Phóng to |
Theo thống kê của Ủy ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, cứ 30 giây có một trẻ em khuyết tật được sinh ra ở nước này. Tỉ lệ trẻ khuyết tật trên toàn Trung Quốc đã tăng 40% kể từ năm 2001, trung bình 10.000 trẻ sơ sinh thì có 145,6 trẻ bị khuyết tật. Thiểm Tây có tỉ lệ cao nhất, gấp đôi tỉ lệ trung bình của quốc gia. Đây cũng là tỉnh có mức độ ô nhiễm cao nhất thế giới.
Làng của những đứa trẻ dị tật
Làng Cao Gia Câu là một trong nhiều ngôi làng ở Thiểm Tây lọt thỏm giữa các khu khai thác than và lò luyện thép. Không khí và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong làng, nhiều gia đình sinh con bị khuyết tật. Lý Tam Tam có hai con, một trai một gái đều bị dị tật từ khi mới sinh. Bé Hồng Vĩ sinh ra với bàn tay sáu ngón và chị gái của em, Lý Hạ, thì bị vẹo chân.
Gần đó, gia đình họ Trương có ba con thì hai đứa bị dị tật trong phát âm. Nghĩa Mai chỉ có thể nói được rất ít so với đứa trẻ 13 tuổi bình thường, trong khi bé Nghĩa Long thì hoàn toàn không biết nói dù đã 9 tuổi. Người mẹ trẻ của gia đình này vừa hạ sinh đứa thứ ba nhưng cô rất hồi hộp bởi “quá sớm để biết con tôi có bị dị tật như anh chị của nó hay không”.
Cũng như nhiều gia đình ở Thiểm Tây, hai gia đình này không biết tại sao con mình sinh ra lại không được trọn vẹn. Họ chỉ mang máng biết có thể là do không khí xung quanh không được trong lành, bầu trời lúc nào cũng u ám và như có sương mù bao phủ, rất khó thở.
Do ô nhiễm môi trường
Thiểm Tây là mỏ than lớn nhất Trung Quốc, đồng thời cũng là vùng tập trung nhiều nhà máy luyện thép và các ngành công nghiệp nặng khác. Chất thải từ các nhà máy thép, khói bụi từ các mỏ than khổng lồ đã biến nơi đây thành tỉnh ô nhiễm nhất thế giới.
An Hoan Tiếu, chủ tịch Ủy ban Sinh sản kế hoạch hóa gia đình Thiểm Tây, phân tích: nguyên nhân tỉ lệ trẻ sơ sinh dị tật ở Thiểm Tây tăng cao đột biến có liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, tập trung nhiều nhất ở các vùng miền núi phía bắc Thiểm Tây, nơi có nhiều mỏ than và khu công nghiệp nặng.
Các chuyên gia môi trường khác ở Trung Quốc cũng cho rằng khí thải từ các mỏ than lớn và chất thải công nghiệp là thủ phạm gây ra hiện tượng trên, trong đó trẻ ở các khu nội ô bị dị tật do bà mẹ tiếp xúc trực tiếp với bầu không khí ô nhiễm, còn ở vùng nông thôn họ phải gánh thêm ô nhiễm về chất thải công nghiệp.
Giáo sư Phan Kiến Bình, thuộc Cơ quan Nghiên cứu sức khỏe bà mẹ và trẻ em Trung Quốc, cảnh báo tỉ lệ trẻ sơ sinh dị tật ở Trung Quốc tăng nhanh sẽ trở thành gánh nặng đối với xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống, đặc biệt là các vùng nghèo khó ở nông thôn.
Ô nhiễm môi trường không chỉ gây ra dị tật ở trẻ mà còn có thể gây ra một số căn bệnh lạ khác. Ngày 13-4, báo Tây An Buổi Tối đưa tin một trẻ 5 tuổi ở huyện Vị Nam của tỉnh Thiểm Tây mắc chứng lymphoma ác tính (triệu chứng ung thư toàn thân). Nguyên nhân gây bệnh được cho là có liên quan đến ô nhiễm môi trường. Đây là căn bệnh hiếm thấy, hiện trên thế giới chỉ có khoảng 20 ca, trong đó Trung Quốc có hai ca.
Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ giảm thiểu lượng khí thải, nhưng dường như công cuộc cải tạo môi trường đã không theo kịp tốc độ phát triển của các khu công nghiệp, kéo theo đó là hệ lụy ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận