Bầu trời khu vực hồ Tây (Hà Nội) mù mịt chiều 28-9 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Những ngày qua, TP.HCM và Hà Nội liên tục được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí. Thậm chí có những ngày mức ô nhiễm được cảnh báo cao nhất trên thế giới so với các thành phố lớn khác.
Nhiều bạn đọc đặt vấn đề liệu chúng ta đã quan tâm, cảnh báo đủ cho vấn đề "trời mù" này chưa, hay chúng ta không sợ ô nhiễm, không lo bụi mịn PM2.5 mà mình đang hít vào phổi hằng ngày?
Chưa có biện pháp chế tài
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM đang ở mức báo động. Đâu cũng thấy bụi bẩn trong không khí, từ khu vực nội ô, vùng ven, nơi dân cư đông, nhiều xe cộ, nhiều nhà máy, khu công nghiệp.
Một số nơi tại TP.HCM trước là nông thôn (như Củ Chi, khu vực giáp ranh Thủ Đức và Bình Dương) có không khí trong lành, nhưng nay bầu trời cũng đã mờ mịt bụi. Dù TP.HCM đã có một số thiết bị đo và thông tin về mức độ ô nhiễm không khí, nhưng dường như rất ít người dân hiểu được các thông số đó và chúng ta gần như cũng không có động thái gì cụ thể để hạn chế tình trạng ô nhiễm.
Tình trạng ô nhiễm không khí dù được cảnh báo lâu và khá nhiều nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Chẳng hạn đề xuất "khai tử" một số xe máy quá cũ, ôtô xả khói quá "đậm" chỉ dừng ở việc đăng kiểm (mà trên thực tế cũng chưa quyết liệt).
Việc ghi nhận và xử lý các nhà máy xả khói ô nhiễm chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa thể răn đe vi phạm. Các giải pháp kỹ thuật làm giảm bụi trong không khí gần như chưa được tính đến. Ngay việc tuyên truyền, khuyến cáo người dân ứng phó với bụi trong không khí cũng còn thưa vắng.
Các giải pháp tình huống cho tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng (như đóng cửa trường học, hạn chế xe cộ vào một số khu vực trong một thời gian cụ thể...) cũng chưa được đặt ra. Việc trồng cây xanh để hút bụi chưa được thực hiện đồng đều, cũng như chưa được khảo sát đầy đủ về tính hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta chưa có biện pháp chế tài cụ thể đối với hành vi phá hoại cây xanh...
Tôi thiết nghĩ rất cần những giải pháp tích cực hơn nữa từ phía cơ quan chức năng và từng người dân. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp chủ động ứng phó với ô nhiễm không khí trong điều kiện cụ thể của mình.
Đồng thời, chính quyền cần tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý thông minh để ứng phó với ô nhiễm không khí như sử dụng các thiết bị đo lường, lưu trữ và cảnh báo tự động ở các khu vực trọng điểm, tạo thêm nhiều mảng xanh... Từ đó mới mong cuộc sống người dân được trong lành hơn.
TRỊNH MINH GIANG
Cần thông tin kịp thời về ô nhiễm
Chỉ số chất lượng không khí AQI đo được từ phần mềm Air Visual của Mỹ tại TP.HCM đưa ra kết quả là 128 vào sáng 23-9. Chỉ số ở Hà Nội có lúc ở mức ô nhiễm nhất thế giới. Chỉ số đó xác định chất lượng không khí có nguy cơ gây cho người dân bị kích ứng, và dễ mắc các vấn đề về hô hấp.
Người dân khác không hiểu những chỉ số mức độ nguy hiểm của đợt ô nhiễm này nếu không có cảnh báo từ các chuyên gia thông qua kênh báo chí. Do không tiếp cận được nguồn tin mức độ ô nhiễm không khí, không ít người dân chủ quan với hiện tượng sương mù.
Những ngày qua, người dân TP.HCM và Hà Nội (có tôi và các bạn) đã phải sống trong môi trường bị ô nhiễm mà không nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ phía cơ quan chức năng (ngoài thông tin đọc được trên báo do các báo chủ động khai thác, thực hiện).
Thiếu thông tin, hay nói đúng hơn là thông tin chính thức của cơ quan chức năng từ những hiện tượng có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân không phải là hiếm. Mới đây nhất là sự cố ở quanh Nhà máy Rạng Đông (Hà Nội), vẫn cùng chung mẫu số gây lo lắng và thiệt hại thêm cho người dân đó là thiếu cảnh báo sớm, đầy đủ để người dân chủ động hơn trong phòng tránh.
Hiếm gì cách để thông tin rộng rãi và cập nhật thường xuyên tới người dân. Ngoài kênh báo chí thì có thể gửi tin nhắn qua điện thoại. Mỗi ngày nhà mạng vẫn gửi những tin nhắn quảng cáo tới mỗi đầu số ít nhất 1-2 tin, sao không cảnh báo người dân bằng một thông tin sức khỏe hữu ích từ đầu số của nhà mạng khi có hiện tượng bụi mịn, ô nhiễm không khí nặng ở Hà Nội, TP.HCM?
Trước đây, ngành công an cũng từng có tin nhắn chung - cảnh báo người dân cảnh giác khi có thời điểm tội phạm cướp giật rộ lên. Bên y tế, sức khỏe cộng đồng cũng cần nhạy bén trong xử lý thông tin, nhắn tin chung tới từng số điện thoại trong những tình huống đặc biệt như ô nhiễm không khí, cách phòng tránh hoặc bảo vệ sức khỏe trước hiện tượng này...
Hoặc giả hiện tượng đó là "chu kỳ bình thường", không độc hại cũng cần báo cho dân biết để yên tâm, chứ không thể để mặc mọi người hoang mang, tự tìm, tự hiểu, hiểu sao cũng được.
Tôi nghĩ đưa thông tin đủ, đúng và cần thiết tới người dân là một đòi hỏi trong thực thi công vụ của các cơ quan chức năng. Đặc biệt nhất là những thông tin thiết thân và quan trọng như sức khỏe, an ninh, an toàn thực phẩm...
LƯU ĐÌNH LONG
Cuối tháng 1-2019, trước tình trạng "khói mù" ở Bangkok, chính quyền thủ đô của Thái Lan đã buộc 437 trường học phải đóng cửa với cảnh báo "trẻ em có thể bị tổn hại".
Các chuyên gia về môi trường và y tế cho rằng ở Bangkok, các hạt bụi mịn, được biết đến với tên gọi PM2.5, đã tăng từ cuối tháng 12-2018 và luôn nằm trên ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế thế giới. Hạt bụi mịn được cho là nguyên nhân gây ra các bệnh hô hấp cấp tính và mãn tính, ảnh hưởng tim mạch trong cả thời gian ngắn lẫn khi tích tụ kéo dài.
Nhận rõ điều đó nên họ luôn đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân được rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận