04/05/2013 08:00 GMT+7

Ở tù oan 16 năm 3 tháng

H.ĐIỆP - NGUYỄN NGỌC
H.ĐIỆP - NGUYỄN NGỌC

TT - “Đang vác bao lúa trên vai, mồ hôi chảy ròng ròng, giữa trưa nắng như đổ lửa hay tin U bị bắt... tôi vừa mừng vừa run”.

Đó là tâm trạng của ông Trần Văn Chiến (sinh năm 1960, ở ấp Nam, Tân Điền, Gò Công Đông, Tiền Giang) khi hay tin hung thủ thật sự của vụ án đã bị bắt. Cái ngày ấy ông đã chờ đợi suốt 16 năm 3 tháng thụ án trong tù, dù có lúc ông dường như tuyệt vọng, không tin hung thủ thật sự còn sống để giải oan cho mình.

Kỳ 1: Kỳ 2:

HJhwAVBy.jpgPhóng to
Gia đình ông Trần Văn Chiến - Ảnh: Nguyễn Ngọc

Trong lao tù

Cơn mưa chiều miền Tây đến muộn khiến hình ảnh ông Trần Văn Chiến đứng trước những con ngõ quanh co càng trở nên dật dờ. Khuôn mặt ông méo xệch đầy những nếp nhăn, đôi mắt đỏ ngầu khi nhớ lại chuyện ngày xưa.

Ngày 19-5-1979, trưởng Công an xã Tân Điền bị giết. Lúc này ông Chiến đang ở cùng với những người thân của mình. Nghe tiếng kêu thất thanh, ông chạy ra ngoài thì thấy Trần Văn U chạy qua nói “Tao vừa giết thằng Sên!” rồi chạy đi mất. Gia đình bị hại báo công an huyện, hai ngày sau ông Chiến cùng vài người khác trong xóm bị bắt.

Là một nông dân thật thà ít chữ, không hiểu gì về pháp luật, ông Chiến nhận tội với suy nghĩ “nhận tội cũng chết, không nhận tội cũng chết, thôi thì phó mặc cho ông trời” trước những chứng cứ mập mờ cơ quan công an kết tội giết người. Rồi ông thi hành án chung thân.

Ba năm đầu ở xà lim là quãng thời gian ông Chiến bị tách biệt hoàn toàn với ánh sáng mặt trời. Thứ ánh sáng duy nhất đọng lại trong mắt ông là ánh sáng mờ đục của một bóng đèn nhỏ. Dần dà mắt ông bị hạn chế về khả năng quan sát, tay chân cũng dần yếu đi.

Đang ngồi yên lặng, ông Chiến cúi mặt thở dài nói: “Ngày ấy tôi thua một con heo”. Những ngày tháng ở tù ông đã nghiệm ra nhiều điều, ý thức được mình bị oan nhưng vì yếu mềm đã nhận tội nên không thể thay đổi được thực tại. Cách duy nhất để minh oan giờ đây là cầu xin ông trời phù hộ để hung thủ thật sự bị bắt, như vậy mình mới có cơ may lật án. Ông cố gắng cải tạo thật tốt để tiếp tục sống và hi vọng “ông trời có mắt” chắc sẽ không phụ sự cam chịu cho qua mọi chuyện để đợi đến ngày về.

Những lá thư không có hồi âm

Ông Trần Văn Chiến bị bắt tạm giam ngày 21-5-1979 với tội danh giết người xảy ra tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Ngày 20-3-1980, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, ông Trần Văn Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ thật sự là Trần Văn U. Tòa vẫn tuyên ông Chiến án chung thân. Do thời gian chấp hành hình phạt tù ông Chiến cải tạo tốt nên được thả tự do ngày 21-8-1995.

Năm 1997, Trần Văn U bị bắt.

Ngày 5-7-2001, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án giết người với bị cáo Trần Văn U. Tại tòa, Trần Văn U khai chỉ một mình thực hiện vụ án mà không liên quan gì đến ông Trần Văn Chiến nên tòa tuyên ông Chiến không phạm tội giết người. Tại bản án phúc thẩm số 424 ngày 12-4-2002, TAND tối cao tại TP.HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm: ông Chiến vô tội.

Ngày 23-12-2004 ông Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang đền bù oan sai 252 triệu đồng, đồng thời xin lỗi trên ba tờ báo trung ương và địa phương.

16 năm 3 tháng ở tù cũng là thời gian ông Chiến bặt tin những người thân thích. Cha mất khi ông còn nhỏ, mẹ thì quá nghèo, anh em mỗi người một cảnh nên không thể thăm nuôi. Ngày ở tù, mặc dù chữ nghĩa không nhiều, vài nét bút nguệch ngoạc nhưng mỗi đêm ông viết vài chữ góp đủ một bức thư rồi gửi về nhà... Những dòng thư lần lượt gửi đi nhưng chưa bao giờ ông nhận được hồi âm. Khi ấy buồn lắm nhưng cao hơn là tủi. Ông nghĩ: “Người tù cũng có danh dự của người tù, không bao giờ có người thăm nuôi thì người ta đánh giá ăn ở như thế nào mà gia đình người thân lại bỏ mặc như vậy. Có những khi nhìn thấy một ký cá khô, một gói đường, vài quả chuối của người vợ đến thăm bạn tù mà rớt nước mắt”. Tết đến, khi mọi người được sum vầy quấn quýt bên người thân cũng là lúc ông co quắp bên chén cơm tù lạnh lạt.

Suốt những năm chịu tù oan, ông không có một bản kiểm điểm dù chỉ một hành động nhỏ gây xung đột hay chửi bới, đánh đập ông cũng không. Bởi vậy suốt nhiều năm liền ông được giảm án từ mức án chung thân xuống còn 16 năm 3 tháng, được mãn hạn tù sớm trước kỳ hạn.

Hành trình trở về

Hành lý khi ra tù của ông Chiến chỉ là một manh áo cũ, một lý lịch không trong sạch, một sức khỏe gần như suy kiệt, một tương lai không có gì đảm bảo. Cuộc đời ông bắt đầu với điểm xuất phát là những con số không tròn trĩnh. Không gia đình, không vợ, không con, không nghề nghiệp, không danh dự, không còn tuổi thanh xuân. Tuổi trẻ của ông Chiến trôi qua lặng lẽ trong tù. 16 năm 3 tháng đủ biến một thanh niên 19 tuổi thành một người đàn ông trung niên thất thế.

Ông Chiến đi cày thuê cuốc mướn, vác lúa, nhổ cỏ... không từ một công việc gì. Khó khăn về kinh tế ông có thể khắc phục, nhưng sống với dư luận tâm can ông như đã chết. “Con mình chết, còn con người ta về” - câu nói của mẹ ông Sên (người bị giết hại 16 năm trước) như nhát dao cứa mạnh vào tim khiến ông xiết đau. “Tôi không giết người!” - ông tự nhắc mình như vậy rồi cúi mặt bước qua mọi lời đàm tiếu, mọi dị nghị của dư luận xung quanh. Những người biết thì thông cảm, nhưng những người không biết thì họ khinh rẻ, nhìn ông bằng cặp mắt sợ sệt, đôi khi còn buông ra những lời lẽ cay đắng.

Hai năm trôi qua trong tủi nhục, có lúc tuyệt vọng ông Chiến nghĩ chắc ông U (hung thủ thật sự) cũng đã chết. Chắc suốt cuộc đời này ông cũng không được minh oan. Tuy nhiên “ông trời có mắt”, “đang vác bao lúa trên vai, mồ hôi chảy ròng ròng, giữa trưa nắng như đổ lửa nghe tin U bị bắt...”.

Vì vợ vì con

Bước chân ra khỏi nhà tù chưa biết cuộc đời ông rồi sẽ trôi về đâu thì trời cao đã trao cho ông người đồng hành - một người vợ để cùng ông đồng cam cộng khổ. Một người vợ bất chấp tất cả điều tiếng, mọi dị nghị để ủng hộ chồng. Không một quả cau, miếng trầu, bà Trần Thị Kim Loan đồng ý làm vợ ông chỉ bởi một chữ “tin” bất chấp sự phản đối từ gia đình. Bà tự nguyện đi theo “một tên giết người” vừa mãn hạn tù.

Mượn được mảnh đất từ bác ruột, ông Chiến dựng lều để vợ con có chỗ che nắng che mưa. Trời nắng thì đỡ chứ lúc mưa trong nhà chẳng khác gì ngoài trời, mưa tát xối xả. Những lúc ấy hai vợ chồng ôm con nước mắt trộn mưa “nghĩ lại mà tủi”, đưa tay lên lau hai hàng nước mắt ông nói. Cũng trong thời gian này, bà Loan bận con nhỏ không thể đi làm.

Quá nửa đời người chịu đựng khổ đau, ông Chiến buồn rầu nói: “Cuộc đời sao mà nhiều nghiệt ngã! Đã có lúc tôi muốn chết phứt đi cho rồi, nhưng nghĩ vì vợ con nên gắng sống”.

Mỗi khi bệnh tình tái phát, trái tim nhói đau như có ai dần, cái đầu đau như búa bổ, ông lại cố che giấu vì sợ trở thành gánh nặng của gia đình. Con trai mới vừa học lên lớp 7 chứng kiến bệnh tình của cha và sự khó nhọc của mẹ nên quyết định nghỉ học ở nhà phụ việc. Bà Kim Loan - người vợ tảo tần - rơm rớm nước mắt: “Lúc mới ra tù đêm nào ông ấy cũng khóc vì tủi thân. Bây giờ cũng vậy, thỉnh thoảng lại thức khuya, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần nhà, lâu lâu nhìn sang lại thấy một dòng nước tràn trong kẽ mắt”.

Bữa ấy đã quá nửa đêm, trong căn nhà chẳng có gì làm khang trang, dưới ánh đèn mờ đục nơi thôn quê tĩnh lặng, ông Chiến thổ lộ: “Nhà cửa có rồi nhưng hằng đêm trước khi ngủ tôi cảm thấy như mình đã mất đi một cái gì lớn lắm, day dứt lắm...”.

____________________

Kỳ tới: Chết đứng giữa nhà

Anh tên là Hải. Bây giờ nhiều người gọi là Từ Hải. Anh như chết đứng khi công an đến nhà đọc lệnh bắt vì đã “giết người, cướp của và hiếp dâm”.

H.ĐIỆP - NGUYỄN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên