Nạn ô nhiễm không khí trở thành chuyện không của riêng ai, vấn đề nóng được Chính phủ, Quốc hội quan tâm.
Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đã rong ruổi đến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở quận trung tâm và các huyện ngoại thành Hà Nội để truy tìm "thủ phạm" gây ra ô nhiễm không khí. Có đủ cả, từ bụi đường giao thông, công trình xây dựng, đốt rác thải, đốt rơm rạ, khói bụi từ làng nghề và khí thải từ ô tô, xe máy...
Là một trong những nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân điều trị đường hô hấp ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, trả lời Tuổi Trẻ, PGS.TS Phan Thu Phương - giám đốc Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai - cho biết bụi có trong không khí ô nhiễm sẽ tác động, xâm nhập gây tổn thương và viêm nhiễm đường hô hấp.
Ngoài ra theo bà Phương, ô nhiễm sẽ khiến các hạt bụi đi qua phế nang vào máu có thể gây ra các bệnh lý như tim mạch, thần kinh và nhiều bệnh lý khác.
Đối với những người đang tiềm tàng bệnh hô hấp sống trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ thường xuyên xuất hiện đợt cấp của các bệnh mạn tính.
Trước thực trạng nói trên, trong năm 2025 Chính phủ sẽ xây dựng, triển khai đề án khắc phục ô nhiễm không khí ở các đô thị. Xử lý ô nhiễm không khí cũng được Thủ tướng xem là một trong những vấn đề cấp bách cần phải huy động nguồn lực.
Trong khi đó Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao sáu tháng cuối năm 2025, tìm cách xử lý ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Hằng năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết do ô nhiễm không khí và có ít nhất 70.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam. Ngân hàng Thế giới ước tính tổn thất trên 13 tỉ USD mỗi năm, bao gồm tử vong sớm và bệnh tật, chưa bao gồm chi phí khắc phục trong tương lai...
Tuy nhiên nhìn ở góc độ tích cực, nếu tăng cường hành động giải quyết nạn ô nhiễm không khí sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe, không khí trong lành, bầu trời trong xanh có nhiều lợi ích, ý nghĩa cho xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Các thành phố trở nên đáng sống và phát triển bền vững hơn.
Nguồn: TS Angela Pratt (trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam)
Giao thông, xây dựng thổi bụi vào bầu không khí TP.HCM
Dịp sát Tết Ất Tỵ vừa qua, lưu lượng giao thông tại TP.HCM tăng đột biến, tình trạng ùn ứ xảy ra nhiều nơi. Lượng phát thải ra môi trường cũng tăng cao dẫn tới TP.HCM ô nhiễm.
Thêm vào đó hoạt động xây dựng, làm đường, sửa chữa nhà cửa cũng góp thêm một lượng bụi không nhỏ vào bầu không khí. Có thời điểm theo thống kê của trang IQAir, TP.HCM ô nhiễm thứ hai thế giới.
Việc này thể hiện rõ trong những ngày TP.HCM có độ ẩm không khí cao, nắng yếu, gió yếu. Lớp bụi không thể phát tán bị giữ lại tạo thành lớp mù dày đặc che khuất nhà cửa, tầm nhìn hạn chế.
Hiện nay người dân TP.HCM vẫn phải tham khảo thông tin ô nhiễm chủ yếu qua ứng dụng IQair hoặc trang web của ứng dụng này. Đây là một kênh tham khảo về chất lượng không khí hằng ngày, độ chính thống chưa được khẳng định.
Còn đối với thông tin chính thống, việc quan trắc chất lượng không khí ở TP.HCM được giao cho trung tâm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Thông tin được đăng tải tại trang web của sở này. Hiện nay đơn vị vẫn đang đấu thầu về công tác này.
Trong thời gian này người dân có thể tham khảo thông tin chính thống kết quả quan trắc của hai trạm do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đặt tại TP.HCM. Số liệu hai trạm được công khai tại trang web https://cem.gov.vn/.
● TS Hoàng Dương Tùng (chuyên gia môi trường):
Từ Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 đã có quy định để kiểm soát khí thải. Đầu những năm 2000 một số nghiên cứu về nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng đã được công bố.
Đến năm 2008 Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra báo cáo đầu tiên về ô nhiễm không khí.
Như vậy đã phát hiện ô nhiễm không khí từ lâu nhưng tại sao đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm? TP Bắc Kinh (Trung Quốc) xử lý vấn nạn ô nhiễm không khí thành công chỉ trong 10 năm đầu tư 100 tỉ USD để có một bầu trời xanh như ngày hôm nay.
Thời điểm này tôi cho rằng cần sự quyết tâm của các cấp chính quyền từ trung ương xuống đến cơ sở để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
● PGS.TS Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa XIII, viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng):
Quốc hội chọn lĩnh vực môi trường để giám sát, trong đó có môi trường không khí cho thấy đây là vấn đề rất cấp bách.
Tuy nhiên sau giám sát phải có biện pháp, chỉ đạo, hậu giám sát cho từng loại nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí.
Hà Nội là thành phố lớn, điểm hẹn cho giao lưu văn hóa du lịch trong nước và quốc tế mà không khí bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân, tâm lý du khách.
● PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế):
Chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất xanh bằng nguồn vốn, chính sách miễn giảm thuế.
Ngoài ra phải có chế tài đủ mạnh tạo sức răn đe đối với những doanh nghiệp gây hại cho môi trường.
Bên cạnh đó chính sách đầu tư hệ thống giao thông công cộng phải có trọng điểm, khuyến khích hỗ trợ người dân tiền để chuyển sang xe điện.
Môi trường trong sạch thì các chi phí như khám chữa bệnh, phúc lợi sẽ giảm xuống, Nhà nước và người dân đều được hưởng lợi, GDP cũng sẽ tăng lên. Bên cạnh đó thu hút khách du lịch và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt hơn.
● Luật sư Trương Anh Tú (chủ tịch TAT Law Firm):
Hà Nội đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm không khí - không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân mà còn đe dọa đến sự phát triển bền vững của thủ đô.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành với nhiều điểm mới mang tính cách mạng nhưng việc thực thi luật cần được xem là nhiệm vụ ưu tiên với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận