Tàu Quang Trung - Ảnh: PHÚC TƯỜNG
Doanh nghiệp đòi bảo hiểm phải bồi thường hơn 10 tỉ đồng, phía công ty bảo hiểm không đồng ý.
Điều oái oăm là căn cứ để hai doanh nghiệp cùng dựa vào để đòi hoặc từ chối bồi thường là bản báo cáo điều tra tai nạn của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM. Tuy nhiên, mỗi bên hiểu và vận dụng theo cách khác nhau.
Tàu chìm và bản báo cáo điều tra
Ngày 31-12-2016, Công ty cổ phần thép Việt Mỹ và Công ty PJICO Đà Nẵng ký hợp đồng lô hàng 1.799 tấn thép.
Sau đó, PJICO Đà Nẵng cấp đơn bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ VN cho lô hàng trên được vận chuyển bằng tàu Quang Trung 05 - BLC, hành trình từ cảng Sơn Trà (Đà Nẵng) đến cảng Long Bình (Đồng Nai).
Ngày 21-10-2017, trên đường đi, tàu Quang Trung và tàu New Port Cypress va chạm tại khu vực sông Nhà Bè luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, làm toàn bộ lô hàng và tàu bị chìm.
Ngày 5-1-2018, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM ban hành báo cáo điều tra vụ tai nạn.
Theo đó, nguyên nhân tai nạn được xác định: do tàu Quang Trung và New Port Cypress đã không tăng cường công tác cảnh giới từ xa thích đáng và phù hợp, chưa triệt để sử dụng rađa nhằm phát hiện sớm và theo dõi liên tục mục tiêu từ xa để đánh giá đầy đủ tình huống và nguy cơ đâm va;
Không sử dụng tín hiệu điều động và tín hiệu cảnh báo phù hợp trong quá trình điều động tránh va; cả hai phương tiện không tuân thủ quy định khi cắt qua luồng hàng hải.
Sau báo cáo này, ngày 5-4, Công ty thép Việt Mỹ đã gửi hồ sơ yêu cầu PJICO Đà Nẵng bồi thường bảo hiểm.
Tuy nhiên, PJICO Đà Nẵng từ chối bồi thường bảo hiểm với lý do tàu Quang Trung với định biên không đầy đủ là không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông.
Đây là điểm loại trừ bảo hiểm đã được quy định tại khoản 8, điều 6, chương III Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ VN 2008.
Lô thép được trục vớt sau vụ chìm tàu - Ảnh: PHÚC TƯỜNG
Do tàu hay do thiếu người?
Ông Lưu Anh Tú, giám đốc PJICO Đà Nẵng, cho biết việc từ chối bồi thường bảo hiểm cho lô hàng trên căn cứ vào báo cáo điều tra, trong đó nêu việc tàu Quang Trung với định biên không đầy đủ (thiếu bốn người) là không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông.
Trái lại, ông Lê Công Xinh, phó tổng giám đốc Công ty thép Việt Mỹ, cho rằng việc PJICO Đà Nẵng từ chối bảo hiểm với lý do trên là không có căn cứ.
Bởi trong giấy chứng nhận khả năng đi biển của tàu Quang Trung do Cục Đăng kiểm cấp ngày 27-4-2017 đã chứng nhận tàu này đảm bảo hoạt động an toàn trên biển. Khi bắt đầu hành trình, tàu Quang Trung đã hoàn thành thủ tục rời cảng và được Cảng vụ Đà Nẵng cấp giấy phép.
Cũng theo ông Xinh, việc thuyền trưởng (chủ tàu) cho một số thuyền viên rời tàu khi đến vùng neo Vũng Tàu, dẫn đến số lượng thuyền viên không đủ so với giấy chứng nhận định biên chỉ là lỗi của thuyền trưởng trong việc quản trị tàu.
Điều này không liên quan đến chất lượng của tàu, tức không ảnh hưởng đến khả năng đi biển của tàu.
Ông Xinh viện dẫn mục VII về nguyên nhân tai nạn của báo cáo điều tra chỉ ra sáu nguyên nhân, trong đó không có nguyên nhân nào là do thiếu thuyền viên.
Ngoài ra, điều 323 Bộ luật hàng hải quy định trách nhiệm bồi thường tổn thất là: "Người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với những tổn thất xảy ra do hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của người được bảo hiểm, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường các tổn thất phát sinh do sơ suất hoặc sai lầm của thuyền trưởng, đồng thời là người được bảo hiểm trong việc điều khiển, quản trị tàu và các tổn thất do lỗi của thuyền bộ, hoa tiêu hàng hải".
Vì vậy, ông Xinh cho rằng quy tắc điều khoản loại trừ bảo hiểm không được áp dụng trong vụ việc này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thái (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), trong trường hợp này có thể thấy rằng cùng một thỏa thuận, nhưng hai bên có hai cách hiểu khác nhau để bảo vệ quyền và lợi ích của phía bên mình khi xảy ra tranh chấp.
Vì vậy, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm cần lường trước các khả năng rủi ro có thể xảy ra và đối chiếu với các điều khoản trong hợp đồng để đảm bảo quyền được bồi thường khi sự kiện bảo hiểm phát sinh trong tương lai. Cần chú trọng đến các điều khoản về phạm vi bảo hiểm, miễn trách nhiệm bảo hiểm...
Không chỉ quy định trong hợp đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm thường dẫn chiếu về quy tắc bảo hiểm của mình, do đó cũng cần tìm hiểu kỹ quy định của các quy tắc này.
Mặt khác, những quy định trong hợp đồng cần được diễn đạt rõ ràng, đơn nghĩa để tránh các cách hiểu khác nhau là tiền thân dẫn đến các tranh chấp phát sinh sau này.
Bản báo cáo điều tra của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM được 2 doanh nghiệp lấy làm chứng cứ để đòi hoặc từ chối bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, một bản kết luận nhưng được 2 đơn vị này vận dụng hai cách khác nhau.
Cần tìm hiểu kỹ quy tắc mà bảo hiểm đưa ra
Điều 325 Bộ luật hàng hải năm 2015 có quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với người bảo hiểm, trong đó cho phép các bên thỏa thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với người bảo hiểm.
Khi xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định pháp luật hoặc theo thỏa thuận thì người bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm về các tổn thất phát sinh.
Do đó, trong trường hợp này cần xác định rằng tàu Quang Trung có hay không có vi phạm thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm (theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật?
Tranh chấp xảy ra từ cách hiểu khác nhau, do đó cần áp dụng các quy định khác của pháp luật để xác định rằng phương tiện vận chuyển có đủ khả năng lưu hành, có đảm bảo an toàn giao thông, từ đó xác định có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hay không?
Luật sư NGUYỄN VĂN THÁI (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận