Phóng to |
Hình ảnh do TEPCO cung cấp cho thấy các công nhân đang vào lò phản ứng số 2 ở Nhà máy Fukushima ngày 18-5 - Ảnh: Reuters |
Quy mô của thảm họa - vốn vượt qua tất cả những kế hoạch hay dự báo ban đầu của con người - có thể xử lý được hay không phụ thuộc vào 24 giờ vàng ngọc đầu tiên sau khi thảm họa xảy ra. Thảm họa có nguy cơ chồng lên thảm họa, khi một yếu tố sai sẽ kéo theo hàng loạt yếu tố sai khác.
Hệ thống làm lạnh ngưng hoạt động
Hệ thống làm lạnh khẩn cấp được lắp đặt ở lò phản ứng số 1 trước động đất - chiếc phao cứu sinh trong trường hợp mất điện toàn bộ - chỉ hoạt động rời rạc. TEPCO giải thích dường như có người đã dùng tay đóng van thiết bị này ngay sau trận động đất (nhưng trước khi sóng thần xảy ra một giờ sau đó) để kiểm soát áp suất không ổn định trong lò phản ứng. Mở van sẽ cần năng lượng chạy bằng pin, do đó đây là điều không thể thực hiện vì sóng thần đã phá hủy toàn bộ pin dự phòng. Nếu những van này không bị đóng, có thể tình hình sẽ khác. Nhiệt độ trong lò phản ứng tăng nhanh hơn những dự báo trước đó. Tuần qua, TEPCO thừa nhận các vấn đề ở lò phản ứng số 1 đã xấu hơn nhiều so với dự kiến. Nhiên liệu có thể đã bị tan chảy nhanh chóng chỉ năm giờ sau vụ động đất.
Trung tâm xử lý khẩn cấp bên ngoài nhà máy bị tê liệt
Lẽ ra chính phủ phải có ngay phản ứng khẩn cấp từ một trung tâm được đặt tại khu vực bên ngoài nhà máy do các quan chức của Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân (NISA) điều khiển, cách nhà máy 15 phút xe hơi. Thế nhưng khi ông Kazuma Yokota, người lãnh đạo trung tâm này, có mặt tại đó thì tất cả đường điện thoại, kể cả di động, điện thoại vệ tinh, hệ thống cung cấp điện dự phòng đều bị hỏng. Do đó, trung tâm này thật sự bị cách ly khỏi nhà máy, không cập nhật được diễn biến trong thời gian quan trọng nhất.
Trong lúc đó, hệ thống liên lạc khẩn cấp của TEPCO còn hoạt động do trung tâm lưu trú khi động đất của Fukushima Daiichi ở xa trong bờ đến mức có thể vẫn còn an toàn sau sóng thần, nên máy phát điện giúp hệ thống liên lạc truyền hình với Tokyo và hệ thống điện thoại nội bộ đặc biệt từ Tokyo với TEPCO vẫn ổn định. Tuy nhiên, trung tâm xử lý khẩn cấp lại không có thông tin trong khi chính phủ phụ thuộc vào các trung tâm của TEPCO để nhận thông tin. Do vậy xảy ra tình trạng thiếu thông tin. Ông Yokota đã phải đưa nhân viên trở lại nhà máy để biết chuyện gì đang xảy ra. Máy phát điện của NISA chỉ hoạt động lúc 2g sáng 12-3 và hết năng lượng trong một ngày.
Lò phản ứng số 1 không ổn như “vẫn tưởng”
Lúc 20g35 ngày 11-3, TEPCO thông báo với chính phủ về các dấu hiệu nguy hiểm đầu tiên ở Nhà máy Fukushima Daiichi: hệ thống làm lạnh khẩn cấp ở lò phản ứng số 1 dường như đã ngưng hoạt động. Các chuyên gia của NISA dự báo nhiên liệu trong lò phản ứng có thể bắt đầu tan chảy lúc 1g sáng. Lúc 21g23, Chính phủ Nhật ra lệnh di tản người dân trong vòng 3km từ nhà máy, nhưng chính quyền tỉnh Fukushima đã ra lệnh di tản cách đó trước nửa giờ.
Thực tế giờ đây vấn đề nằm ở lò phản ứng số 1. Cho tới nửa đêm, các kỹ sư của Fukushima Daiichi báo cáo hệ thống làm lạnh của lò phản ứng số 2 đã hoạt động trở lại nhưng ở lò số 1 đã ngừng. Giờ đây TEPCO thừa nhận các thanh nhiên liệu của lò phản ứng số 1 có thể đã bị lộ thiên vào thời gian đó.
Không di chuyển được
Theo quy định của nhà máy, quyết định cho thông hơi khí phóng xạ từ một lò phản ứng phải do chủ tịch TEPCO, ông Masataka Shimizu, đưa ra. Vào thời điểm các kỹ sư của TEPCO và chính phủ sắp quyết định thì ông Shimizu đang bị kẹt ở thành phố Nagoya, cách xa khoảng 200km về phía tây Tokyo, sau khi cố tìm mọi cách mà vẫn không trở lại kịp trụ sở làm việc sau động đất. Lúc 21g30, ông Shimizu đã yêu cầu máy bay vận tải quân sự đưa ông tới Tokyo, nhưng Bộ Quốc phòng từ chối do máy bay phải được trưng dụng để chở hàng đến khu vực bị sóng thần.
Ô nhiễm không khí
TEPCO không lắp đặt hệ thống lọc không khí trong hệ thống thông hơi khẩn cấp để chặn các hạt bụi phóng xạ. Việc lắp đặt hệ thống thông hơi này được xem là tự nguyện, bởi nhà chức trách Nhật không nghĩ các lò phản ứng hạt nhân một ngày nào đó sẽ phải đối phó với tình trạng khủng hoảng ở quy mô mà hệ thống thông hơi được thiết kế để chịu đựng. Có nghĩa là thông hơi sẽ phải đi kèm với việc thải một lượng lớn phóng xạ ra không khí. Trước khi thông hơi, chính phủ đã mở rộng khu vực di tản từ 3km một đêm trước đó lên thành 9km. TEPCO cho rằng việc trì hoãn thải khí ra là do lo ngại tới sức khỏe người dân.
Vấn đề của máy bơm
Các công nhân TEPCO muốn đảm bảo họ có thể bơm thêm nước vào lò phản ứng khi thông hơi. Quá trình thông hơi có thể làm trầm trọng hơn hệ thống làm lạnh do mức nước sẽ càng thấp hơn trong lò phản ứng. Ít nhất một xe cứu hỏa dùng để bơm nước đã bị sóng thần cuốn đi. Khi nhóm cứu hộ ở mặt đất có được vòi rồng bơm nước vào lò phản ứng số 1, họ lại không có nước vào. TEPCO đã không thể bơm nước ngọt vào lò phản ứng cho tới 5g46 sáng 12-3. Các nhân viên đã dừng hoạt động vào khoảng 15g, tức nửa giờ trước khi xảy ra vụ nổ hydrogen - sau khi bơm khoảng 80 tấn nước.
Thay ca vào nhà máy
Mức phóng xạ ở lò phản ứng số 1 quá cao vào thời điểm các công nhân vào bên trong để mở các van thông hơi bằng tay và họ đã phải thay nhau ra vào trong thời gian ngắn để tránh nhiễm xạ. Giám đốc ca trực của lò phản ứng số 1 đã vào khu vực bị nhiễm xạ gấp 100 lần so với mức trung bình một người có thể chịu đựng trong một năm. Sau đó, từng nhân viên theo bước ông vào trong để vận hành van từ từ. Lúc 21g15 van mở được một nửa. Mức phóng xạ đã làm chậm lại mọi nỗ lực mở nửa van còn lại. Họ lần mò trong bóng tối, mang theo bình dưỡng khí vào lò phản ứng. Tổng cộng có 18 công nhân đã bị nhiễm xạ hôm đó, theo tài liệu của NISA, cho dù chưa ai có vấn đề về sức khỏe theo như thông báo đến nay. Giám đốc ca trực bị đau đầu và được bác sĩ khám rồi sau đó về nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận