Chỉ số chất lượng không khí thể hiện màu tím ngắt - ngưỡng chất lượng không khí xấu ở hầu hết các điểm quan trắc của thành phố Hà Nội - Ảnh: XUÂN LONG
Ngày 13-12, mức độ ô nhiễm không khí ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội càng tệ hơn, tới mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ con người nhưng cả Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội và Tổng cục Môi trường đều không có khuyến cáo gì.
Ô nhiễm không khí khủng khiếp, các cơ quan im lặng?
TS Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, sau nhiều ngày theo dõi đã nhận định đây là đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp ở một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội, đến hôm nay 13-12 đã sang ngày thứ năm.
Ngay trong sáng 13-12, ứng dụng quan trắc PAM Air ghi nhận chất lượng không khí xấu tới mức nhiều nơi ở Hà Nội đều màu tím ngắt.
Tại khu vực Đội Cấn (Ba Đình), chỉ số chất lượng không khí ở mức 219, rất xấu; khu vực Hàng Bún (Ba Đình) chỉ số còn cao hơn, ở mức 223. Tại nhiều nơi khác, kết quả quan trắc cũng ghi nhận ô nhiễm không khí ở mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân: Liễu Giai (Ba Đình) 216, quận Thanh Xuân 238, Kim Liên (Đống Đa) 202, chùa Láng (Đống Đa) 207, quận Tây Hồ 240.
Còn theo kết quả quan trắc tại các điểm đo của TP Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí trung bình vọt lên mức 256, trong đó khu Tây Tựu lên tới 261, Phạm Văn Đồng 251, Hàng Đậu, Thành Công đều ở mức xấu 245.
Mặc dù ô nhiễm không khí ngày càng tệ hơn và trải qua nhiều ngày liên tiếp, Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội chưa có thêm khuyến cáo gì ngoài dòng thông tin vắn tắt: "AIQ 256 - mọi người bị ảnh hưởng tới sức khoẻ nghiêm trọng hơn".
Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cũng không có thông báo hay khuyến cáo gì về đợt ô nhiễm không khí khủng khiếp này.
Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với lãnh đạo Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) để hỏi về nguyên nhân ô nhiễm, nhưng vị này giới thiệu qua Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc.
Bà Trần Minh Hương, giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc - nơi cập nhật các số liệu, ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí từng giờ - thì cho biết sẽ có báo cáo gửi Văn phòng Tổng cục Môi trường để công bố.
Trang ứng dụng quan trắc PAM Air cũng ghi nhận nhiều nơi chất lượng ô nhiễm không khí ở mức xấu trong sáng 13-12 - Ảnh: XUÂN LONG
Không có biện pháp khẩn cấp nào
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Dương Tùng nhận định: "Khi chỉ số chất lượng không khí ở địa phương mình xấu đột ngột, xấu kéo dài thì lãnh đạo địa phương phải lập tức chỉ đạo kiểm tra, xác định nguyên nhân chính, nhưng Hà Nội không có hành động nào mang tính cấp bách.
Nhiều nơi, qua quan trắc thấy hiện tượng đốt chất thải, rác thải rất kinh khủng mà chính quyền địa phương vẫn xem nhẹ. Thậm chí cũng không có đợt kiểm tra cao điểm nào về chấp hành quy định về môi trường trong hoạt động xây dựng".
Ông Tùng cảnh báo việc các địa phương gần như đã hình thành tâm lý "thời tiết là ông trời, thời tiết không thuận thì phải chịu", trong khi rất nhiều nguồn thải ô nhiễm không khí là từ hoạt động của con người.
Theo ông Tùng, hoàn toàn có thể áp dụng một số biện pháp cấp bách để làm giảm mức độ ô nhiễm không khí, đó là kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí.
Đồng thời có thể xác định vùng hạn chế phương tiện giao thông, nhất là thời điểm cuối năm khi các phương tiện đổ dồn về thành phố, phân luồng các phương tiện để giảm bớt tình trạng ùn tắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận