Đây là chương trình do Thường trực HĐND phối hợp cùng Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM thực hiện.
Hoạt động này, một lần nữa, được người dân hy vọng sẽ có những giải pháp tiếng ồn đang "tấn công" đời sống đô thị TP.HCM. Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc và người trong cuộc đang "khổ sở" vì ô nhiễm tiếng ồn hằng đêm.
* Ông Huỳnh Ngọc Quang (ngụ phường 15, quận Phú Nhuận):
Tưởng mình đang ngủ ở quán bar
Tôi thuê phòng trong một căn nhà nguyên căn trên đường Hoàng Văn Thụ. Một năm qua gia đình tôi cùng hàng xóm phải sống trong nỗi "thống khổ" bởi sự tra tấn tiếng ồn.
Nếu karaoke thỉnh thoảng xảy ra, còn đây là một cửa hàng quần áo mở loa phát nhạc vang dội từ 2h chiều đến tối. Tiếng nhạc ồn ào và lớn đến độ nằm trên giường sẽ thấy rõ các vách ngăn chống ồn ở các phòng rung theo. Đôi lúc không biết mình đang ngủ ở nhà hay ở quán bar.
Thực tế cơ chế phản ánh chỉ qua cổng thông tin 1022 còn hạn chế. Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, đo đạc có thể không ghi nhận được vi phạm. Và cũng không có lực lượng nào đủ sức để xử lý.
Vậy sao không mở ra cơ chế xử phạt "nguội", ứng dụng công nghệ, tiếp nhận thông tin phản ánh qua hình ảnh, video người dân ghi lại bằng thiết bị di động thay vì đợi cơ quan chức năng đem máy đo tiếng ồn xuống.
Nhưng muốn đạt được điều này, các quy định pháp luật phải đồng bộ, quy định rõ căn cứ bằng chứng, quy định rõ cơ quan, tổ chức nào được phạt, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong xử lý ô nhiễm tiếng ồn, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm.
Câu chuyện triệt tiêu tiếng ồn sẽ mãi là điệp khúc ra quân, lui quân nếu không có chiến lược lâu dài. TP cần để tâm vấn đề ô nhiễm tiếng ồn khi lập quy hoạch đô thị. Có thể phân vùng quy hoạch xây dựng theo mức ồn cho phép. Ngoài ra, cần tính đến quy hoạch giao thông (hạn chế phương tiện) hay quy hoạch kiến trúc khi xây dựng các công trình bằng các giải pháp kỹ thuật giảm tải tiếng ồn…
* Bà Tuyết Trinh (ngụ phường 5, quận 3):
Cần có cơ chế thưởng - phạt, ràng buộc trách nhiệm
Tôi sống ở một chung cư cao chín tầng. Hằng đêm, người dân tại chung cư tôi lại phải nghe tiếng nhạc như tra tấn từ các quán bar xung quanh. Tiếng ồn thật kinh khủng! Có hôm đang ngủ phải tỉnh giấc vì tầm 4-5h sáng vẫn còn nghe tiếng nhạc.
Nhiều hộ có con nhỏ, người cao tuổi mới thật là khổ. Người già mất ngủ, trẻ con học trong sóng âm thanh xập xình từ dưới vọng lên. Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên đường dây nóng của phường, phường có kiểm tra, nhắc nhở, vài hôm mọi việc vẫn y như cũ. Ở chung cư ít khi có trường hợp "tra tấn" bằng âm thanh karaoke. Nhưng làm sao cản nổi âm thanh ồn ào từ hàng quán kinh doanh, công trình xây dựng ở xung quanh.
Quy định chế tài, xử phạt đã có. Cơ chế để người dân phản ánh đến chính quyền cũng có. Nhưng vấn nạn này vẫn khó trị dứt điểm. Phải chăng vấn đề nằm ở lực lượng cơ sở, những người trực tiếp lắng nghe phản ánh và thực thi chế tài?
Theo tôi, cần đưa nội dung quản lý ô nhiễm tiếng ồn vào để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ. Cùng với đó, có cơ chế thưởng nơi có sáng kiến làm tốt, phạt nơi cán bộ "làm lơ" vi phạm tiếng ồn, để mặc cư dân đêm ngày đinh tai nhức óc vì ồn.
* Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh (phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam và TP.HCM):
Tác hại lớn với sức khỏe
Ô nhiễm tiếng ồn có rất nhiều nguyên nhân. Cũng giống như ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn có tác hại rất lớn đến sức khỏe nhưng vẫn thường bị xem nhẹ. Cơ thể tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài sẽ dẫn tới căng thẳng thần kinh, đau đầu, hồi hộp, khó chịu.
Đã có nhiều trường hợp bị kích động thần kinh khi đến những nơi ồn ào tiếng nhạc lớn khiến nạn nhân ngất xỉu. Tại các khu dân cư, nếu ô nhiễm tiếng ồn xảy ra trong thời gian dài, vào ban đêm sẽ dẫn đến suy nhược thần kinh.
Những đứa trẻ sống ở khu vực ồn ào sẽ kém phát triển trong việc học tập hơn những đứa trẻ được sống trong môi trường yên tĩnh. Tiếng ồn gây nên những thương tổn cho thần kinh thính giác, nên những người tiếp xúc với tiếng ồn mất dần khả năng nhạy cảm âm thanh. Ngoài ra, tiếng ồn cũng khiến tăng huyết áp và rối loạn hoạt động của tim.
Tháng 3-2021, UBND TP.HCM đã ban hành công văn yêu cầu các sở ngành, quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn. Một năm sau, TP họp báo cáo về kết quả bước đầu. Sau buổi họp, UBND TP đã mở đợt cao điểm tập trung mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm tiếng ồn và kết thúc trong cuối năm 2021.
Đến tháng 1-2022, UBND TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Nếu để xảy ra vi phạm tiếng ồn do buông lỏng quản lý sẽ xử lý người đứng đầu. Nhưng sau thời gian giảm thiểu bởi những đợt ra quân, tình trạng này lại tái diễn.
Đại diện UBND quận Gò Vấp:
Chưa phân định rõ trách nhiệm
24 đối tượng bị phản ảnh nhiều lần về tiếng ồn qua cổng thông tin 1022 tại quận đều thuộc loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ, mở nhạc lớn gây ảnh hưởng đến các hộ lân cận. Năm 2019, UBND quận triển khai một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn và rải đinh, vật nhọn trên đường.
Đến năm 2020, quận triển khai việc kiểm tra, xử lý tình trạng hát karaoke, dùng loa bán kẹo kéo trong khu dân cư gây ồn quá mức quy định. Năm 2021, tiếp tục tuyên truyền, vận động và xử lý tiếng ồn trên địa bàn và thông tin rõ các kênh tiếp nhận phản ánh. Năm 2022, quận ban hành công văn hướng dẫn xử lý vi phạm liên quan đến tiếng ồn...
Tuy nhiên, ô nhiễm tiếng ồn đô thị không phải là vấn đề có thể dễ dàng giải quyết triệt để và nhanh chóng. Hiện không có quy định rõ phương pháp đo độ ồn khu vực để xác định mức ồn vượt chuẩn. UBND phường không được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm tiếng ồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận