10/10/2011 06:04 GMT+7

Ô nhiễm cảng cá vượt báo động

TẤN THÁI - TRUNG CƯỜNG
TẤN THÁI - TRUNG CƯỜNG

TT - Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện các cảng cá không kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường. Thực trạng ô nhiễm môi trường ở các cảng cá đã vượt quá mức báo động nhiều lần.

Các cảng cá ở ĐBSCL là một ví dụ. Có nơi tổng coliform vượt chuẩn đến hơn 22.000 lần!

m8HfmETP.jpgPhóng to
Tại cảng cá An Thới, rác thải từ các con tàu đều được tống thẳng xuống nước - Ảnh: Trung Cường

Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có hai cảng cá: Dương Đông và An Thới. Hai cảng này đều trong tình trạng ô nhiễm đến báo động. Ông Trần Xuân Lường, trưởng ban điều hành cảng cá Dương Đông, cho biết cảng được thành lập từ năm 2003, do huyện Phú Quốc không có chợ buôn bán thủy hải sản nên mượn diện tích cảng làm chợ.

Chợ phục vụ người dân thị trấn Dương Đông, khách du lịch nên rất nhộn nhịp. Nước rửa, nội tạng thủy hải sản đều được các tiểu thương tống thẳng xuống sông Dương Đông. Nhìn mặt nước thuộc phạm vi cảng cá quản lý đen đục, rác nổi lềnh bềnh, bốc mùi tanh tưởi, những vết dầu loang dập dềnh xung quanh các tàu cá đang neo đậu, ông Lường nói do đặc thù sông Dương Đông nước không lên, không xuống nên rác không trôi ra biển mà cứ quanh quẩn trong cảng.

Còn cảng cá An Thới có quy mô lớn gấp nhiều lần cảng cá Dương Đông nên mức độ ô nhiễm cũng nặng nề hơn. Các ghe tàu khi thu gom thủy hải sản từ các tàu đánh cá về xả hàng ngay trên cầu cảng và thực hiện luôn công việc sơ chế, ướp đá. Và dĩ nhiên như bao cảng cá khác, nước rửa, nội tạng đều đổ xuống biển. Đi từ đầu cảng đến cuối cảng một mùi tanh hôi xộc lên mũi. Nước biển khu vực cảng đen kịt, rác nổi dọc dài.

Ông Đỗ Nam Trung - chủ tịch UBND thị trấn An Thới - cho biết chưa tính tàu du lịch thì cao điểm có khoảng 600 ghe tàu trong cảng. Bình quân mỗi ghe có 3-4 người. Tất cả rác sinh hoạt đều do biển hứng hết.

Tại cảng cá Cà Mau (TP Cà Mau), tình hình ô nhiễm cũng rất nghiêm trọng. Nước thải từ các vựa cá, cơ sở chế biến đổ trực tiếp ra sông và không qua xử lý. Dưới bến sông dòng nước đen ngòm, rác thải vương vãi khắp nơi. Mặc dù vậy tình hình ô nhiễm của cảng cá Cà Mau vẫn bị cảng cá Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) “vượt mặt”.

Các tàu mua hải sản về chế biến ngay trên sàn tàu, tất cả đồ phế thải, nước rửa hải sản đều được hất đổ xuống sông. Dọc dài hai bên bờ sông Đốc là hàng trăm tàu đánh cá đậu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Do vậy, tất cả rác sinh hoạt, vệ sinh của ngư dân đều được thải xuống sông.

Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang vừa phát hiện nhiều vi phạm đối với các đơn vị hoạt động tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành). Ở đây, Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau hoạt động đã nhiều năm nay nhưng chưa quan tâm đến xử lý chất thải. Khi lấy mẫu phân tích, kết quả kiểm nghiệm mẫu nước thải cho thấy BOD-5, COD đều vượt tiêu chuẩn, đặc biệt tổng coliform vượt đến 22.222 lần.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang, khi đoàn kiểm tra lấy mẫu nước thải của 14 đơn vị hoạt động sản xuất, chế biến tại khu vực này để kiểm nghiệm, kết quả tất cả đều xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.

Không kiểm soát nổi

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2010 trên cả nước có 67 cảng cá, trong đó tập trung nhiều ở ĐBSCL. Cục Thủy sản nhận định “các cảng cá không kiểm soát được tình trạng ô nhiễm và tình trạng ô nhiễm hiện nay đang ở mức báo động”.

Theo Cục Thủy sản, nguyên nhân của việc cảng cá ô nhiễm là do việc phối hợp quản lý giữa ban quản lý cảng cá, sở NN&PTNT, sở TNMT các tỉnh chưa chặt chẽ. Thêm vào đó là sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động cảng cá làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường cảng cá trở nên trầm trọng hơn.

TẤN THÁI - TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên