Thầy Trần Quang Nhiên, hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5, TP.HCM, kiểm tra bếp ăn của trường trong giờ chia phần cơm trưa cho học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đa số bạn đọc đều lo lắng và cho rằng với số tiền ấy thì rất khó có thể bảo đảm có bữa ăn đầy đủ chất, an toàn cho các em học sinh.
"Mang cơm nhà đi cho ổn. Mức 20.000 - 24.000 đồng quả thực quá thấp, sao đủ chi phí, lợi nhuận, công cho đơn vị cung cấp làm ra suất ăn đủ chất - lượng được giữa thành phố đắt đỏ này?", bạn đọc Toàn bày tỏ.
Trái ngược với anh Toàn, bạn đọc Đặng Hinh cho biết nhà có quán bán cơm ở quận 12 (TP.HCM) nên có thể khẳng định với một bữa ăn chi phí 20.000 đồng vẫn đủ.
Bởi theo anh Hinh, chi phí thực tế mua nguyên liệu chỉ hết khoảng 17.000 đồng và anh bán ra 25.000 đồng/suất cơm.
"Mà ở trường học, với số lượng học sinh nhiều hơn thì 20.000 đồng/suất ăn vẫn đảm bảo đủ chi phí để có bữa cơm đủ chất cho các cháu. Tuy nhiên cái cần giám sát là chất lượng thực phẩm khi mua tại các chợ đầu mối", anh Hinh viết thêm.
Nhằm đảm bảo cho các học sinh có bữa ăn đủ chất, an toàn, nhiều phụ huynh đề xuất cần tăng tiền ăn trưa cho các cháu chứ không nên ở mức quá thấp như hiện nay là 20.000 đồng.
Không đồng tình với đề xuất trên, bạn đọc Hoàng Thị Yên Bình bày tỏ: "Các vị phụ huynh khá giả xin đừng chỉ nghĩ đến khả năng của mình mà không nghĩ đến gia đình khác.
Tăng tiền bữa ăn từ 20.000 lên 40.000 đồng biết rằng không bằng một ly cà phê quý vị uống buổi sáng, thế nhưng đối với gia đình viên chức, công nhân viên, lương chỉ khoảng 4 - 7 triệu đồng/tháng thì là cả một "cuộc cách mạng" trong gia đình họ".
"Vì vậy, dù là bữa trưa cũng quan trọng nhưng "không phải là tất cả". Quý vị hãy chú trọng bữa ăn sáng và tối cho con mình. Ở cơ quan tôi có nhiều người nước ngoài, họ chỉ ăn một cái bánh nhỏ, hoặc 2, 3 trái chuối thay cho bữa trưa đó quý vị ạ!", bạn đọc Hoàng Thị Yên Bình viết.
Phản bác quan điểm của chị Hoàng Thị Yên Bình, bạn đọc Phụng cho rằng nếu gia đình có điều kiện khó khăn có thể xin hỗ trợ chứ bữa cơm 20.000 đồng tại thành phố lớn sao đủ chất.
"Trong khi đó học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn. Còn người nước ngoài, người lớn có rất nhiều lý do để họ ăn ít", bạn đọc Phụng nêu ý kiến.
Nhìn ở góc độ rộng hơn, bạn đọc Minh Tú viết: "Buồn vì thời cuộc, vì gánh nặng phải đau đầu chi li sao cho bữa ăn được đủ no.
Phải chi thầy chỉ cần lo dạy, trò chỉ cần lo học, còn cái ăn... chỉ cần để cha mẹ đau đầu thôi được rồi. Kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, giờ mỗi chuyện tăng một ít tiền cho bữa ăn của học sinh cũng khiến bao nhiêu nhà phải nháo nhào.
Thế nhưng thử hỏi tăng tiền lên có chắc chắn chất lượng bữa ăn cho các cháu sẽ tăng tương xứng? Thật sự cần những tấm lòng của những nhà bếp, thật sự cần tình thương là sự sẻ chia khó khăn.
Xin hãy cố gắng thêm một chút để cha mẹ có thể chỉ phải bỏ ra thêm một ít tiền nhưng con trẻ sẽ được no đủ. Các bạn sẽ hiểu ý tôi, vì đôi khi nhà bếp thật sự chưa có đủ tấm lòng trong việc lo bữa ăn cho các cháu.
Kinh tế khởi sắc thì không nói, nhưng hãy nghĩ giống như thời bom đạn, chúng ta hãy cùng giúp đỡ nhau. Lợi nhuận có thể ít hơn một chút cũng được, nhưng vì tương lai của cả xã hội, xin hãy sẻ chia để cùng lo cho con trẻ".
Bạn quan tâm và muốn chia sẻ thêm điều gì? Bạn có đồng quan điểm với các ý kiến trên?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... mời bạn gởi đến PHẢN HỒI TRONG NGÀY qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận