Thời gian ở nhà nhiều, tôi hiểu ra đọc sách cũng lắm công phu - Ảnh: dfordelhi.in
Cơ hội sống "nhiều cuộc đời"
Khi có nhiều thời gian rỗi hơn, tôi nhận ra tâm lý chung của con người là ít tự soi rọi, lưu ý đến các vấn đề ở bản thân, mà thường chỉ khi "đụng chuyện" thì mới nhận ra, loay hoay tìm giải pháp. Chẳng hạn có bao nhiêu bạn trẻ hoặc đang làm việc quên trời đất, hoặc từng ăn chơi thâu đêm suốt sáng nhận ra triết lý về sức khỏe "chiếc giường đắt nhất thế giới là chiếc giường bệnh"?
Còn tôi mải mê làm việc và viết, mà quên mất nguồn nuôi dưỡng cho việc viết và làm việc hiệu quả dài lâu chính là đọc.
"A reader lives a thousand lives before he dies" (tạm dịch: Người chăm đọc được sống nhiều cuộc đời trước khi chết), nhà văn Mỹ George R. R. Martin có câu nói nổi tiếng là vậy. Tôi đọc nhiều hơn, tập nghiền ngẫm sâu hơn các chủ đề yêu thích bằng tiếng Anh để vừa hiểu được văn phong gốc ở tác phẩm, vừa để vốn ngoại ngữ không bị thui chột.
Trước đây, do bận rộn, tôi đọc khá gấp rút, chủ yếu để lấy thông tin hơn là mạch câu chuyện, ít thấu cảm với nhân vật, thậm chí "cái gì khó quá thì bỏ qua". Còn giờ, tôi hiểu rõ hơn về nỗi lòng, căn nguyên của sự mạnh mẽ ở bà Michelle Obama khi lớn lên trong bối cảnh nước Mỹ vẫn còn phân biệt chủng tộc… thông qua sách và "đào sâu" Google.
Và tôi cũng nhận ra sự đọc cũng lắm công phu, không phải đọc nhiều lúc nào cũng tốt. Một câu nói rất phổ biến ở dân khởi nghiệp công nghệ là "Garbage in, garbage out" (tạm hiểu: Khi chúng ta đưa dữ liệu đầu vào đa phần là "rác" thì đầu ra kết quả cũng sẽ vô nghĩa, thậm chí gây hại).
Việc đọc cũng hệt như vậy, đó là lý do tôi hạn chế đọc những thông tin giật gân thiếu căn cứ, không xem những hình ảnh, clip đáng sợ về bệnh nhân và người tử vong do COVID-19 tràn lan nhưng chẳng có nguồn gốc rõ ràng… Sự cẩn trọng về sức khỏe là tốt, nhưng giới hạn giữa chúng và tò mò, phát tán vô tội vạ, hoang mang đến hoảng loạn lại là không nên.
Học được cách biết ơn
Cách đây vài năm, trong lần trò chuyện với người bạn là ca nhạc sĩ S.L., tôi bối rối khi anh chia sẻ về ý anh từng để những giá trị vật chất cuốn mình đi, cực kỳ ít thời gian cho người thân, và ăn không thấy ngon…, cho đến khi đối diện phút nguy kịch mới dâng tràn cảm xúc hối hận, tiếc nuối.
Một buổi đào tạo miễn phí về khởi nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ (do Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ĐHQG TP.HCM tổ chức) - Ảnh: VINH SAN
Giờ tôi đã hiểu bữa ăn ngon thật sự là khi bản thân không chỉ cảm nhận đơn thuần bằng các giác quan thông thường, mà còn ở việc thẩm thấu giá trị tinh thần, công sức bỏ ra để cả nhà có một bữa ăn đúng nghĩa.
Điều đó càng trở nên ý nghĩa khi bản thân biết ơn, nhận ra mình may mắn hơn nhiều thân phận đang chật vật chạy từng bữa ngoài kia. Và sự vỡ lẽ đó ắt hẳn chỉ có khi tôi có nhiều thời gian quan sát hơn khi quanh quẩn ở nhà cả ngày.
Một điều tôi thích nữa là chưa bao giờ các hoạt động giảng dạy, chia sẻ tri thức lẫn kỹ năng miễn phí lại nhiều như bây giờ. Bên cạnh các trang chia sẻ kiến thức nổi tiếng ở nước ngoài như Coursera, TEDx, MITx…, nhiều hoạt động giao lưu, chữa bệnh thể chất lẫn tinh thần trong nước cũng rất sôi nổi.
Chỉ từ đầu tháng 8 đến giờ, tôi đã có cơ hội tham gia nhiều hội thảo trực tuyến miễn phí nhưng rất ý nghĩa như chuỗi hội thảo về tâm lý Cùng nhau đi qua đại dịch (do ĐH Hoa Sen tổ chức), chuỗi đào tạo về các kiến thức khởi nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ (do Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, ĐHQG TP.HCM tổ chức), Nâng cấp chiến lược, thay đổi doanh thu (do Google Việt Nam tổ chức)… Chúng giúp cho chuỗi ngày ở nhà vì giãn cách của tôi thật sự trở nên đầy màu sắc, tích cực hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận