Năm 2017 trở thành biểu tượng của phong trào chống quấy rối, bạo hành tình dục trên toàn cầu. Tuy nhiên, so với phương Tây, phụ nữ Á Đông vẫn thiệt thòi hơn do bị trói buộc bởi những truyền thống và lễ giáo lạc hậu.
Ảnh tổng hợp những phụ nữ Trung Quốc can đảm đã lên tiếng tố quấy rối tình dục - Ảnh chụp màn hình SCMP
Cô Xu Yalu, 28 tuổi, bị quấy rối nơi công cộng bởi một người đàn ông lớn tuổi đến 3 lần trong suốt 4 năm cô sống và làm việc ở thành phố Thượng Hải. Cô đi tố cáo, cảnh sát lạnh lùng nói họ không giúp gì được.
"Cứ mỗi lần cảnh sát lại nói với tôi họ không thể bắt giam hung thủ vì người đàn ông đó đã lớn tuổi, hoặc với lý do ông ta không kiểm soát được hành vi" - cô Xu trả lời phỏng vấn báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.
Được truyền cảm hứng bởi phong trào #MeToo (nạn nhân tố cáo hành vi quấy rối tình dục), cô gái đăng một bài viết trên mạng xã hội WeChat ngày 27-11, kể chi tiết những lần cô bị người đàn ông quấy rối vào các năm 2013, 2014 và 2015.
Bài viết lan truyền nhanh chóng chỉ trong 2 ngày. Nó thu hút gần 1,2 triệu lượt đọc và gần 9.000 bình luận trước khi bị cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc xóa đi.
Tạp chí Time năm nay vinh danh phong trào #MeToo, bao gồm hàng triệu người dám lên tiếng tố nạn cưỡng hiếp và quấy rối - Ảnh: TIME
Xã hội thờ ơ
Chiến dịch #MeToo chống quấy rối tình dục khởi nguồn từ Mỹ và đã lan đến nhiều nước trên thế giới, trở thành động lực giúp nhiều phụ nữ mạnh dạn bước ra kể câu chuyện của họ. Tuy nhiên, khi đến Trung Quốc - một quốc gia với truyền thống lễ giáo Á Đông tiêu biểu, mọi thứ khác hẳn.
Thậm chí khi đủ can đảm vượt lên sự xấu hổ, phụ nữ Trung Quốc phải đối mặt với vô số rào cản: Cảnh sát thờ ơ, hệ thống pháp lý không được trang bị bảo vệ nạn nhân quấy rối tình dục, chính quyền kiểm duyệt thông tin, áp lực từ chính xã hội và người thân trong gia đình...
Khi phỏng vấn những phụ nữ là nạn nhân của nạn quấy rối, các nhà báo Trung Quốc tỏ ra sửng sốt vì một điểm chung: Bằng cách này hay cách khác, họ bị ép phải im lặng hoặc bị làm nhục vì dám lên tiếng.
Trong trường hợp của Xu Yalu, nhiều người đăng bình luận dưới bài viết của cô tố ngược rằng cô "tự đòi hỏi chuyện đó", trong khi một số khác hỏi "cô có mặc quần áo khêu gợi không?".
Khi cố gắng đọc lướt qua những bình luận xúc phạm, Xu phát hiện hơn 100 phụ nữ khác cũng bị quấy rối bởi cùng người đàn ông đó, với những trường hợp lâu nhất cách đây đến 2 thập niên và nạn nhân nhỏ nhất chỉ mới 14 tuổi.
Xu kể cô vẫn còn cảm thấy máu như đông cứng lại mỗi khi nhớ đến chuyện đã qua. Đó là lần thứ ba gã đàn ông quấy rối cô và cô quyết tâm dồn gã vào chân tường.
"Đó là ngày Chủ nhật 12-7-2015. Nhiều người qua đường hiếu kỳ tập trung lại, hầu hết là đàn ông trong độ tuổi 50. Họ bảo tôi hãy để người đàn ông đó đi, nên giữ truyền thống kính trọng người lớn tuổi và vị tha", Xu hồi tưởng lại.
Tôi hét vào mặt họ: Vậy nếu chuyện này xảy ra với con gái các vị, các vị có bỏ qua không? Đám đông bỗng lặng im như tờ"
Cô Xu Yalu, 28 tuổi, bị quấy rối nơi công cộng ở Trung Quốc
Người Mỹ xuống đường hưởng ứng phong trào #MeToo ở Hollywood hồi tháng 3-2017- ảnh: REUTERS
Hơn 80% nữ nhà báo là nạn nhân
Cô Huang Xueqin, 29 tuổi, từng là phóng viên của một tờ báo nhà nước. Cô nghỉ việc sau khi ông sếp cố cưỡng hiếp cô trong một căn phòng khách sạn.
Huang lên tiếng với câu chuyện của mình năm ngoái và là một trong những phụ nữ Trung Quốc đầu tiên hưởng ứng phong trào #MeToo năm nay.
Từ kinh nghiệm của mình, cô tiến hành thăm dò trong giới nhà báo nữ để tìm hiểu mức độ quấy rối trong ngành truyền thông ở Trung Quốc đại lục. Trong số hơn 250 người cô đã tiếp xúc, hơn 80% tiết lộ họ từng bị quấy rối tình dục.
Hầu hết nạn nhân chịu đựng trong im lặng, 3,3% nghỉ việc và có chưa tới 1% báo cảnh sát.
Tôi biết mình đã mở một cổng xả lũ. Nhà báo lẽ ra là những người hiểu biết và can đảm hơn người khác. Nếu họ không dám lên tiếng cho mình, vậy thì những phụ nữ còn lại ở đất nước này phải làm sao?"
Cưu nhà báo Huang Xueqin, 29 tuổi
Không chịu bó tay, cô Huang tự mình thành lập một nền tảng truyền thông xã hội gọi là Anti Sexual Harassment, trong đó hướng dẫn phụ nữ cách tự bảo vệ, thu thập bằng chứng và đối mặt với những kẻ quấy rối.
Biểu tình ở Hollywood chống quấy rối tình dục - Ảnh: REUTERS
Cô Liu Shanshan, 26 tuổi, có mọi lý do để cảm ơn mẹ mình - một bác sĩ - vì những bài học giáo dục giới tính sớm. Kinh nghiệm đó giúp cô thoát được một lần cưỡng hiếp năm 16 tuổi khi còn là một thực tập sinh cho một đài truyền hình ở Quảng Đông.
Liu kể ông giám đốc đài truyền hình, khi đó trong tình trạng xay xỉn, đã đẩy cô vào bức tường mạnh đến nỗi vai cô bị trật khớp và đòi quan hệ tình dục. "Tôi nhớ những gì mẹ dạy, nên tôi bóp mạnh ở chỗ đau nhất, mạnh và nhiều lần đến mức ông ta ngất xỉu" - cô gái nhớ lại.
Ngày hôm sau, cảnh sát xuất hiện ở nhà cô vì lý do ông giám đốc cáo buộc cô nhân viên tấn công ông ta.
"Họ dọa sẽ bỏ tù và yêu cầu tôi xin lỗi. Cảnh sát không thèm tin một lời tôi nói. Một người trong bọn họ còn nói tôi tự chuốc lấy vì đã ở lại chỗ làm vào giờ khuya muộn đó". - Liu, nay đã là một nhà tâm lý học, kể lại.
Phong trào #MeToo là một hiện tượng của năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Nạn nhân luôn là người có lỗi
Một cuộc khảo sát năm 2015 với sự tham gia của hơn 65.000 đàn ông và 62.000 phụ nữ Trung Quốc, thực hiện bởi trang Sina.com và Tạp chí For Him, phát hiện khoảng 66% đàn ông và 80% phụ nữ nói họ từng bị quấy rối tình dục.
Khoảng một nửa nạn nhân phụ nữ và 1/4 nạn nhân đàn ông cho biết họ không dám nói với ai về những gì xảy ra; chỉ 4% phụ nữ và 3% đàn ông là dám tố cáo với cảnh sát.
Ông Lu Xiaoquan - một luật sư chuyên về nữ quyền ở Bắc Kinh, giải thích rất khó để ngăn chặn và trừng phạt hành động quấy rối tình dục ở Trung Quốc, đơn giản vì không có luật nào quy định cụ thể vấn đề này.
Vì lý do đó, quấy rối nơi công sở chỉ bị coi là "tranh chấp", trong khi một người bị cưỡng bức nơi công cộng phải làm đơn đòi bồi thường chấn thương.
Việc thu thập bằng chứng cũng khó vì quấy rối thường xảy ra ở những nơi riêng tư"
Luật sư Lu Xiaoquan chuyên về nữ quyền ở Bắc Kinh
Ông Zhou Yun, nhà xã hội học tu nghiệp tại Đại học Harvard (Mỹ), nhận xét vấn đề nghiêm trọng của xã hội Trung Quốc là tư tưởng cổ hủ "nạn nhân có lỗi " vốn đã ăn sâu. Đa số trường hợp người ta sẽ cho rằng nạn nhân đã làm điều gì đó sai trái, khiêu khích hành vi quấy rối và cưỡng hiếp.
"Cứ sau mỗi vụ việc, chúng tôi lại thấy vô số lời khuyên, 'hướng dẫn an toàn' trên truyền thông và đôi khi cả cơ quan chính quyền. Đó chính là tâm lý 'đổ lỗi nạn nhân' - kiểu gì cô gái cũng làm gì đó sai, vì cô không đủ đoan trang và cẩn thận" - ông Zhou dẫn chứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận