Phóng to |
Ô nhiễm dầu ở Nigeria nghiêm trọng gấp nhiều lần thảm họa ở vịnh Mexico - Ảnh: RNW |
Với 606 khu khai thác dầu, châu thổ Niger cung cấp 40% lượng dầu khí nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, châu thổ Niger đang bị ô nhiễm nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là do các đường ống dẫn dầu của Hãng Shell bị rò rỉ.
Theo ước tính của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), trong 40 năm qua, từ 9-13 triệu thùng dầu (tương đương 1,05-1,52 tỉ lít) đã rò rỉ ra môi trường châu thổ Niger, cao gấp 2-3 lần lượng dầu tràn ra biển trong thảm họa môi trường ở vịnh Mexico. Chỉ riêng năm ngoái, Hãng Shell đã xả ra môi trường châu thổ Niger gần 14.000 tấn dầu, gấp đôi năm 2008 và gấp bốn lần năm 2007.
Tháng 12 tới, UNEP sẽ công bố kết quả cuộc điều tra nạn ô nhiễm dầu ở châu thổ Niger. Tuy nhiên, tuần trước ông Mike Cowing, lãnh đạo nhóm điều tra 100 người của UNEP, đã tiết lộ: Shell chỉ phải chịu trách nhiệm 10% lượng dầu tràn do thiết bị xuống cấp và sai sót của hãng này, còn 90% là do nạn ăn cắp dầu và phá hoại! Hiện có khoảng 300 vụ dầu loang quy mô lớn ở vùng Ogoniland tại châu thổ Niger, chủ yếu do các băng đảng phá hoại đường ống để trộm dầu.
Phóng to |
Nước đầm lầy ở châu thổ Niger đen ngòm do dầu loang - Ảnh: flickr |
Shell là “khách hàng” của UNEP?
Tuyên bố của Mike Cowing đã gây nên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong cộng đồng người Ogoni ở vùng Ogoniland. Đầu thập niên 1990, nhà hoạt động môi trường người Ogoni là Ken Saro-Wiwa cùng tám thủ lĩnh tộc Ogoni đã đứng lên tố cáo tình trạng ô nhiễm môi trường ở châu thổ Niger. Năm 1995, chính quyền quân sự của tướng Sani Abacha đã bắt giữ và treo cổ ông Saro-Wiwa cùng các thủ lĩnh tộc Ogoni. “Chẳng ai ở vùng Ogoniland ngạc nhiên với kết quả cuộc điều tra của UNEP, bởi chính quyền Nigeria và Hãng Shell đã từng cấu kết với nhau để sát hại ông Saro-Wiwa và những người khác” - Ben Ikari, một nhà hoạt động môi trường ở Ogoniland, khẳng định.
Châu thổ Niger rộng 51.800km2, là vùng đầm lầy lớn thứ ba trên thế giới với 150 loài cá và nhiều loài sinh vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Lẽ ra nghề nông và thủy sản phải là nguồn sống chính của 31 triệu người dân trong khu vực. Tuy nhiên, nước nhiễm dầu loang đã hủy hoại toàn bộ nguồn cá và mùa màng ở châu thổ Niger, đẩy người dân vào cảnh đói nghèo. Theo khảo sát của AI, hiện tuổi thọ trung bình của người dân châu thổ Niger chỉ là 40. “Nguồn nước họ dùng để giặt giũ và nấu nướng bị ô nhiễm nghiêm trọng, cá đã chết sạch, còn đất nông nghiệp thì trở nên hoang hóa. Không khí cũng bị nhiễm hơi dầu - chuyên gia Daniele Gosteli Hauser của AI bức xúc - Châu thổ Niger từng là một trong những hệ sinh thái giàu có nhất hành tinh, nhưng giờ đang gánh chịu hậu quả của một trong những vụ ô nhiễm tồi tệ nhất trong lịch sử”. |
“Thật nực cười khi UNEP kết luận 90% ô nhiễm là do cộng đồng người dân châu thổ Niger gây ra - Nnimmo Bassey, thuộc tổ chức môi trường Những người bạn của Trái đất, bức xúc - Shell đã trả tiền để UNEP điều tra, vậy thì kết luận của UNEP phải chiều theo ý khách hàng của họ thôi”. Ông Bassey khẳng định các tổ chức môi trường quốc tế và Nigeria đã theo dõi nạn ô nhiễm dầu ở châu thổ Niger từ nhiều năm nay, và các quan sát của họ hoàn toàn trái ngược với kết luận của UNEP.
Ben Amunwa thuộc tổ chức Platform (Anh) cho rằng nghiên cứu của UNEP dựa chủ yếu vào các số liệu “ma” do Shell cung cấp, và những báo cáo mập mờ của chính quyền Nigeria. “Rất có khả năng nghiên cứu của UNEP chỉ tập trung vào hành vi phá hoại và ăn cắp dầu để biện minh cho những biện pháp đàn áp của chính quyền ở châu thổ Niger” - ông Amunwa nhận định.
Con kiến mà kiện củ khoai?
Theo báo cáo tháng 6-2009 của AI, chính quyền Nigeria và các công ty dầu khí, đặc biệt là Hãng Shell, phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở châu thổ Niger trong bốn thập niên qua. AI thừa nhận nạn ăn trộm dầu cũng dẫn đến những vụ rò rỉ dầu ra môi trường, nhưng khẳng định quy mô của những vụ việc này không lớn. Từ năm 1999, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã đưa ra báo cáo chỉ đích danh Shell là thủ phạm chính.
Theo nghiên cứu của HRW, tính đến năm 1999 các đường ống dẫn dầu của Shell và các hãng dầu khác tại châu thổ Niger đều đã 20-25 tuổi, dù hạn sử dụng chỉ khoảng 15 năm. Do đó, các đường ống này đã xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng rò rỉ dầu ra môi trường.
Năm 1995, chính Hãng Shell cũng thừa nhận phần lớn các cơ sở khai thác dầu ở châu thổ Niger đều được xây dựng từ thập niên 1960-1980, không đáp ứng được những tiêu chuẩn an toàn hiện đại và gây ra ít nhất 50% vụ rò rỉ dầu. Một số nghiên cứu khác cũng ước tính sự xuống cấp của hệ thống đường ống và bồn chứa dầu là nguyên nhân dẫn đến 50% vụ rò rỉ, nạn phá hoại chỉ đóng góp 28%, trong khi hoạt động khai thác dầu của các hãng dầu góp thêm 21%.
Đến nay, người dân châu thổ Niger đã đưa hàng ngàn đơn kiện Shell và các công ty dầu khác, nhưng tất cả vụ kiện đều chưa đi đến đâu. Shell từng bị đưa ra tòa tại Mỹ vì vai trò chủ mưu trong vụ sát hại nhà hoạt động Saro-Wiwa, nhưng đã nộp 15,5 triệu USD để chạy án và vụ việc được giải quyết bên ngoài tòa án.
“Châu thổ Niger cần một người đại diện, cần được làm sạch và cần được áp dụng những tiêu chuẩn môi trường tương tự như Bắc Mỹ” - Craig và Marc Kielburger, hai nhà sáng lập Tổ chức nhân đạo Free the Children, nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận