16/09/2013 09:05 GMT+7

Ở nơi ai cũng có... 2 nhà

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Mỗi năm, người dân sống ven biển ở đây phải dời nhà hai lần. Khi mùa gió tây nam về, họ dời qua bãi Dong tránh sóng. Đến cuối tháng này, bên kia gió thổi mạnh thì lại dời về bãi Ngự”.

4A1IvH3H.jpgPhóng to
Những ngôi nhà tuềnh toàng, tạm bợ nép mình dưới những gành đá ở Hòn Chuối, Cà Mau - Ảnh: My Lăng

Một sĩ quan hải quân trên đảo Thổ Chu (Kiên Giang) giải thích như vậy về những ngôi nhà sát biển vắng hoe, trống rỗng. Cả một vạt cát trải dài dọc biển chỉ thấy thấp thoáng hai người đàn ông, một đang túm hai con ngỗng đi từ dưới bãi cát lên, một đang lúi húi nhặt nhạnh thứ gì đó.

Thuê nhà theo... mùa

Trong căn nhà quay mặt vào đảo, hai người đàn ông đang lui cui đục đẽo, cưa cắt. Đó là những người thợ mà bác sĩ Phạm Thành Công (trạm xá Thổ Chu) mướn sửa nhà để chuẩn bị đưa vợ con qua đây ở. Căn nhà này anh thuê lại của cảng cá. “Vợ chồng tui ra đây bốn năm nhưng chưa mua nhà, bốn năm nay vẫn ở nhà thuê di động theo bà con. Bà con đi đâu mình theo đấy khám chữa bệnh. Dụng cụ y tế, thuốc men rồi cả bác sĩ, y tá cũng dời theo. Ở đây mướn theo mùa chớ không theo tháng như trong bờ. Căn này tui thuê 11 triệu đồng một mùa (tám tháng). Bên kia thì rẻ hơn, 7 triệu đồng một mùa bốn tháng” - anh Công cho biết.

Ở đây một năm, trừ những người có nhà xây kiên cố xa biển, những người sống ven biển phải dời nhà hai lần. Khi gió đông bắc về, từ tháng 10, ghe thuyền chạy về hết bên bãi Ngự, cách bãi Dong chừng 7-8km. Những người sống nhờ ghe thuyền cũng phải dời từ bên kia (bãi Dong) qua bãi Ngự sầm uất nhất đảo này ở đến cuối tháng 4. Khi gió tây nam nổi lên, bà con lại dời nhà sang bãi Dong ở từ tháng 5 đến cuối tháng 9. Những người dời nhà chủ yếu là dân chài lưới, làm cá, làm mực thuê, chạy đò và những gia đình bán tạp hóa, đồ ăn cho dân chài lưới.

Ẵm cậu con trai 10 tháng tuổi bụ bẫm trên tay, chị Thái Bích Như (30 tuổi) cho biết: “Hồi mang thai thằng nhỏ này bốn tháng, vợ chồng tui dời nhà qua đây. Gần sanh về bờ. Hồi nó 4 tháng tuổi lại chuyển về đây. Giờ nó 10 tháng tuổi lại sắp dời qua bển. Dời nhà mà con nhỏ, cực lắm. Tội nó nữa”. Khi chuyển nhà qua đây, căn nhà riêng sát biển bên bãi Ngự, vợ chồng chị Như cho một người bán nước ở nhờ. “Người ta nghèo, cho thuê cũng được nhưng thấy tội nghiệp nên vợ chồng tui cho ở nhờ thôi hà. Ở bên này điện nước cái gì cũng mắc, chi phí đắt đỏ hơn bển. Điện 35.000 đồng/kWh, bên bển chỉ 7.000 đồng/kWh” - chị Như vừa làm món bánh mì thịt nướng cho khách vừa nói. Qua đây, chị bán cơm trưa, bán đồ ăn sáng cho những người đi làm mực, làm cá, dân chạy đò và cả ngư dân. Chồng chị Như chạy đò, mỗi ngày kiếm được 200.000-300.000 đồng.

Mỗi lần dời nhà qua đây, chị Lê Thị Xíu (39 tuổi) phải thuê xe ôm hằng ngày chở cô con gái lớn Kim Giàng đang học lớp 7 buổi sáng và bé Yến Nhi học lớp 1 buổi chiều. Mỗi lần đưa đón, một xe chở bốn đứa trẻ, đứa lớn 15.000 đồng, đứa nhỏ 10.000 đồng. “Cô sắp nhỏ ở bãi Ngự nói để hai đứa nhỏ lại giữ giùm nhưng tui không chịu. Tối tối rảnh còn kèm con học chớ bỏ ở bển tuy gần trường, đỡ cực cho tụi nhỏ nhưng không an tâm. Qua bên này cũng lo lắm. Mỗi lần giao con cho người ta chở đi học, đường đèo dốc cao ngút trời ở nhà cũng không yên. Thấy con học về mới hết lo” - chị Xíu tâm sự.

7soLIpcb.jpgPhóng to
Một người thợ sửa nhà xem lại cánh cửa nhà của bác sĩ Phạm Thành Công để chuẩn bị dời nhà về bãi Ngự (đảo Thổ Chu, Kiên Giang)- Ảnh: My Lăng

Gành Nam, gành Chướng

“Tụi tui hay đùa dân ở hòn mình giàu nhất thế giới. Ai cũng có hai nhà. Sóng đánh đâu, gió thổi hướng nào, dân chạy qua gành còn lại” - ông Lê Văn Phương, một người dân trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau), cười ha hả nói. Hòn Chuối cách đất liền 17 hải lý (khoảng 31km đường biển). Một năm, các hộ dân phải dời nhà theo mùa. Mùa nắng dời nhà về phía đông đảo (gành Chướng). Mùa mưa thì dời nhà về phía tây đảo (gành Nam). Khi chúng tôi đến, người dân sống bám theo vách đá trên gành Chướng đang rục rịch chuẩn bị dời qua nhà bên gành Nam.

“Mấy người đàn ông đang làm nhà ở bên gành Nam, xong là dọn đồ qua liền. Cuối tháng 9 này nhà tui cũng dời qua đó. Thằng con trai tui đang cất nhà ở bển” - tổ trưởng tổ dân cư tự quản Lê Văn Phương (54 tuổi) cho hay. Mỗi lần dời nhà, vợ chồng ông Phương lấy ghe chạy vào Cà Mau mua cột, vải bạt, dây kẽm... đi hai chuyến là đủ vật liệu dựng nhà. “Nhà nào không có xuồng, không có ghe phải thuê ghe trong bờ chở ra mắc lắm. Nhà tui có ghe chạy vậy chớ mỗi lần dời nhà cũng mất ngoài 10 triệu đồng đó” - ông Phương nói.

Căn nhà lộng gió nhìn ra biển của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoàng Hậu (36 tuổi) và anh Kim Ngọc Thọ (40 tuổi) hôm nay chỉ còn chị Hậu ở nhà. “Ảnh qua bển làm nhà rồi. Anh rể tui ra bốn bữa nay phụ làm nhà. Cuối tháng này tui dời qua bển. Nhà nào không có điều kiện thì dỡ cột, rút ván mang đi hết. Nhà tui để nguyên căn ở đây, chừng nào làm xong nhà thì rút ván, còn lại cái sườn nhà trống rỗng, sập cửa xuống không để sóng đánh trôi, gió thổi bay. Đồ đạc chở mấy chuyến ghe mới hết. Cực nhất là dời cả chục thùng phuy nước. Mỗi lần chuyển mất 4-5 ngày. Mất sức khỏe, mất thời gian, tốn tiền bạc. Nắng nôi, tụi con nít bị sốt, khóc quá chừng. Hòn thì nhỏ, không có bãi cát. Để tụi nhỏ loanh quanh trên gành cũng lo lắm. Lần nào dời nhà mấy anh biên phòng và hải quân cũng xuống phụ dân dọn nhà. Bữa nào biển động không đi xuồng được, mấy ông đàn ông khiêng đồ leo qua đồi rồi bò xuống bên kia dốc tới gành. Tội bộ đội lắm. Trời nắng nôi, phụ dân cả ngày leo qua leo lại đồi dốc cực vậy chớ không chịu ăn cơm, lội bộ lên trạm ăn rồi lại xuống gành giúp dân” - chị Hậu vừa bóp mớ rau muống làm nộm vừa nói. Đó là lần hiếm hoi chị mua được bó rau muống ghe chở từ bờ ra. “Có khi ra tới nơi rau héo queo hết rồi. Có tiền cũng không mua được nhiều, phải chia ra mỗi người một chút. Bó rau muống cũng phải chia nửa chớ chủ ghe không bán hết cho một nhà” - chị Hậu bảo.

Ở đây chỉ có cá là sẵn, còn cái gì cũng thiếu. Rau củ quả mùa nắng không trồng được vì không có nước tưới. Nước sinh hoạt, ăn uống còn không đủ. Qua tháng 2, tháng 3 đã hết nước dự trữ, phải xuống biển tắm rồi lên tráng nước ngọt lại. Cả hòn có chừng 6-7 cái máy phát điện, mấy hộ xài chung một cái. Mà máy phát điện chỉ chạy buổi tối vì “ăn” dầu dữ quá. Ốm đau, dân chỉ biết trông chờ vào quân y của hải quân và đồn biên phòng. Bệnh nặng thì đưa vào bờ. Ai gần sinh còn 1-2 tháng cũng vào bờ. Thương dân nghèo dưới gành, từ năm 1995 đồn biên phòng đã mở lớp tình thương, vận động bà con cho trẻ đi học. Con nít ở đây lên 7-8 tuổi biết đọc, biết viết là được ba mẹ gửi vào bờ cho người thân trông coi, cho đi học tiếp. “Không ai muốn xa con nhưng sợ con dốt chữ nên phải gửi vào bờ, có điều kiện hơn. Vậy chớ có mấy đứa học ở đây đậu đại học rồi đó, Đại học Ngân hàng, Đại học Ngoại thương đàng hoàng nha” - ông Phương rổn rảng nói, không giấu được niềm tự hào của người dân ở gành trong ánh mắt và giọng nói.

Dân và quân như người một nhà

Tết. Cả hòn tập trung ra cảng quét dọn. 29, 30 tết, dân gọi nhau tập trung trước cảng liên hoan tới khuya rồi ngủ luôn ở cảng. Bánh chưng gửi ghe đưa từ bờ ra. “25 tết dân trên hòn vào trỏng mua vịt, gà, gạo nếp, heo... ra đây mần bán cho bà con để ngày 30 rước ông bà. Qua giao thừa bộ đội mời mình lên hái hoa dân chủ, đón năm mới, xong rồi dân mời mấy ảnh xuống” - ông Phương khề khà kể chuyện.

Ông nói tiếp: “Dân ở đây rất gắn bó với hải quân. Mỗi lần dời nhà, bộ đội xuống giúp 5-10 ngày để bà con sớm ổn định. Dân bệnh, nửa đêm quân y cũng lọ mọ xuống ngay, mang thuốc, các dụng cụ y tế xuống. Bộ đội không cho dân lên vì đường đi lên rất khó khăn, nguy hiểm. Quân y tới tận nhà truyền nước, tiêm. Dân gửi tiền nhất quyết không lấy. Vậy nên dân thương dữ lắm. Có khách đến mấy chị em phụ nữ leo lên đồi phụ bộ đội nấu cơm, rửa chén”.

“Hải quân và dân như người một nhà, chia sẻ nhau từ chén cơm, manh áo - ông Kim Ngọc Lý, ở đây từ năm 1972, tâm sự - Dân còn khó khăn nhiều nhưng thương bộ đội lắm. Con cá kiếm được cũng mang lên cho. Tui sống gần cuối đời rồi, chỉ mong mỗi cái có điện, có bể nước, có trạm xá, trường học cho con cháu mình sau này đỡ khổ”.

Đời sống khá hơn

Dân bám gành đều là những người nghèo “gốc” từ trong bờ. 13 năm trước, vợ chồng ông Phương dẫn theo sáu đứa con ra hòn để trốn chạy cái nghèo khổ đeo đẳng ông bà mấy mươi năm nay. Bốn người con của ông đã lập gia đình. Hai cô con gái lấy bộ đội biên phòng. Một cô chuyển về bờ với số vốn hàng trăm triệu đồng làm vuông tôm ở Rạch Gốc (Năm Căn, Cà Mau). Một người con trai cưới vợ xong khấm khá cũng chuyển vào bờ sống. Vợ chồng hai cô con gái hiện đang nuôi bè cá bớp ngoài này với cha. Từ một lồng cá ít ỏi ban đầu, giờ nhà ông Phương đã có tám lồng.

Còn vợ chồng chị Hậu ngày mới ra không có gạo ăn, phải lên đồn biên phòng xin. Ở trong bờ, chị đi vá lưới mướn. Chồng đi biển ở Sông Đốc. Giờ vợ chồng chị đã có cả trăm triệu đồng tiết kiệm, một lồng cá bớp riêng tiền vốn đã 120 triệu đồng. Cả gành có 31 hộ dân thì 25 hộ nuôi cá với hơn 50 lồng cá bớp.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên