Bà Janet Yellen - Nguồn: Bloomberg |
Trong bản báo cáo công bố ngày 9-12, nhóm chuyên gia tại Paris của OECD cho biết khoảng cách về thu nhập khiến người nghèo khó tiếp cận được các chương trình giáo dục cần thiết để phát triển kỹ năng của họ, ngăn cản những biến đổi tích cực của xã hội và kìm hãm tăng trưởng.
Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do khoảng cách thu nhập gây ra, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm đến phúc lợi của ít nhất 40% hộ gia đình có thu nhập thấp của xã hội chứ không chỉ 10% nghèo khó nhất.
Nghiên cứu bắt nguồn từ một cuộc tranh luận về bất bình đẳng do chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen nêu lên tại một hội nghị toàn cầu vào tháng 10. Theo OECD, bất bình đẳng thu nhập đã lấy đi 6-7% tăng trưởng GDP của Mỹ trong giai đoạn 1990-2010. Đồng thời, Anh, Italy và Mexico tiêu biểu cho những quốc gia đang đối mặt với tình trạng trì trệ do cùng nguyên nhân. Báo cáo trên "thách thức quan điểm truyền thống cho rằng các nhà hoạch định chính sách bắt buộc phải đánh đổi giữa việc thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết tình trạng bất bình đẳng", OECD cho biết. "Các chính sách giúp hạn chế hoặc cải thiện tình trạng bất bình đẳng không những có thể giúp xã hội công bằng hơn mà còn thịnh vượng hơn". |
Nhìn chung, một sự gia tăng bất bình đẳng như được ghi nhận trong báo cáo của OECD trong hai thập kỷ qua sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng khoảng 0,35%/ năm, tương đương 8,5% cho một phần tư thế kỷ.
"Bằng chứng thuyết phục nói trên cho thấy việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng là rất quan trọng để thúc đẩy và duy trì tăng trưởng. Đây cần được xem là vấn đề trọng tâm tại các cuộc thảo luận về chính sách vĩ mô", bà Angel Gurria, tổng thư ký OECD, phát biểu. "Chỉ các quốc gia nỗ lực thúc đẩy sự bình đẳng từ những giai đoạn đầu mới đảm bảo được sự phát triển và thịnh vượng bền vững".
Báo cáo trên chỉ ra rằng những thay đổi trong chế độ lương thưởng là nguyên nhân trực tiếp và đáng chú ý nhất dẫn đến sự bất bình đẳng.
Thu nhập của nhóm 10% lao động được trả lương cao nhất ngày càng gia tăng và với tốc độ nhanh hơn nhóm 10% thu nhập thấp nhất.
Theo OECD, một chính sách tái phân phối được thiết kế tốt có thể giải quyết được vấn đề này mà không gây thiệt hại đối với tăng trưởng, chẳng hạn những thay đổi về thuế nhắm vào các cá nhân thu nhập cao và lợi nhuận từ đầu tư của các hộ gia đình giàu có.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề nghèo đói trước mắt thôi là chưa đủ và chính phủ cần đồng thời cải thiện các chính sách liên quan đến dịch vụ công như y tế và giáo dục.
OECD cho rằng vấn đề quan trọng nhất là khoảng cách giữa các hộ gia đình có thu nhập thấp và phần còn lại của dân số. Bất bình đẳng về thu nhập khiến các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn mất cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn, kìm hãm tiến bộ xã hội và cản trở sự phát triển nguồn nhân lực của nền kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận