Phóng to |
Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) xác nhận An Hội (Q.Gò Vấp) hiện là trường tiểu học có số học sinh đông nhất TP.HCM - Ảnh: Lưu Trang |
Phóng to |
HS xếp hàng trật tự về lớp sau khi tập trung ở sân trường. Phải mất 10-15 phút HS mới có thể về lại lớp học của mình - Ảnh: L.T. |
Ngôi trường nằm ở địa bàn nghèo với hơn 40% phụ huynh diện tạm trú này từ nhiều năm nay đã được xếp vào hàng những ngôi trường tiểu học có đông học sinh nhất cả nước. Bên trong cánh cổng trường luôn đông nghẹt HS là nhiều câu chuyện thú vị...
Cảnh đông con
Dẫn đầu về số lớp Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) xác nhận An Hội hiện nay là trường tiểu học có số học sinh đông nhất toàn TP với 93 lớp. Xếp sau An Hội là Tiểu học Lê Văn Tám (Q.Tân Phú), Bình Trị 1 (Q.Bình Tân) với số lượng 70-80 lớp/trường. Các trường có số lớp cao đột biến này đều nằm ở khu vực dân nhập cư đông, tiến độ xây dựng trường lớp không theo kịp dẫn đến số lớp và sĩ số học sinh mỗi lớp cao hơn hẳn các trường tiểu học cùng địa bàn. |
5g45, cô Nguyễn Thị Ngôn, giám thị, đã phải có mặt ở trường để chuẩn bị cho một ngày làm việc vất vả. Kiểm tra lớp học xong, cô ra cổng đón HS, hướng dẫn phụ huynh đưa con tới lớp, sắp xếp chỗ thuận lợi để phụ huynh cho con ăn sáng. 6g45 trường đóng cổng nên phụ huynh đã tay xách nách mang đến trường từ rất sớm. Người xôi, người cháo đút cho con ăn rồi tất tả đi cho kịp giờ làm. Những phụ huynh có con lớp 1 thì bịn rịn đến tận hành lang.
7g, cô Ngôn gặp và bắt đầu bàn giao sổ theo dõi cho đội sao đỏ. Đội này có 130 em, gồm những HS khối 4 và khối 5, được tuyển chọn dựa trên tinh thần nhanh nhẹn và năng nổ. Các em chia thành bốn nhóm: trực cổng, trực sân, trực cầu thang và trực lớp. Bạn nào đi trễ, ăn quà vặt, xả rác, không bỏ áo trong quần, đánh nhau... đều được các em báo ngay cho cô giám thị và ghi vào sổ để trừ điểm thi đua của lớp đó.
Giờ ra chơi là một trận chiến thật sự, cô Ngôn đứng ở lối đi giữa sân trường, nơi có thể quan sát hầu hết các “ngóc ngách” mà HS lui tới. Tay cầm loa, cô nhắc nhở liên tục: “Các bạn ở dãy nhà A không đuổi nhau. Các bạn đang tập trung ở cầu thang giãn ra. Bạn nam ở gần phòng học lớp 1/20 chưa nhét áo vào quần. Lớp 5/27 chuẩn bị di chuyển về lớp...”. Hết giờ chơi, tất cả các lớp tập trung theo hàng, cô Ngôn hướng dẫn từng lớp về phòng học của mình theo thứ tự để tránh chen chúc, xô đẩy nhau. Các lớp phải đi cầu thang được bố trí đứng chờ. Lần lượt HS nắm tay nhau đi từng đôi lên cầu thang để tránh “kẹt cầu thang”. Phải mất gần 10 phút, HS mới yên vị trong lớp học của mình. HS đông, giờ ra chơi chạy nhảy, va đụng nhau, phòng y tế phải làm việc rất vất vả.
Chen chúc trong... an toàn
Tập hợp và di chuyển là khâu khó khăn nhất ở một ngôi trường mà nếu tất cả HS xuống sân thì không đủ chỗ đứng. Chỉ có một nửa số lớp được tập thể dục giữa giờ vào các ngày chẵn, các lớp còn lại vào các ngày lẻ. Tết, lễ chỉ có một nửa số HS được dự. Luân phiên theo từng năm học, mỗi HS chỉ được dự 2-3 lễ khai giảng trong suốt năm năm tiểu học của mình.
Nhìn cảnh HS chen chúc đông nghịt, không ai nghĩ rằng hoạt động giáo dục sẽ đảm bảo nếu ban giám hiệu không có cách sắp xếp các hoạt động thật khoa học. Ở Trường An Hội, sau nhiều năm sống cảnh chen chúc, những quy tắc, cách sắp xếp đã được ứng dụng nhuần nhuyễn để HS được chen chúc trong sự... an toàn.
Giờ ra về, để tránh ùn tắc, kẹt xe ở khu vực ngã tư Quang Trung - Phạm Văn Chiêu và tránh “đụng” HS Trường THCS Phạm Văn Chiêu nằm sát cạnh, mỗi khối lớp đều ra về cách nhau 15-30 phút. HS ra đến cổng rẽ thành hai hướng trái hoặc phải để được cha mẹ đón về. Phụ huynh nào thuận đường hướng nào thì chờ đón con ở hướng đó. Riêng phụ huynh lớp 1 được vào trường đón con. Giờ ra chơi, tất cả HS đều xuống sân và khi vào lớp thì sẽ theo thứ tự đã được sắp xếp sẵn để tránh “kẹt cầu thang”. Bảo mẫu, bảo vệ và sao đỏ được phân công đứng “chốt” ở đầu cầu thang để phát hiện kịp thời các tình huống.
Cô Huỳnh Thị Thủy Ngân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những khó khăn trong giảng dạy là khi lớp đông, bàn ghế quá sát, giáo viên khó tổ chức các hoạt động vừa chơi vừa học hay làm việc nhóm, đành phải tổ chức những hoạt động “không di chuyển”. Khâu an ninh, an toàn trường học cũng rất vất vả khi học trò quá đông. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, mọi thứ đã vào “guồng máy”. Vấn đề quan trọng hiện nay là giữ được đội ngũ để tiếp tục guồng máy này”.
“Vượt chuẩn” Trường tiểu học An Hội được xây mới năm 2002 với cơ ngơi và diện tích “chuẩn” (hơn 5.000m2). Trường ở phường 8 nhưng phải nhận HS của cả phường 8, 12, 14 và vùng lân cận vì thiếu trường. Hiện trường chỉ có 11/93 lớp được học hai buổi vì thiếu phòng. 11 lớp này mới chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu phụ huynh. Trong khi những ngôi trường nhỏ tại TP.HCM như Trần Quang Khải (Q.1), Điện Biên (Q.10), Lý Thái Tổ (Q.8) chỉ có số lượng HS toàn trường dao động 200-300 em thì Trường tiểu học An Hội, chỉ riêng số HS lớp 1 năm học 2013-2014 đã xấp xỉ 1.000 em. Khối lớp 5 có tới 27 lớp. Nhưng đây vẫn chưa phải là thời điểm đông nhất. Cách đây bốn năm, số lượng HS của trường là hơn 5.100 em với 103 lớp, đạt “kỷ lục” trường tiểu học đông nhất VN. Nếu so với con số “chuẩn” mà Bộ GD-ĐT đưa ra: trường có không quá 30 lớp và mỗi lớp không quá 35 HS thì Trường tiểu học An Hội đã “vượt chuẩn” với khoảng cách rất xa. Ông Đặng Thanh Tuấn, trưởng Phòng Giáo dục Gò Vấp, cho biết: “Dự kiến học kỳ II này Trường THCS Tân Sơn (phường 12) xây xong, một số học sinh Trường An Hội sẽ chuyển sang học nhờ tại trường mới này”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận