TTCT - Ta đang sống trong một thời đại có nhiều thay đổi mạnh mẽ đến nỗi rất nhiều chuẩn mực đã tồn tại hàng trăm năm qua đều bị thách thức, kể cả các chuẩn mực trong đạo đức, trong cuộc sống, xã hội, cũng như trong nhiều hoạt động chuyên môn nghề nghiệp. Vấn đề của nhà trường, của tấm bằng ĐH và cả ông hiệu trưởng (HT) ĐH cũng vậy. Mặc dù vẫn còn là nơi có nhiệm vụ chủ yếu kiến tạo tri thức mới và đào luyện nhận thức cho thế hệ trẻ, trường ĐH ngày nay đang ngày càng đi xa mô hình truyền thống của nó. Áp lực đặt ra với các trường hiện nay là mở rộng gắn bó với sứ mệnh thứ ba: ứng dụng tri thức, chuyển giao công nghệ, kết nối với giới doanh nghiệp, với thế giới việc làm, cũng như trở thành trung tâm của đổi mới xã hội. Vì thế, trường ĐH ngày nay là một thực thể của nhiều bên liên quan, phản ánh tiếng nói và lợi ích khác nhau của các bên, ngày càng đa dạng hơn về mô hình tài chính, ngày càng ít dựa vào tài trợ từ nhà nước, và ngày càng giống một doanh nghiệp. Đặc điểm sau cùng này đã làm đảo lộn nhiều đòi hỏi và yêu cầu đối với vị trí lãnh đạo của trường ĐH. Lặn lội đường dài tới tự chủ Xác định thế nào là chuẩn mực của một HT tùy thuộc rất nhiều vào bản chất của trường ĐH trong một bối cảnh văn hóa, chính trị nhất định. Trong môi trường thuần túy hàn lâm, thường ở phương Tây, HT các trường ĐH truyền thống trước đây thường là những người đã có thành tích vững chắc trong chuyên môn - một yếu tố tạo ra uy tín. Những trải nghiệm cá nhân của họ trong việc đạt đến mức độ xuất sắc trong chuyên môn cũng rất có ích trong việc tạo điều kiện để người khác đạt được sự xuất sắc tương tự - một mục tiêu quan trọng của nhà trường. Tuy nhiên, hệ thống ĐH Việt Nam có nhiều điểm khác biệt. Nhiệm vụ quan trọng nhất của HT là dẫn dắt nhà trường đạt mục tiêu, hoàn thành sứ mạng của nó, vì thế ta thấy trong nhiều năm theo cơ chế tập trung bao cấp ở Việt Nam, tiêu chuẩn “phẩm chất chính trị vững vàng” của người HT được đặt lên hàng đầu. Và trong một hệ thống ĐH mà các trường có rất ít quyền tự chủ bởi nhất cử nhất động đều phải tuân theo những quy định và văn bản hướng dẫn của bộ thì nói rằng cả nước chỉ có mỗi một ông HT, tức là ông Bộ GD-ĐT, cũng chẳng quá. Với quyền tự chủ hạn hẹp như vậy, HT các trường ĐH Việt Nam trước đây rất ít thực hiện vai trò lãnh đạo (xác định mục tiêu) mà hầu như chỉ đóng vai trò quản lý (thực hiện mục tiêu) là chủ yếu. Vì thế, khả năng tuân thủ các quy định và kỷ luật được xem trọng hơn khả năng sáng tạo, đột phá, tìm kiếm cái mới hay con đường mới. Những chuẩn mực đó thích hợp cho việc duy trì ổn định một hiện trạng, nhưng không thích hợp với một môi trường đang biến đổi. Thời của sự đa dạng Quyền tự chủ của hệ thống ĐH Việt Nam đã và đang được mở rộng đáng kể, trong sự đa dạng ngày càng rõ. Sự đa dạng đó đáng khích lệ, và vì có nhu cầu, nền tảng và mục tiêu khác nhau, nên các trường cần tìm kiếm những người lãnh đạo với các tố chất lãnh đạo thích hợp nhất cho việc đạt được mục tiêu riêng của mình. Với các trường tư, mục tiêu sống còn là thu hút được nhiều người học, sử dụng nguồn lực tốt nhất. Vì thế người HT mà họ tìm kiếm phải là người có khả năng tạo ra niềm tin cho người học, nuôi hi vọng và truyền cảm hứng. Người đó phải am hiểu bối cảnh trong và ngoài nhà trường để xác lập những mục tiêu đúng đắn, tìm ra con đường thực hiện những mục tiêu đó. Họ cũng cần am hiểu việc sử dụng các công cụ tài chính, có khả năng xử lý mâu thuẫn hay xung đột và khủng hoảng nội bộ; biết cách xây dựng quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan, chủ yếu như cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, giới truyền thông, giới doanh nghiệp, cựu sinh viên... Về phẩm chất, vì HT là người phải ra những quyết định quan trọng, người ta mong đợi họ phải là người hành động vì lợi ích của nhà trường, thay vì ra quyết định dựa trên cân nhắc được mất cá nhân. Tất cả những “tiêu chuẩn” sống còn đó không được tính tới trong điều 20 của Luật giáo dục ĐH 2012 quy định về tiêu chuẩn của HT: “(a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 05 năm; (b) Có trình độ tiến sĩ đối với HT trường ĐH, giám đốc học viện, ĐH; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với HT trường cao đẳng; và (c) Có sức khỏe tốt. Độ tuổi khi bổ nhiệm HT cơ sở giáo dục ĐH công lập bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ HT”. Với trường tư, độ tuổi này là không quá 75 (nam) hoặc 70 (nữ). Một người đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn nêu trong điều 20 rất có thể là người không hề có những tiêu chuẩn mà thực tế đòi hỏi. Và ngược lại. Quyền lựa chọn lãnh đạo là một trong những nội dung tự chủ quan trọng nhất của trường ĐH. Cho đến nay, bổ nhiệm HT trường công vẫn là thẩm quyền của cơ quan chủ quản (Bộ GD-ĐT, hoặc các bộ ngành khác hoặc UBND tỉnh). Bổ nhiệm HT trường tư thì do UBND tỉnh/thành phố ra quyết định công nhận dựa trên đề xuất của hội đồng quản trị trường. Nói cho công bằng, những tiêu chuẩn đối với chức danh HT mà bộ ban hành là nhằm đáp ứng đòi hỏi của xã hội về tăng cường quản lý nhà nước với chất lượng ĐH, tránh trường hợp các trường trở thành một cỗ máy bán bằng, với những người lãnh đạo hoàn toàn không am hiểu gì về hoạt động ĐH. Nếu nghĩ đấy là việc của các trường, hay dở họ tự gánh chịu hậu quả thì chưa đúng, vì người gánh chịu hậu quả thực sự là người học, và nói rộng ra là xã hội, nếu trường ĐH trở thành một cỗ máy bán bằng. Nhưng việc quy định những tiêu chuẩn cứng sẽ khiến không đáp ứng được sự đa dạng của các trường, nhu cầu đa dạng của xã hội, cũng sẽ không kịp thay đổi so với những biến đổi đang diễn ra. Đừng quên một xu hướng mới trên thế giới là HT xuất thân từ giới doanh nghiệp, không có kinh nghiệm hàn lâm trước đó. Và những trường ĐH đang khó khăn, hoặc ở thời điểm cần tạo ra những thay đổi đột phá sẽ cần đến một tư duy lãnh đạo hoàn toàn mới. Vì thế, việc trao quyền tự quyết cho các trường trong việc lựa chọn lãnh đạo phải được nhìn trong bối cảnh chung của tự chủ và sự phát triển trách nhiệm giải trình. Minh bạch, công khai quá trình lựa chọn HT, khích lệ sự tham gia của nhiều bên khác nhau trong và ngoài trường, kể cả tham vấn chuyên gia, là những phương tiện giúp cho quá trình lựa chọn lãnh đạo các trường được thực hiện tốt nhất. ■ Tags: Giáo dục đại họcBổ nhiệm hiệu trưởngBổ nhiệmTấm bằngSứ mệnh đại họcLựa chọn lãnh đạo
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.