Nơi bình yên này có diện tích 2000 m2 chia thành nhiều khu khác nhau theo giống chó, giới tính, trọng lượng, tính cách.
Các chú cún đến đây từ nhiều môi trường sống và lý do khác nhau như tham gia khóa học, vui chơi với bạn bè vài ngày dịp cuối tuần, lưu trú khi phụ huynh đi vắng nhà dài ngày, chữa trị tâm lý cho cún bị stress…
Khu vui chơi cho cún cưng ở đô thị
Là trung tâm huấn luyện và chăm sóc cún cưng, Dog Uni được xây dựng bằng cả tâm huyết của đôi vợ chồng trẻ Anh Huy (32 tuổi) - Thùy Linh (29 tuổi) tại Q.12.
Những ngày cuối tuần không khí ở đây khá vui vẻ và nhộn nhịp. Mấy chục chú cún tuy mải nô đùa, chạy nhảy trong sân nhưng vẫn không quên hóng tai về phía cổng lớn.
Chỉ cần nghe tiếng xe dừng lại hoặc loáng thoáng bóng người là tất cả như đua hết tốc lực ra đón khách. Có khi là cả gia đình cùng đến để thăm chú cún đang được huấn luyện, chăm sóc tại trung tâm. Cũng có lúc là phụ huynh đến để tổ chức sinh nhật hoặc dự lễ tốt nghiệp của chú cún cưng nhà mình.
Sinh nhật của những chú cún cưng luôn đầy đủ bánh kem, kẹo bánh, yaourt, xúc xích. Trong khi đó, lễ tốt nghiệp sẽ có trao bằng ghi tên chú cún vừa hoàn thành khóa học. Đương nhiên trong những buổi lễ như vậy nhất định phải có phụ huynh và chụp hình kỷ niệm.
Cũng theo Anh Huy, thú cưng ở đô thị thường chịu nhiều ức chế, thiệt thòi khi quanh năm suốt tháng bị tù túng trong những căn nhà phố, các chung cư cao tầng. Như trường hợp chú chó con tên là Gấu đang được gửi dài hạn tại đây.
Gấu khá tròn trĩnh, bước đi khập khễnh do được cho ăn quá mức lại ít vận động trong thời gian dài nên giờ gần như mất đi thính giác lẫn khứu giác. Nói khác hơn, cùng một giống nhưng chó sống ở thành thị thường mất đi các kỹ năng vốn có và có xu hướng hiếu chiến, dữ tợn hơn chó ở nông thôn. Thiếu không gian vận động, chó dễ bị stress, trầm cảm.
Đó là chưa kể có người nuôi dạy không đúng cách, khuyến khích cái sai hoặc lấy việc đánh đập, hành hạ làm trò vui khiến những chú chó từ hiền lành trở nên hung hãn, bướng bỉnh, dễ cắn xé.
Chị Thùy Linh chia sẻ: "Nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra ngoài xã hội là do người nuôi thiếu kiến thức đối với giống chó mình đang nuôi dưỡng. Bởi có những giống chó sát thủ, chuyên để đi săn hoặc chiến đấu thì khó có thể thuần dưỡng và chăm sóc như thú cưng được".
Đi học để thành cún ngoan
"Điều kiện tiên quyết để được nhận vào trung tâm là cún phải có giấy chứng nhận đã tiêm ngừa đầy đủ.
Trước đó, khách hàng và nhân viên trung tâm đã có những buổi trao đổi, thảo luận nhằm thống nhất về thời gian, mục tiêu huấn luyện cũng như cung cấp các thông tin cần thiết về sở thích, thói quen của chú chó được gửi đến trung tâm", Anh Huy nói.
Tùy theo độ tuổi, giống chó mà thời gian kết nối với người huấn luyện khác nhau. Chú cún càng nhỏ thì thời gian làm quen môi trường mới nhanh hơn.
Qua độ tuổi 8 - 10 tháng, tính cách của chó gần như đã phát triển hoàn chỉnh nên càng khó kết nối với người lạ, có khi phải kéo dài 2 - 3 tuần, thậm chí là cả tháng.
Sáng sớm có giờ đi vệ sinh trước khi các chú cún được cho ăn. Mỗi ngày hai lần vào lúc mát trời, từng nhóm nhỏ cún được dẫn đi dạo dọc bờ sông.
Từ thứ hai đến thứ sáu đều có những buổi huấn luyện. Thứ sáu cũng là ngày các chú cún cưng được tắm sấy, chăm sóc lông. Hai ngày cuối tuần, các chú cún được tự do vui chơi hoặc đón phụ huynh đến thăm.
Thức ăn được phân thành nhiều bữa trong ngày. Ở lứa 3 - 4 tháng tuổi, mỗi ngày các chú cún cưng sẽ được ăn 3 - 4 lần do độ tuổi này các bé cún cần nhiều dinh dưỡng để phát triển. Từ 1 tuổi trở lên, các chú cún cưng được cho ăn hai lần trong ngày.
Trong khóa học, các chú cún được huấn luyện các bài học cơ bản gồm đi vệ sinh đúng giờ; không ăn thức ăn lạ, thức ăn rơi vãi; các động tác kỷ luật cơ bản: đứng, đi, nằm, ngồi, bò, chào, bắt tay, lăn qua lăn lại… theo hiệu lệnh; huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ chủ, bảo vệ tài sản, luôn đi bên cạnh chủ; huấn luyện chó kêu, sủa theo hiệu lệnh; đặc biệt là huấn luyện chó trầm cảm khỏi các dấu hiệu trầm cảm như sủa nhiều, cắn phá, hung dữ với người lạ…; huấn luyện chó biết ngồi xe máy; huấn luyện một chú chó tăng động trở nên ngoan ngoãn, một chú chó hiền trở nên linh hoạt năng động…
Thùy Linh cho biết: "Từng chú cún có những đặc tính rất đáng yêu như nũng nịu, thích chụp hình, dễ làm quen, hay làm trò hoặc thích thể hiện khi có khách đến thăm. Phần lớn những chú chó khi mới đến thường nhút nhát, sợ sệt trước môi trường mới lạ, rộng lớn. Qua thời gian tiếp xúc, quen dần với huấn luyện viên sẽ giúp chó tự tin, hòa nhập hơn.
Trung tâm có riêng bộ phận phụ trách kết nối với phụ huynh thông qua việc cung cấp thông tin sức khỏe, hình ảnh hoạt động mỗi ngày của các chú chó để họ được yên tâm dù đang ở bất cứ nơi đâu".
Hằng tháng, các bé cún được trường đưa về thăm nhà trong 3 ngày để gia chủ kiểm tra, đánh giá chất lượng huấn luyện.
"Mục tiêu mà chúng mình đang nỗ lực hướng tới là phát triển thành hệ thống cung cấp dịch vụ thiết thực từ nuôi dạy cún, chăm sóc trông giữ đến các sản phẩm cần thiết nhất cho việc nuôi dạy tốt các bé cún ở đô thị cũng như các gia đình yêu cún. Biến nơi này thành ngôi nhà thứ hai, một khu vui chơi thật sự cho các bạn cún", Anh Huy nhấn mạnh.
"Kiên nhẫn là điều khá quan trọng trong quá trình huấn luyện. Nếu người nuôi nóng tính, chửi rủa, đánh đập sẽ làm những chú chó sợ hãi dẫn tới không tiếp thu được. Mệnh lệnh phải ngắn gọn, rõ ràng, cương quyết, có uy lực để bắt buộc chó làm theo, không được bỏ qua nhằm tạo kỷ luật. Giữa các lệnh phải có thời gian nghỉ (tối thiểu là 30 giây) để chó kịp nghe và làm theo.
Anh Hiệu (huấn luyện viên cún)
"Các bé cún ở lứa tổi từ 6 - 12 tháng là dễ dạy nhất. Những tuổi khác hoàn toàn có thể dạy được, song mức độ tiếp thu sẽ chậm hơn. Tùy tính nết từng chú cún con mà có phương pháp huấn luyện khác nhau. Nếu cún hiền và nhát thì nên vuốt ve, động viên, khuyến khích. Ngược lại gặp những chú cún bướng bỉnh thì cần những biện pháp khác.
Trọng Trấn (huấn luyện viên cún)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận