06/01/2006 19:48 GMT+7

Ở Việt Nam, số lượng nhà văn giỏi ngoại ngữ quá hiếm hoi

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Mới đây, Văn Cầm Hải được Bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia Chương trình viết văn Quốc tế 2005 (International Writing Program) tại Đại học IOWA. Anh có cuộc trò chuyện với chúng tôi sau chuyến đi của mình.

86WiSLe3.jpgPhóng to
Ảnh: Nhân Dân
Mới đây, Văn Cầm Hải được Bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia Chương trình viết văn Quốc tế 2005 (International Writing Program) tại Đại học IOWA. Anh có cuộc trò chuyện với chúng tôi sau chuyến đi của mình.

* Anh có thể cho biết tại sao chương trình viết văn quốc tế tại IOWA lại có uy tín đối với giới văn học thế giới?

- Là một trong những trường đại học danh tiếng của nước Mỹ, IOWA có bề dày truyền thống giảng dạy ngành văn chương. Hàng năm, chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức trên thế giới tài trợ cho IOWA tổ chức chương trình viết văn quốc tế với mục đích là mời các nhà văn trên thế giới đến với IOWA và một số thành phố lớn của Mỹ để cùng nhau trao đổi kiến thức, nâng cao kỹ thuật viết và quảng bá tác phẩm văn học.

Ngoài những thành tựu trong sáng tác văn thơ, các tác giả góp mặt nơi đây còn là những dịch giả, giáo sư văn học, đạo diễn, biên kịch, nhà báo, nhà lý luận phê bình..., nên họ đã mang đến một không khí giao lưu văn học rất đa dạng, mang đặc trưng văn hóa của nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới.

* Từ những cuộc giao lưu với công chúng Mỹ, điều gì làm anh quan tâm nhất?

- Phương pháp dạy và học văn của người Mỹ. Bằng việc tham gia trực tiếp vào những cuộc hội thảo về dịch thuật, trao đổi về ý tưởng và kỹ thuật viết văn, thuyết trình về những vấn đề mang tính thời sự của khoa học xã hội nhân văn do các nhà văn trình bày, sinh viên và công chúng yêu văn học của Mỹ có cơ hội nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn về văn hóa và tiếp cận kịp thời với diễn biến của văn học thế giới.

Những sinh viên tôi gặp đều ước mơ trở thành nhà văn hoặc nhà thơ và dù trong số họ có người sẽ không thành danh nhưng tôi tin họ cũng trưởng thành bởi thái độ học tập và làm việc rất chuyên nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải mang tiếng học văn nghĩa là phải sống lãng mạn với những ảo tưởng về mình.

* Anh đã giới thiệu các tác phẩm của mình và văn học Việt Nam với bạn bè thế giới ra sao?

- Việc đầu tiên là tôi giới thiệu ngôn ngữ và âm điệu của tiếng Việt qua những tác phẩm của mình sau đó mới đọc lời dịch. Do thời gian và vốn hiểu biết có hạn nên tôi cũng chỉ giới thiệu thơ và những gì tôi viết về vùng văn hóa và tôn giáo miền Tây Tạng, Con đường tơ lụa và những ngày tháng ở châu Âu.

Các bạn Mỹ và những nhà văn quốc tế rất quan tâm đến văn hóa Phương Đông. Với họ, phương Đông vẫn là một vùng đất huyền bí với bao nhiêu câu chuyện hiện thực nhưng khó lý giải vì nhuốm màu huyền thoại.

Còn về văn học Việt Nam, tôi chỉ có thể trao đổi một cách khái quát một số nét đặc trưng, nhất là văn học thời kỳ đương đại gắn liền với chính sách mở cửa của đất nước.

Trong quan niệm sáng tác, các bạn văn rất thú vị khi tôi đề cập đến quan niệm đổi mới, ý niệm và kỹ thuật viết tự do của người Việt Nam từ những ngày xa xưa, tiêu biểu là ý kiến làm thơ "không hạn chế trong một lệ và cũng không thể chỉ lấy ở một thể" trong lời tựa Việt Âm thi thập tư của ông già Chuyết Am, Học sĩ Viện hàn lâm Nguyễn Tấn- người bạn của Nguyễn Trãi.

* Người Mỹ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh 30 năm trước, còn ngày nay văn học Việt Nam, cổ điển cũng như đương đại có "sinh trưởng" ở Mỹ?

- Tại khuôn khổ các cuộc hội thảo và giới thiệu những dòng văn học của thế giới của chương trình tôi tham gia, thật buồn khi không có các tác phẩm, tác giả của vùng Đông Nam Á và Việt Nam.

Như tôi thấy hiện nay văn học cổ điển cũng như đương đại của Việt Nam rất khó "sinh trưởng" tại Mỹ. Vậy nên, cần phải có những tác phẩm thực sự có giá trị đồng thời với việc đẩy mạnh việc dịch thuật, quảng bá tác phẩm của nhà văn Việt Nam đến với thị trường sách báo rộng lớn của Mỹ.

Các nhà văn tham gia chương trình viết văn quốc tế IOWA, phần lớn đều có thể viết văn, làm thơ bằng hai ngôn ngữ: tiếng mẹ đẻ và một ngoại ngữ khác, nên họ rất thuận lợi trong việc giới thiệu tác phẩm với thế giới .

Còn ở Việt Nam, số lượng nhà văn giỏi ngoại ngữ để có thể tự viết, tự dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh, tiếng Pháp còn quá hiếm hoi. Có người còn bảo nếu người Mỹ và thế giới cần tìm hiểu thì tự học tiếng Việt mà đọc chứ nhà văn chỉ cần sáng tác chứ không cần giỏi ngoại ngữ!

Với quan niệm ấy thì chúng ta khó mà tìm hiểu được cái hay cái dở của thiên hạ để biết mình biết ta chứ đừng nói đến chuyện mở cõi ra thế giới!

* Anh thường hướng đến những vùng đất tràn đầy tâm linh, nhưng với nước Mỹ quá hiện đại và đầy sức ép của lối sống công nghiệp có mang lại cho anh nguồn cảm hứng sáng tác nào để anh ghi lại?

- Nơi nào có người thì ở nơi ấy ắt có thế giới tâm linh! Tôi may mắn được sống và làm việc ở những vùng đất nằm bên dòng sông Mississippi. Đây là miền đất chứa nhiều giai tầng văn hóa và lịch sử đa dạng của nước Mỹ với sự có mặt của người da đỏ sống xen lẫn với những cộng đồng các sắc tộc khác nhau trên thế giới.

Tính truyền thống và hiện đại, nét đặc trưng văn hóa riêng biệt và đại chúng cũng theo đó mà tồn tại và phát triển trong phong cách, lối sống của miền Mississippi.

Người ta có thể thấy sự đa dạng thú vị đó qua hình ảnh tráng lệ của thành phố Chicago hay không khí cổ xưa ở ngôi làng Kalona, nơi người dân không màng đến các phương tiện sống hiện đại như điện thoại, ô-tô... Hoặc cảm thấy huyền bí trước những đồi mộ kỳ dị, ẩn chứa nhiều ý niệm siêu hình của tổ tiên người da đỏ nằm hai bên bờ sông Mississippi chảy qua các tiểu bang Wisconsin và IOWA...

Đó là những nguồn cảm hứng tâm linh giúp tôi giữ được tinh thần một đứa trẻ nội tâm lang thang trong tác phẩm của mình.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên