Đã gắn bó với bệnh nhân thận nhân tạo suốt 18 năm qua, điều dưỡng Vũ Thị Hảo đã quen với lịch ăn Tết một ngày của Trung tâm thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai. Mùng 2 Tết sẽ là ngày làm việc đầu tiên của chị trong năm mới.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay hiện trung tâm đang lọc máu, chạy thận cho 350 bệnh nhân. Trong đó có khoảng 200 bệnh nhân ở các tỉnh xung quanh Hà Nội, rất nhiều bệnh nhân gắn bó với khoa 10 - 20 năm.

"Người chạy thận lâu năm nhất là 29 năm, quê ở Bắc Giang. Bệnh nhân đã chạy thận là gắn bó với máy móc ấy suốt đời. Mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, hầu hết họ rất khó khăn", bác sĩ Dũng nói.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, phó giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về việc sắp xếp lịch trực

Nằm trên giường bệnh với chằng chịt những kim truyền, bà Nguyễn Thị Luân (60 tuổi, quê Bắc Ninh) đã có 15 năm chạy thận tại Trung tâm Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai.

Nhìn thoáng qua, cánh tay lấy ven truyền của bà Luân đã chai sưng thành cục, đó cũng là điểm "nhận diện" của những bệnh nhân phải chạy thận thường xuyên.

Mắc bệnh suy thận mãn tính, bà Luân lên Hà Nội thuê trọ cùng cô con gái để tiện cho việc điều trị. "Con gái đi làm rồi, còn công việc của tôi là đi chạy thận. Một tuần ba buổi, không bỏ ngày nào, dù nắng mưa hay rét mướt cũng phải đến viện. Đôi khi cũng muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ nhiều người còn bệnh nặng hơn mình, họ vẫn chiến đấu với bệnh tật, mình lại cố gắng", bà Luân nói.

Năm nay, đợt chạy thận cuối cùng của bà Luân vào đêm 29 Tết, bà và con gái dự định sáng 30 Tết sẽ về quê ăn Tết. "Năm nào cũng chỉ được về mùng 1 Tết, mùng 2 Tết phải trở lại bệnh viện để chạy thận. Nhưng năm nay tôi đang liên hệ với bệnh viện tỉnh cách nhà 20km để được chạy ở quê, được ở lại nhà thêm 1-2 ngày. Tết mà, ai chẳng muốn vui vầy bên gia đình, con cháu", bà Luân ngậm ngùi.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 3.

Chị Ly (30 tuổi) vui mừng khi sắp được về quê đón Tết cùng gia đình

Nằm gần đó, chị Ly (30 tuổi, quê Nghệ An) cũng đang gọi điện về cho người thân báo tin sáng 30 sẽ đón xe khách về quê ăn Tết. Đã hai năm nay chị Ly không được đón Tết cùng gia đình do dịch COVID-19.

Bác sĩ Dũng đến cạnh giường bệnh hỏi han: "Dạo này khỏe hơn không Ly, ráng nhé, sắp được về ăn Tết rồi".

"Dạ, sáng 30 cháu về ạ", chị Ly cười đáp.

Bác sĩ Dũng cho hay chị Ly là bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý kèm theo suy thận mãn tính. Cô gái 30 tuổi chỉ nặng vỏn vẹn 30kg, ai cũng ngỡ cô là bệnh nhi, trông vóc người chỉ như học sinh cấp 2.

"Mình chạy thận được gần 10 năm nay rồi, nhà xa nên phải thuê trọ ở Lê Thanh Nghị để đến viện điều trị. Ban đầu cũng buồn lắm, sức khỏe yếu chẳng thể làm được gì nên hầu hết chi phí sinh hoạt, chữa bệnh đều do bố mẹ chu cấp. Thế nhưng, hai năm nay mình tìm được công việc tại xưởng làm đồ thủ công, lúc nào khỏe thì mình đi làm, vừa thêm thu nhập vừa đỡ buồn hơn.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 4.

Mỗi tháng thu nhập được hơn 1 triệu đồng, Tết này có cả lương tháng 13 nữa, số tiền ít ỏi nhưng cũng có thêm tiền trang trải, mua quà Tết cho bố mẹ", chị Ly cười nói.

Ngồi thất thần nhìn cô con gái nhỏ đang ngủ thiếp đi vì mệt, chị Nguyễn Thị Uyên (quê tỉnh Nam Định) chẳng còn tâm trí nào nghĩ đến Tết. Chị Uyên cho hay con gái chị mới chuyển qua chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai hơn 4 tháng qua. Bé Đào Yến Nhi mới 10 tuổi nhưng đã có 8 năm gắn liền với giường bệnh. Do lịch chạy thận một tuần ba lần nên Nhi không thể đi học như bạn bè đồng trang lứa.

"Hai mẹ con thuê trọ ở Hà Nội 8 năm nay. Gần Tết cũng mong ngóng con khỏe hơn để về quê ăn Tết nhưng sức khỏe của bé mấy hôm nay yếu hơn nên tôi lo lắm. Chắc năm nay sẽ không về, ở lại đây để nếu con có vấn đề gì các bác sĩ còn xử lý kịp", chị Uyên buồn nói.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 5.

Bệnh nhân chạy thận tại Trung tâm Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 6.
Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 7.
Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 8.

Nhắc đến việc sắp xếp lịch nghỉ Tết năm nay, bác sĩ Dũng chỉ lên tấm bảng hồ hởi: "May là năm nay mùng 1 Tết đúng vào ngày chủ nhật. Vì vậy bệnh nhân được nghỉ, không phải đẩy ca sớm, chạy bù như các năm trước".

Bác sĩ Dũng cho hay bệnh nhân chạy thận nhân tạo tuân thủ lịch một cách đều đặn. Một tuần, họ vào trung tâm ba lần để chạy thận (thứ ba, năm, bảy hoặc hai, tư, sáu), việc chạy thận được chia theo từng ca. Vì để bệnh nhân không phải bỏ ngày lọc máu nào, có năm y bác sĩ phải làm việc cả mùng 1 Tết. Năm nay, ca chạy thận cuối năm sẽ kết thúc vào trưa ngày 30, y bác sĩ có... một ngày rưỡi để ăn Tết.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 9.

"Và ngày mùng 2 Tết sẽ là ngày làm việc bình thường đầu tiên của chúng tôi trong năm mới" - bác sĩ Dũng chia sẻ.

Năm nay, để người bệnh được về quê ăn Tết sớm, trung tâm sắp xếp lịch chạy thận cho bệnh nhân linh động: Ngày 29 Tết chạy 3 ca từ 6h30 - 20h tối. Ngày 30, ca chạy thận bắt đầu từ 9h - 12h30 sẽ kết thúc công việc (bình thường 20h tối mới kết thúc công việc).

Tất cả bệnh nhân đều có khoảng thời gian chiều 30 Tết về quê và đón ngày mùng 1 cùng gia đình.

"Như vậy, người bệnh được ăn Tết và không bị bỏ ca chạy thận nào. Vào ngày mùng 2 Tết, công việc tiếp tục được bắt đầu từ 6h30 sáng. Trong khoảng thời gian đó, trung tâm vẫn bố trí ca trực cấp cứu những trường hợp bệnh nhân phù phổi cấp, lọc máu đột xuất…", bác sĩ Dũng nói.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 10.

Điều dưỡng Vũ Thị Hảo nở nụ cười tươi khi nói về lịch nghỉ Tết “một ngày” của mình

Điều dưỡng Vũ Thị Hảo - Trung tâm Thận tiết niệu - lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai - đã có 18 năm gắn bó với những bệnh nhân chạy thận. Khi được hỏi về lịch nghỉ Tết năm nay, chị Hảo cười nói: "Mấy năm đầu đi làm, gia đình cũng hỏi câu đấy. Nhưng bây giờ không hỏi câu đó nữa, bởi ở đây năm nào cũng vậy, chỉ được nghỉ một ngày Tết trọn vẹn thôi, mọi người quen rồi".

Chị Hảo cho hay lịch làm việc của đơn nguyên thận nhân tạo tại bệnh viện gồm hai ca trực.

"Ca trực cuối cùng của tôi năm nay là sáng 30 Tết, sau đó mùng 2 Tết sẽ chuyển ca làm ca sáng từ 6h30. Do không được nghỉ ngày nào trọn vẹn, nên mọi người ở đây đều tranh thủ sắm Tết từ sớm, mỗi ngày một chút", chị Hảo cho hay.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 11.

Có hai con nhỏ, chị Hảo đôi khi cũng chạnh lòng khi chẳng thể đưa con đi sắm Tết. "Đôi khi con cái cũng buồn, cũng hỏi mẹ lại không được nghỉ Tết à? Mẹ lại không đưa con đi chơi Tết à? Rồi lịch nghỉ Tết là mùng 1 nên thường sẽ không đi chúc Tết được người thân.

Cũng buồn chứ nhưng biết làm sao được. Mình nghỉ thì bệnh nhân cũng phải nghỉ, mà bệnh nhân không thể nghỉ được. Mình sống với họ cả đời mà...", chị Hảo nói.

Ở nơi chỉ ‘ăn Tết’ một ngày - Ảnh 12.
DƯƠNG LIỄU - NAM TRẦN
NAM TRẦN
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0