07/09/2021 21:12 GMT+7

Ở nhà giúp vợ rửa bát quét nhà thì có sao?

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Sau mỗi bữa cơm, anh Tuấn nhanh tay dọn dẹp đống bát đũa ngổn ngang trên bàn như sợ vợ tranh mất phần. Những ngày dịch bệnh, anh đảm đương việc rửa bát mà chẳng nề hà, sẻ chia với vợ trong công việc nhà.

Ở nhà giúp vợ rửa bát quét nhà thì có sao? - Ảnh 1.

Một phụ nữ đang lau chùi khu vực bếp nấu - Ảnh (minh họa): GETTY IMAGES

Vừa qua, video của cô gái "gen Z" phản đối việc những người phụ nữ lớn tuổi yêu cầu cô nấu cơm, rửa bát để cánh đàn ông trong nhà "ngồi chơi xơi nước".

"Người lành lặn phải biết tự phục vụ bản thân chứ?", "họ có đủ 2 tay mà" - là lý do mà cô gái "gen Z" đưa ra để từ chối việc rửa bát.

Video đăng tải trên TikTok ngay lập tức trở thành đề tài tranh luận gay gắt trên mạng xã hội. Không chỉ dừng lại ở chuyện rửa bát đĩa, những người trẻ chia sẻ nhiều quan điểm xung quanh vấn đề bình đẳng giới, nữ quyền.

"Ủa, bạn ở đâu vậy, chứ tôi đi ăn cỗ khá nhiều nơi thấy đàn ông mổ lợn, bò nấu cỗ rồi các mẹ hầu như chỉ ngồi nhặt rau buôn chuyện, xong xuôi thì dọn dẹp", một bạn trẻ tranh luận.

Một người khác đưa dẫn chứng từ câu chuyện trong gia đình mình: "Nhà mình thì ba không biết nấu ăn nhưng có giỗ hay dịp gì luôn phụ mẹ bưng đồ lên rồi dọn đồ xuống, chuẩn bị ly rượu các kiểu chứ không để mẹ làm một mình".

Từ vụ việc lùm xùm trên mạng, anh Nguyễn Văn Tuấn (33 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ câu chuyện trong căn bếp nhà mình. 45 ngày giãn cách xã hội vừa qua, vợ chồng anh làm công nhân phải tạm ngưng việc. Đang bụng mang dạ chửa, con đầu còn nhỏ nhưng chưa bao giờ vợ anh trễ nải việc bếp núc, chị đảm đương nhiệm vụ đi chợ, nấu nướng cho cả nhà.

"Tất nhiên chẳng riêng ngày giãn cách cô ấy mới vào bếp. Vợ tôi thích nấu nướng, thích bày biện mọi thứ trong nhà. Niềm vui của cô ấy là nhìn thấy chồng con ngồi vào bàn ăn ngon lành những món mình nấu" - anh chia sẻ.

Thương vợ vất vả, sau mỗi bữa cơm anh Tuấn đều nhanh tay dọn dẹp đống bát đũa ngổn ngang như sợ vợ tranh mất phần. Anh "thiết kế" hẳn khu rửa bát riêng, trước mặt đặt bể cá, chậu hoa, biến việc rửa bát thành niềm vui.

Mỗi ngày anh đều chọn cách sẻ chia với vợ trong công việc nhà. Nếu chị vào bếp, anh Tuấn chọn rửa bát. Chị lau dọn nhà, anh gấp quần áo. Chị tắm cho con, anh dạy chúng học bài.

"Mấy việc cỏn con này, sá chi!", anh Tuấn cười hiền lành. 

Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoài Anh (khoa công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, một bộ phận giới trẻ ngày nay đang hiểu sai về nữ quyền. Bản chất của nữ quyền là sự công bằng, bình đẳng giữa nam và nữ.

Chẳng hạn, quan niệm phụ nữ vốn được coi chỉ làm những việc trong gia đình thì nay họ có thể tham gia chính trường, làm kinh tế. Ngược lại, đàn ông vốn được coi phải làm những việc lớn lao trụ cột thì nay cũng có thể làm những việc gia đình.

"Với những phụ nữ Việt Nam cho rằng, không làm việc nhà mới là lối sống Tây là quan điểm lệch lạc, hiểu không đúng, thậm chí đánh tráo khái niệm nữ quyền. Những quan niệm "tứ đức, tam tòng" trong chế độ phong kiến đã có thay đổi phù hợp với xã hội hiện đại, song không có nghĩa người phụ nữ hiện đại bỏ quên những giá trị truyền thống về gia phong, gia đạo, gia huấn. Dù ở thời đại nào, công - dung - ngôn - hạnh vẫn nguyên giá trị cho người phụ nữ hiện đại soi mình để hoàn thiện", tiến sĩ Hoài Anh chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Trần Linh Sơn, giám đốc Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (thuộc Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam), cho rằng để có được sự bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông, quan trọng hơn hết chính là sự chia sẻ, bình đẳng trong các mối quan hệ. Người đàn ông chia sẻ với phụ nữ và ngược lại nữ giới cũng chia sẻ với đàn ông, để từ đó san sẻ, đồng lòng vượt qua các rào cản trong cuộc sống.

Mời bạn chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online cách nâng chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình, bạn bè khi ở nhà mùa dịch, từ việc học tập, thể thao, giải trí... Bài viết không quá 800 chữ, có thể kèm ảnh và video. Email gửi về [email protected]. Bạn đọc vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Đàn ông không được rửa bát quét nhà Đàn ông không được rửa bát quét nhà

TTO - Nghiên cứu do một phụ nữ chủ trì (*) vừa công bố về nam giới Việt Nam cho thấy bổn phận phải trở thành một người đàn ông đích thực chính là một trong những căn nguyên gây nên áp lực tinh thần cho họ.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên