Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy
Theo chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy, trong 3 đợt giãn cách vừa qua, chị thường xuyên nhận được lời cầu cứu từ người trẻ đang trầm cảm vì COVID-19 tác động. Họ thường hỏi về những lo lắng, căng thẳng khi đối mặt với khó khăn do dịch, chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng, cách nuôi dạy con cái trong mùa dịch…
"Một bạn nam gần 30 tuổi gọi tôi với sự cô đơn, tuyệt vọng. Anh chưa có gia đình, tinh thần luôn chông chênh, cô độc. Công việc trong mùa dịch bất ổn, kèm theo sự tiêu cực trong những mối quan hệ trước đó khiến anh than phiền", chị nói.
Chị Thúy cho biết trạng thái tinh thần thường ngày sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ của người trẻ trong mùa dịch. Đặc biệt, môi trường sống trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Nếu mối quan hệ cha mẹ, con cái bất ổn, xung đột, người trẻ dễ dàng bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, họ quan tâm nhiều đến những mối quan hệ với bạn bè trên mạng xã hội. Trong thế giới thật và ảo, sự chế giễu, gièm pha sẽ khiến bạn trẻ dễ tổn thương sâu sắc. Khoảng cách trong mùa dịch khiến nhiều bạn dễ hiểu nhầm, gây tổn thương cho nhau.
"Tại sao COVID-19 khiến càng nhiều người trẻ mắc các bệnh về tâm lý? Bạn trẻ nhạy cảm, dễ tổn thương khi bước vào xã hội đang có nhiều thay đổi. Trong mùa dịch, bao ước mơ bị khép lại, chậm lại, như du học, chọn trường, khởi nghiệp… Nếu không có ước mơ, bạn dễ chán nản. Tâm lý không vững vàng sẽ khiến một số bạn trẻ hoang mang nhiều hơn trong mùa dịch", chị nói.
Dịch bệnh là hoàn cảnh khách quan. Khi nhận thức không né tránh điều này, bạn sẽ tránh được bi quan, chấp nhận được hoàn cảnh.
Nhiều bạn bị stress tâm lý vì các số liệu của COVID-19, cảm thấy sợ hãi khi có nhiều ca nhiễm tăng lên, tin giả, tin xấu. Theo chuyên gia tâm lý, việc cập nhật tin tức là cần thiết, tuy nhiên bạn không nên đọc quá nhiều những thông tin tiêu cực. Việc của mỗi người là tuân thủ nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Trong mùa dịch biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, giúp đỡ mọi người trong khả năng có thể đã là yêu nước.
Thay vì buồn rầu, chán nản, than thở, bạn trẻ nên tận dụng cơ hội để làm những việc có ích. Đây chính là cơ hội vàng để học hỏi những kiến thức, rèn luyện kỹ năng mới, vì đang có rất nhiều khóa học online. Bạn có thể học ngoại ngữ, viết văn, đọc sách, trồng cây,… Những việc trên sẽ giúp bạn không chỉ có kiến thức, mà còn có nhiều niềm vui, sự tự tin, gia tăng giá trị bản thân. Công việc sẽ xua đi nỗi buồn chán. Người bận rộn không có thời gian để buồn!
Bạn cũng nên tiết chế xem các bộ phim bạo lực, kinh dị, khiêu dâm. Hoạt động tiêu cực sẽ tăng thêm nhiều hành vi xấu. Ngoài ra, bạn cần cách xa những luồng thông tin có hại.
Bạn cũng nên tranh thủ thời gian để tập thể dục tại nhà, vừa ra mồ hôi, thải độc…, vừa giúp ta khỏe hơn, vui hơn, gia tăng sức mạnh cho hệ miễn dịch. Chị cũng khuyên các bạn trẻ sắp xếp thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi một cách khoa học, không nên nuông chiều bản thân, như xem phim quá khuya, lười vận động, ngủ nướng...
Thay vì than phiền trong bóng tối, chúng ta hãy tự nắm bắt cơ hội trong mùa dịch để hoàn thiện chính bản thân mình.
Chuyên viên tâm lý PHẠM THỊ THÚY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận