Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 3 - 9 triệu ca tử vong mỗi năm (tùy thuộc vào cách ước tính) và là một trong những kẻ giết người lớn nhất mà nhân loại từng đối mặt.
Trong khi đó kháng kháng sinh gây ra 1,3 triệu ca tử vong hằng năm. Con số này dự kiến tăng lên 10 triệu.
Mặc dù kháng thuốc là một phản ứng tiến hóa tự nhiên đối với việc kiểm soát vi sinh vật, nhưng việc kê đơn thuốc kháng sinh quá mức và lạm dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi đã khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.
Không chỉ vậy, một nghiên cứu mới đây phát hiện nguy cơ kháng thuốc kháng sinh gia tăng theo mức độ ô nhiễm không khí.
Giáo sư Hong Chen của Đại học Chiết Giang, Trung Quốc và các đồng nghiệp đã so sánh tỉ lệ bụi mịn PM 2,5 (các hạt bụi có kích thước từ 2,5 micron trở xuống) với kết quả xét nghiệm 9 loài vi khuẩn và 43 loại kháng sinh, cùng với các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ kháng sinh tại địa phương.
Kết quả cho thấy khi tỉ lệ bụi mịn PM 2,5 tăng 1% thì khả năng kháng kháng sinh tăng 0,5 - 1,9%. Điều đáng lo ngại là mối quan hệ trên dường như trở nên "bền chặt" hơn theo thời gian.
Theo giáo sư Chen, ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố quyết định lớn nhất đến việc gia tăng 11% tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu. Tuy nhiên, cơ chế liên kết của chúng vẫn chưa rõ ràng.
Có thể vi khuẩn "quá giang" trên các hạt bụi nhỏ, cho phép vi khuẩn kháng thuốc lan rộng hơn. Cũng có thể do bụi mịn làm suy yếu hệ thống miễn dịch của con người, tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển ở nơi mà chúng có thể bị xóa sổ.
Sự hiện diện của các chất ô nhiễm cũng có thể tạo điều kiện chuyển gene ngang giữa vi khuẩn kháng thuốc và không kháng thuốc.
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng ô nhiễm không khí làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh là thủ phạm gây 480.000 ca tử vong sớm vào năm 2018. Nếu không có sự can thiệp để kiểm soát ô nhiễm đô thị, số ca tử vong sẽ tăng lên 840.000 người mỗi năm vào năm 2050.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận