trói lấy thân phận mà chính Athur tự nhận là một "tấn thảm kịch", bởi những căng thẳng tâm lý của con người chính là "sự phản ứng" với không gian sống, với căng thẳng xã hội và bao giờ những đau khổ, căng thẳng xã hội cũng được dồn lên các nhóm nghèo, sống trong tình trạng bấp bênh.

Một Arthur bệnh hoạn hay chính thành phố cũng đang mang bệnh (?!). Với Arthur thì cũng như nhau cả thôi.

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm - Ảnh 4.

Cảnh trong phim Joker

Phải chăng đấy là định mệnh để Arthur - đại diện tiêu biểu cho những người cùng cực, bên lề, không có tiếng nói trong thành phố ấy - trở thành tội phạm? Số phận dường như sắp đặt "hoàn hảo" cho anh thiếu đủ thứ, "ghen tị" đủ thứ và bất mãn với đủ thứ.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra tỉ lệ tội phạm ở các nhóm nghèo hay vô gia cư là rất cao. Người xem thấy hiển nhiên là có một diễn tiến tâm lý nhân vật mà ai cũng đoán ra: anh ta sẽ lần lượt rơi xuống từng bậc thang và chìm trong hố sâu tội ác.

Đây hẳn cũng chính là "điểm yếu" của phim này? Đơn tuyến, tình tiết nặng nề mô tả khủng hoảng tâm lý cũng như đặc tả tội ác với kết cục ai cũng biết trước, cái đáng xem chỉ là dõi theo khả năng diễn xuất thần của tài tử Joaquin Pheonix (!?).

Nhưng hãy xem kỹ, để ý diễn ngôn mà Arthur, ngay cả khi đã trở thành Joker, nói ra với nhân viên xã hội, mặt ngẩng lên nhìn thẳng, trong ánh mắt thành khẩn tha thiết: "Chị không hề lắng nghe tôi phải không?".

Nên nhớ nhân viên xã hội đấy là sợi dây kết nối duy nhất của anh ta với không gian chính thức - công vụ của thành phố, có tiền của thành phố, có trách nhiệm của thành phố với công dân. Khoảnh khắc anh ta - có thể là tưởng tượng hoặc không - nhận được sự khích lệ của Murray là cái ôm ấm áp thật chặt và lời khen ngợi kiểu "con trai ta, con ngoan lắm".

Đó là nỗi thèm khát được lắng nghe và yêu thương, thèm được chìa tay ra và nhận kết nối, được thừa nhận sự tồn tại trong cõi đời. Khi đến gặp "người cha", người giải cứu vĩ đại, người mang lại tương lai cho thành phố, Thomas, thì Arthur cũng chỉ ấp úng mãi không nói nên lời, để rồi khi bị hỏi dồn mới hét lên "tôi chỉ cần cái ôm", không cần gì hơn ngoài sự cảm thông giữa người với người.

Mà chưa chắc ai đã có khả năng phạm tội hơn ai. Trong cùng chuyến tàu điện ngầm, những chàng thanh niên con nhà giàu, vốn tử tế và thiện lương, bảnh bao và sạch sẽ, đại diện cho những gì tinh hoa nhất trong xã hội, lại sẵn sàng tấn công cô gái yếu đuối và một anh hề hèn mạt - đến cái nhìn cũng len lén, chỉ liếc nhẹ rồi ngó lơ khi bắt gặp ánh mắt cầu cứu của cô gái xa lạ.

Khoảnh khắc ba chàng "tinh hoa" ấy cười như điên dại, hát và đội mũ hề, đột nhiên, giống Arthur đến kỳ lạ, như một ẩn dụ về việc ai cũng như ai, đều có khả năng trở nên xấu xa như nhau. Khác chăng chỉ là được dán nhãn trước bởi hai thái cực đẹp/xấu, tử tế/tồi tệ, thiện lương/tàn bạo… tương ứng với giàu/nghèo, quyền lực/yếu thế.

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm - Ảnh 5.

Đạo diễn Todd Philipps - Ảnh: AFP

Hai thái cực ấy luôn song song tồn tại trong một con người, từ kẻ bên lề Arthur tới người cứu rỗi Thomas, thậm chí có thể tốt đẹp và vĩ đại cũng là cha đẻ của xấu xa và tội ác.

Không thể phân biệt nổi đâu là "sự tưởng tượng" của Arthur về nguồn gốc của anh và đâu là "sự thật" chân xác, bởi quá khứ của anh là sự tưởng tượng và được nhào nặn trong sự mất kết nối, nhưng chẳng lẽ người giàu không nhào nặn và kể chuyện của mình theo cách mà họ muốn, thậm chí còn nhiều hơn thế?

Qua phát biểu và khẳng định chắc nịch của Thomas, có thể thấy rõ rằng thế giới này là của người giàu, mọi phán quyết và luật lệ là của họ và giới tinh hoa nói chung, quá khứ cũng do họ xây dựng, tương lai do họ nắm giữ, niềm hi vọng do họ mang đến. Có gì là không thể?

Ai cần ai?

Dường như mạch phim căm ghét người giàu, tấn công người giàu, coi người giàu là tồi tệ, tác nhân gián tiếp đẩy những người nghèo yếu thế đi đến đáy của bậc thang tội ác.

Phải chăng Arthur, cũng như hàng vạn người nghèo, là thậm vô lý và bệnh hoạn, lười nhác và chỉ biết đổ lỗi. Murray - thuộc giới tinh hoa - sau khi mang Arthur ra làm trò cười vì sự ngớ ngẩn bẩm sinh (lúc này đã hoàn toàn lột xác trở thành Joker) đã luận tội Joker trước hàng vạn người xem truyền hình, kết án đanh thép rằng người nghèo đừng ngụy biện nữa và phải chịu trách nhiệm cho tất cả tình trạng hỗn loạn điên rồ của thành phố.

Câu trả lời của Joker - nếu như những đối thoại trước đó chỉ là nhát gừng và tỏ lòng mong mỏi sự cảm thông - giờ lần đầu tiên thật rõ ràng, rành mạch: "Xã hội đã bỏ rơi và đối xử với tôi như rác rưởi, tôi bị hệ thống này lãng quên".

Cuộc đối thoại kinh điển giữa một kẻ bị lãng quên của thành phố và một người mẫu mực, thần tượng trong xã hội, người có quyền lựa chọn và ra quyết định cho phép ai bước vào vở bi hài kịch, đã quay lại vấn đề về người định hình hệ thống: chính sách cho những người như Arthur tất nhiên không phải do họ - những người không có tiếng nói, những thằng hề, những kẻ vô dụng và thất bại toàn tập - hoạch định, mà hoàn toàn ở trong tay những kẻ cầm trịch, người giàu, những người có thể quyết định đến cả cách cười thế nào là đúng.

Đó là một cuộc đối thoại không lối thoát, với lời tuyên án được một thằng hề điên nói ra. Khốn cùng thay, khi những kẻ không tiếng nói, sau nhiều lần khẩn cầu được chú ý, cất lên lời thê lương, cũng chính là lúc bi kịch nhất, họ đi từ nài nỉ lòng độ lượng tới tuyệt vọng, rồi tất yếu là kết tội hệ thống và nổi loạn - trở nên xấu xa, khi chẳng còn gì để mất.

Những mối dây nối họ với hệ thống đã đứt, ngân quỹ thuốc chữa trị cho những kẻ bệnh hoạn của thành phố đã cạn, hi vọng được nhắc đi nhắc lại rằng người giàu sẽ cứu rỗi họ đã tiêu tan, Thomas - người sẽ không bỏ rơi hắn và mẹ hắn - đã chết. Sự đoạn tuyệt ấy càng chứng tỏ giàu/nghèo là hai thế giới không bao giờ gặp nhau, bị ngăn cách bởi quyền lực, tiền bạc và ngay cả chuẩn mực đạo đức.

Nhưng người giàu và kẻ nghèo có giữ được hai không gian độc lập mãi? Người giàu có đứng được mãi trong khu vườn hoàn hảo tường cao hào sâu, có yên ổn mãi trong những nhà hát quy củ trật tự, cười cũng theo nếp?

Người giàu có giữ được không gian chân không thuần khiết mãi mãi, trong cùng một thành phố, nơi họ thực ra vẫn hít chung bầu không khí với những kẻ bẩn thỉu nhất, có nhốt được mãi những kẻ điên và tội phạm trong nhà thương điên, khu ổ chuột và nhà tù? Chẳng có bộ lọc khí nào, chẳng có hàng rào nào đủ lớn, chẳng có hệ thống an ninh nào tồn tại được trước sự chán nản và cùng cực đến tuyệt vọng, chỉ chực chờ điểm bùng phát.

Cao trào đổ xô mọi ranh giới là chuyến tàu nối những vùng biên với trung tâm thành phố, chuyến tàu mà tất cả những gã hề vô dụng trong con mắt người giàu đã nghiền nát những kẻ đại diện và giữ gìn trật tự cho hệ thống.

Nhưng khi người nghèo cầm súng bắn người giàu cũng chính là lúc họ tự bắn vào chân mình, nghiền nát hàng rào hệ thống cũng là nghiền nát tương lai chính họ.

Đúng ra người nghèo cần người giàu và ngược lại, mối quan hệ cộng sinh này cần phải được duy trì và cân bằng, cần phải được lắng nghe và thấu hiểu, chứ không phải ban ơn hay công thức lạnh lẽo. Mất cân bằng, mất cầu nối giữa hai thế giới cũng giống như mất cân bằng trong cơ thể bệnh hoạn của Arthur.

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm - Ảnh 6.

Arthur Fleck chỉ trở nên xấu xa khi đã tuyệt vọng? - Ảnh: Flickr

"Không có tính chính trị"

Phim dường như cổ xúy bạo lực, không có mở nút thắt nút, bắt khán giả chịu đựng hết tầng nấc này đến tầng nấc khác của tội ác, từ chỗ kẻ thủ ác vô tình bị dồn ép đến đường cùng tới chỗ cái ác lên ngôi, tỏa sáng và mỉm cười ngạo nghễ nơi bậc cầu thang, điềm tĩnh tính toán điểm xạ vào trán nạn nhân tội nghiệp trước sóng truyền hình trực tiếp (?!).

Đạo diễn Todd Phillips đã lạnh lùng cầm dao mổ rạch toang cơ thể bệnh tật của thành phố - hệ thống, cho chúng ta thấy tất cả hành trình tội ác. Ông là người mô tả, "bắt bệnh" cho cái xã hội Gotham, cho chúng ta mà thôi, còn quyền phán xét không thuộc về ông.

Và con dao mổ tuyệt vời mà ông có là Phoenix, người đủ khả năng diễn đạt những tâm trạng trái ngược, phức tạp, những nỗi khổ đau và sự cô độc của một người đàn ông mang bệnh tới một kẻ thủ ác ghê rợn.

Anh không chỉ có cái nhìn ám ảnh, từ ánh mắt chờ đợi và thành thật trước người nhân viên xã hội, hạnh phúc rụt rè trước người mình thầm thương trộm nhớ và vui mừng sáng lấp lánh khi thấy gã hề giống mình tới cái nhìn điềm nhiên sắc lẻm trước đám đông hỗn loạn.

Quá trình biến hóa từ Arthur thành Joker còn được thể hiện xuất sắc từ dáng bộ, thân hình, khi lom khom cắm cúi cô độc, khổ sở muốn chết đến uốn éo vặn vẹo giải tỏa tinh thần và cái ác thoát thai qua nụ cười ngạo nghễ trước tất cả trò hề của thành phố.

Tiến trình pha trộn, chung sống giữa người và quỷ được đặt trong nhạc nền căng thẳng, bít bùng với từng nhịp gõ chậm rãi, mô tả tâm trạng chờ đợi bức bối đến tiếng vĩ cầm thê lương hoàn hảo, căng thẳng và tuyệt vọng như tâm trạng "cái chết còn có nghĩa hơn cuộc đời tôi".

Nhưng trong những phút cao trào, nhân vật chính phải khẳng định "không có tuyên ngôn chính trị nào ở đây" để được bước lên sân khấu hài kịch của Gotham.

Mà cũng không cần phải thanh minh, Arthur/Joker và những người nghèo như anh quả thật không cần biết gì nhiều về chính trị, thậm chí chán ghét chính trị, chán ghét những sáo ngữ trịch thượng không rõ là thành thật cứu rỗi hay đang tạo ra một khoảng đệm đủ để cân bằng, để xã hội hay những kẻ nghèo hèn không chạm tới điểm bùng phát.

Nhưng diễn ngôn không quan tâm đến chính trị cũng chính là một dạng thức của chính trị thường ngày: những người yếu thế trong xã hội lờ đi, ngại va chạm, ngại đối chất với người giàu, thường mặc nhiên chấp nhận những trật tự được truyền bá bởi giới tinh hoa.

Không có gì đi ra ngoài chính trị cả, môi trường chính trị không gì khác hơn chính là cách hình thành kẻ thắng và người thua trong xã hội, cách xây dựng, bồi đắp quyền lực, quyền phát ngôn hay việc mất đi, quên đi quyền được nói.

Chẳng có lấy một lời chính trị sáo rỗng, nhưng tính chất đấu tranh chính trị toát lên, bật ra trong mọi bước đi của Joker, mọi thứ mà hắn chứng kiến. Mọi cảnh quay đều đầy chất chính trị: thành phố cắt ngân sách chữa trị, người biểu tình cầm biển

"Tất cả chúng ta là lũ hề" hay khoảnh khắc những người giàu có thưởng thức vở hài kịch của Charlie Chaplin. Mỗi câu thoại đều mang tính phổ quát cho những bất bình đẳng xã hội, cho những gì người nghèo cảm thấy về quá trình họ bị gạt ra bên lề, để rồi chính họ lại cố gắng gạt những kẻ yếu nhất ra lề xa hơn nữa - như hình ảnh người lùn, kẻ hèn kém nhất trong chỗ làm của Arthur, thường xuyên bị sỉ nhục và phải nhẫn nhịn trong bất lực.

Joker: Đừng để cái ác nảy mầm - Ảnh 7.

Ảnh: mundosorprendente.info

Tất cả những điều đó khiến Joker trở thành một tuyên án phổ quát cho xã hội đầy căng thẳng, cho một thành phố chứa trong lòng nó tất cả những mặt đối lập, cả đẹp đẽ tinh hoa và xấu xa bệnh hoạn, cho sự lãng quên và cố tình lờ đi những phận người "vô dụng".

Joker không phải lời cổ vũ cho cái ác lên ngôi, mà là lời cảnh tỉnh hàm chứa nỗi ám ảnh thê lương nhất về hành trình cái ác nảy mầm trong một mảnh đất màu mỡ cho nó - sự bất công và thờ ơ trước những phận người.

Sự thờ ơ với chính trị cũng phản ánh tâm lý xã hội, nơi mà chủ nghĩa dân túy ngày càng thắng thế, vì đại chúng không còn thiết những diễn ngôn phải đạo trong một bối cảnh đầy bất an. Những điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ, mà là bài học phổ quát ở nhiều xã hội. Joker có thể hấp dẫn nhiều đối tượng người xem chính vì sự phổ quát đó.

Joker: Dấu hỏi nhức nhối về cái ác Joker: Dấu hỏi nhức nhối về cái ác

TTO - Joker không hẳn là bộ phim gây tranh cãi nhất trong năm, nhưng khiến người xem bối rối khi họ rơi vào trạng thái mơ hồ trước bạo lực cùng sự đồng cảm bất ngờ đối với một kẻ thái nhân cách và giết người.

NGUYỄN THU QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Joker kẻ bệnh hoạn