Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam năm 2022 chủ yếu là xe du lịch, với 144.912 xe các loại, tăng 32,1% so với 2021. Indonesia và Thái Lan chia nhau vị trí đầu bảng số lượng với hơn 72.000 xe từ mỗi quốc gia. Ngoài ra, các dòng xe từ Trung Quốc cũng chiếm một lượng lớn.
Trên thị trường, nhiều dòng xuất xứ Indonesia có doanh số ấn tượng như Mitsubishi Xpander, Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta hay Suzuki XL7… Riêng mẫu Xpander có cả xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, người dùng dành nhiều thiện cảm hơn cho phiên bản nhập khẩu nguyên chiếc, với hơn 21.000 chiếc bán năm 2022.
Nhờ việc được ưu đãi về thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ năm 2018, các dòng xe nhập khẩu từ hai quốc gia Đông Nam Á trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam trong những năm qua. Đồng thời, số lượng và chủng loại xe cũng trở nên đa dạng hơn.
Năm 2022, Chính phủ ban hành nghị định 126 quy định biểu thuế suất ưu đãi đặc biệt hàng hóa nhập khẩu từ năm 2022 đến năm 2027 theo Hiệp định ATIGA. Theo đó, ô tô có xuất xứ từ các nước thành viên ASEAN sẽ được tiếp tục áp dụng thuế nhập khẩu mức 0% đến hết năm 2027. Cụ thể, ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu từ 11 nước thành viên nội khối ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ được miễn thuế nhập khẩu thêm năm năm nữa.
Để được miễn thuế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, ngoài việc đáp ứng tỉ lệ nội địa hóa, ô tô phải đáp ứng được các quy định về xuất xứ hàng hóa, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu D hoặc có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Dù ghi nhận số lượng xe nhập khẩu cao trong khoảng năm năm gần đây, thị trường ô tô năm 2022 không ít lần ghi nhận hiện tượng xe chênh giá, với lý do nguồn cung hạn chế. Trên thực tế, kể từ 2018, lượng ô tô nhập khẩu năm qua chỉ kém năm 2021.
Cùng sự tăng trưởng của ô tô nhập khẩu, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận doanh số kỷ lục với 509.141 chiếc bán ra năm 2022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận