02/10/2019 09:51 GMT+7

Ô nhiễm đã đến mức nguy hại, chính quyền thiếu giải pháp cấp bách

XUÂN LONG - PHƯỚC TUẦN - LÊ PHAN
XUÂN LONG - PHƯỚC TUẦN - LÊ PHAN

TTO - Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) đã công bố những ngày vừa qua, ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM có thời điểm lên đến mức nguy hại tới sức khỏe và khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.

Ô nhiễm đã đến mức nguy hại, chính quyền thiếu giải pháp cấp bách - Ảnh 1.

Người dân nín thở khi đi ngang qua những công trình xây dựng trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội đầy bụi chiều 1-10 - Ảnh: NAM TRẦN

Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trong khi chất lượng không khí tại TP.HCM cũng theo chiều hướng xấu, theo công bố của Tổng cục Môi trường.

55.000

Đó là số bếp than tổ ong ở Hà Nội. Mỗi ngày Hà Nội đang dùng 528 tấn than, là nguồn gây ô nhiễm quan trọng, phát thải khoảng 1.870 tấn khí CO2.

Nguồn: Sở TN-MT Hà Nội

Khuyến cáo hạn chế ra đường

Trưa 1-10, tại đường Cộng Hòa từ đoạn cầu vượt Hoàng Hoa Thám đến công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) đông nghẹt. Trong dòng xe ấy, nhiều xe máy, ôtô xả khói đen mù mịt.

Đặc biệt trên nhiều tuyến đường của quận Tân Phú, Bình Tân, Q.12 xuất hiện rất nhiều loại xe máy cũ, xe ba gác cũ nát, xe buýt, xe bồn nhả khói đen.

Tại Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng ngày 1-10 cũng bụi mù như trận địa. Gần như ai đi xe máy qua đây đều phải giơ tay lên che mũi, miệng.

Ngay tuyến đường Thụy Khuê, Đào Tấn (chỉ cách trung tâm Ba Đình đoạn đường ngắn), tình trạng sau đào đường chỉ san lấp tạm bợ, đất cát ngổn ngang vẫn còn.

Thậm chí có hố sâu được đào ban đêm, đến sáng cả khu vực xung quanh ngập ngụa đất cát, không thấy thu dọn.

Ô nhiễm đã đến mức nguy hại, chính quyền thiếu giải pháp cấp bách - Ảnh 3.

Xe chạy xả khói trên xa lộ Hà Hội, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: NG. PHƯỢNG

Dẫn số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tài - tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết nồng độ bụi siêu mịn PM2.5 có xu hướng tăng.

Đặc biệt, trong các ngày từ 25 đến 30-9, ở một số trạm quan trắc, chỉ số chất lượng không khí có thời điểm vượt ngưỡng 200, ở mức nguy hại sức khỏe.

Ở TP.HCM, ông Tài cũng cho biết tháng 9 là thời điểm giao mùa, chất lượng không khí cũng diễn biến theo chiều hướng xấu.

Những ngày tiếp theo, nồng độ bụi mịn PM2.5 có thể vẫn ở mức cao tại một số thời điểm, đặc biệt là ban đêm và sáng sớm.

Tổng cục Môi trường chính thức khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi... hạn chế ra ngoài, tham gia các hoạt động ngoài trời. "Trường hợp cần, nên đeo khẩu trang, kính mắt" - ông Tài khuyến cáo.

Ô nhiễm đã đến mức nguy hại, chính quyền thiếu giải pháp cấp bách - Ảnh 4.

Diễn biến giá trị trung bình 24 giờ thông số P M2.5 tại TP. Hà Nội và TP. HCM những ngày gần đây - Đồ họa: T.ĐẠT

Ôtô, xe máy: nguồn phát bụi quá nhiều

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có hơn 800.000 ôtô các loại và hơn 8 triệu xe gắn máy lưu thông.

Ông Mai Trọng Thái, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, cho hay theo số liệu của Công an thành phố, hiện thủ đô có khoảng 700.000 ôtô, trên 5 triệu xe máy, chưa kể rất nhiều xe cũ, không đạt chuẩn về khí thải, mà đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi mịn PM2.5.

"Dù đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhưng chưa hạn chế được" - ông Thái nói.

Chiều 1-10, tại cuộc họp báo quý 3 của TP Hà Nội, ông Vũ Đăng Định - chánh văn phòng UBND TP - thừa nhận: qua đánh giá ô nhiễm ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, ô nhiễm bụi tăng cao vào thời điểm chuyển mùa, đầu mùa đông...

"Từ ngày 13-9 đến nay, ở nhiều thời điểm trong ngày, chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức kém, chủ yếu ô nhiễm bụi mịn PM2.5" - ông Định nói.

Ngoài yếu tố khí hậu bất lợi, ông Định cũng thừa nhận tại Hà Nội còn tới 12 nguồn thải góp phần gây ô nhiễm không khí: khí thải phương tiện giao thông, bếp than tổ ong, bụi bẩn từ phá dỡ công trình xây dựng, vận chuyển phế thải xây dựng...

"Đặc biệt là tình trạng đốt rơm rạ còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn, thậm chí việc quản lý thu gom rác cũng chưa tốt..." - ông Định nêu.

Ô nhiễm đã đến mức nguy hại, chính quyền thiếu giải pháp cấp bách - Ảnh 5.

Nguồn: Ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - Đồ họa: T.ĐẠT

Thiếu giải pháp mạnh và cấp bách

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ: những ngày qua Hà Nội đã có thêm những giải pháp nào nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí, cả đại diện Sở Tài nguyên - môi trường và UBND TP Hà Nội không nêu được những giải pháp cấp bách đã thực hiện, thậm chí cũng chưa có phương án ứng phó khẩn cấp nếu tình trạng ô nhiễm không khí xấu hơn.

Về lựa chọn những giải pháp trọng tâm, Hà Nội đặt mục tiêu để kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, ông Vũ Đăng Định cho biết Hà Nội đã thay đổi phương thức thu gom rác, chuyển từ hoạt động quét dọn rác thủ công sang xe cơ giới; đặt mục tiêu đến 31-12-2020 toàn thành phố không còn bếp than tổ ong.

"Nhưng với khu vực nông thôn, việc thay đổi rất khó khăn" - ông Định nói.

Cũng theo ông Định, Hà Nội đã nhập một xe phá dỡ công trình với công nghệ hiện đại, có thể nghiền bêtông ngay khi phá dỡ.

Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm với các xe chở phế thải xây dựng không che chắn. Ngoài ra tiếp tục thực hiện trồng 1 triệu cây xanh...

Ô nhiễm đã đến mức nguy hại, chính quyền thiếu giải pháp cấp bách - Ảnh 6.

Người dân nín thở khi đi trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội đầy bụi của nhiều công trình xây dựng - Ảnh: NAM TRẦN

Một số chuyên gia cho rằng các giải pháp của Hà Nội và TP.HCM chưa đủ mạnh và nhanh. Ngay với lượng xe cá nhân khổng lồ, cơ quan chức năng TP.HCM đã nhiều lần đề xuất và đưa ra họp bàn theo hướng hạn chế xe cá nhân và tiến tới cấm xe máy ở khu vực nội thành.

Tuy nhiên sau nhiều lần đưa ra phản biện, lấy ý kiến, đề án vẫn nằm trên bàn thảo luận.

Không như TP.HCM, ông Mai Trọng Thái cho hay hiện tất cả các chỉ số được quan trắc ở Hà Nội đang được công bố công khai hằng ngày để người dân nắm bắt để phòng tránh. Tuy vậy, ông Thái công nhận mật độ số trạm quan trắc hiện nay còn rất thưa.

Bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh, cho rằng nhìn lại các giải pháp của các thành phố lớn thì cơ bản không có nhiều tiến triển.

Đã đến lúc cần xây dựng kế hoạch hành động tổng thể, định ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nguồn thải nào trước, xác định công việc của từng ngành, từng người phụ trách, như vậy sau 5 năm mới ra được kết quả.

Hàn Quốc lập đội phản ứng nhanh chống bụi

Hàn Quốc xem vấn đề ô nhiễm bụi siêu mịn là vấn đề khẩn cấp và có quy trình điều phối theo các mức độ ô nhiễm khác nhau.

Xứ Hàn cũng có luật đặc biệt về bụi siêu mịn và ủy ban thuộc chính phủ có quyền huy động các bộ ngành cùng thực hiện các biện pháp để ứng phó với tình huống ô nhiễm bụi siêu mịn khẩn cấp.

Đội phản ứng nhanh chống bụi siêu mịn PM2.5 do thị trưởng các địa phương phụ trách có quyền đưa ra các biện pháp khẩn cấp như cấm tất cả xe hơi công lưu hành, các doanh nghiệp có phát thải phải dừng hoặc hạn chế 70 - 80% hoạt động, điều động xe cứu hỏa phun nước, làm sạch đường phố.

Bên cạnh đó là các biện pháp: đóng cửa trường học, hủy/hoãn các hoạt động ngoài trời.

Người dân Hàn Quốc được cảnh báo qua tin nhắn điện thoại với khuyến cáo hạn chế ra ngoài và yêu cầu không sử dụng phương tiện cá nhân khi ô nhiễm cao.

Chính phủ Hàn Quốc chú trọng nghiên cứu ô nhiễm không khí, ứng dụng những công nghệ mới để hướng tới việc phân tích bụi siêu mịn chính xác hơn, dự báo trước được nhiều ngày hơn. Hệ thống vệ tinh quan sát bụi siêu mịn sẽ được triển khai vào năm 2020.

Chính quyền Seoul cũng có nhiều giải pháp mạnh: dành hàng tỉ USD ngân sách để chuyển đổi xe đời cũ sang dòng xe và thiết bị đời mới, giảm phát thải; thay toàn bộ xe buýt công cộng, xe buýt chở học sinh chạy xăng sang xe chạy điện hoặc ít phát thải.

Hỗ trợ gần 20.000 USD cho mỗi người muốn đổi sang dùng xe chạy điện; dần siết chặt định mức phát thải bụi mịn cho các ngành nghề gây ô nhiễm.

Các công ty gây ô nhiễm nếu vượt quá mức phát thải, công ty sẽ bị phạt hoặc ngừng hoạt động.

Chính quyền cũng hỗ trợ các công ty cập nhật những công nghệ mới để giảm phát thải, đặc biệt cho doanh nghiệp SMEs, bằng các khoản vay ưu đãi.

HỒNG VÂN

Không khí Hà Nội ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe Không khí Hà Nội ô nhiễm tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe

TTO - Những ngày qua, người dân Hà Nội lo ngại khi chỉ số ô nhiễm không khí của Thủ đô có lúc vượt ngưỡng 300. Các chuyên gia môi trường cảnh báo bầu không khí bị ô nhiễm đã tới ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.

XUÂN LONG - PHƯỚC TUẦN - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên