Ngày 3-6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 về tình hình kinh tế - xã hội với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP trên 6%
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phiên họp hôm nay tổ chức vào thời điểm sau thành công của hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế, xã hội.
Đặc biệt vừa qua, 25 đoàn công tác của các thành viên Chính phủ đã làm việc với các địa phương. Vì vậy Chính phủ mời lãnh đạo các địa phương tham dự phiên họp để có thêm thông tin, đánh giá về tình hình, nhất là khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị từ thực tiễn để phân tích kỹ những mặt đã làm được, những mặt còn hạn chế, khó khăn, thách thức. Đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, trọng tâm là sản xuất công nghiệp để phân tích, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân khách quan, nhằm có giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, ở trong nước nhiều chính sách chỉ đạo kịp thời đã giúp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong hai năm 2023 - 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% và 6,6%; ADB dự báo là 6,5% và 6,8%; WB dự báo mức tăng là 6,3% và 6,5%; IMF dự báo tăng 5,8% và 6,9%.
Nhiều thách thức lớn cần tháo gỡ
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường. Đó là sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá là chậm lại nhưng vẫn ở mức cao.
Xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát; rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu...
Vì vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị các giải pháp trọng tâm, bao gồm tập trung theo dõi tình hình thế giới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài chính triển khai hiệu quả chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế; sớm đề xuất chính sách tài khóa, giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng...
Ngân hàng Nhà nước phấn đấu giảm lãi suất; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỉ giá; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, theo dõi chặt chẽ tình hình nợ xấu, rà soát các gói tín dụng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi…
Rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành. Xây dựng nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo dõi tình hình doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, sửa đổi cơ chế, chính sách thu hút FDI…
Các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường, khai thác hiệu quả thị trường nội địa; rà soát xử lý nhanh thủ tục đầu tư xây dựng với dự án bất động sản; quy định phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh khởi công dự án lớn trong tháng 6.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận