04/02/2018 16:03 GMT+7

Ở một mình, tôi vẫn ổn!

ĐỖ TRƯỜNG
ĐỖ TRƯỜNG

TTO - Mùa xuân này, đừng lo sợ một mình đáng thương. Hãy mặc áo đỏ, thôi hát nốt trầm, và tự tin xuống phố. Khi xinh đẹp, bạn một mình vẫn ổn!

Ở một mình, tôi vẫn ổn! - Ảnh 1.

Ngồi ăn một mình, bạn dễ bị đánh giá "bất thường" - Ảnh: Timi

Không khí tết tràn về những người trẻ xung quanh tôi bên cạnh chạy đua với công việc, đồ án tốt nghiệp, không ít đứa lo cuống cuồng kết đôi kết cặp. Hỏi ra mới biết, người trẻ bây giờ sợ tết cô đơn, sợ tết một mình. 

Một mình thì sao nhỉ? Và nhìn lại trải nghiệm cũng như trang nhật kí của mình, tôi có được câu trả lời: Một mình vẫn ổn!

Một buổi sáng, tôi đến thư viện, ôm một chồng sách 4-5 cuốn đến bàn và ngồi đọc. Rất nhiều ánh mắt nhìn kiểu như "đồ mọt sách", "nó đi thư viện một mình kìa", "bày đặt làm lố, có đọc hết không mà mượn cho cố"…

Vài ngày sau, tôi cùng cô bạn vào thư viện, mỗi đứa một chồng sách cũng 4-5 cuốn, nhưng không hề gặp ánh mắt dò xét.

Bạn tôi nói, đó là tâm lý đám đông. Đám đông luôn chĩa mũi tên vào phe yếu. Bởi thế, rất ít người can đảm ở tình trạng một mình. 

Tôi thì có đó. Nhiều và rất nhiều ngày sau, thậm chí đến bây giờ, tôi vẫn một mình đọc sách. Đọc sách và làm nghiên cứu lí luận cần sự tập trung, xâu chuỗi, tưởng tượng của chỉ một người.

Trưa nọ, tôi đang ngồi ăn cơm trên căn tin cơ quan, một ông anh đồng nghiệp đến vỗ vai, nói: "Ăn một mình hả nhóc, tội vậy". Rồi anh đến quầy giao đãi với chị bán đồ ăn. 

Tôi biết anh không có ý xấu với tôi. Nhưng ngồi ăn một mình là tôi đang trò chuyện với thức ăn. Ẩm thực cũng là một tôn giáo mà người dùng bữa là tín đồ cần sự trang nghiêm.

Theo quan sát của tôi, giới trẻ Việt hiếm khi ngồi ăn một mình. Họ thường tụ tập nhóm 2 người trở lên cùng nhau ăn và trò chuyện rôm rả. Là vì thói quen, là vì văn hóa người trẻ, là vì sự san sẻ bữa ăn…, nhưng cũng không loại trừ vì họ sợ cô đơn, sợ bị soi xét, đánh giá.

Những câu hỏi xã giao như "sao đi ăn một mình vậy?", "bạn trai/bạn gái đâu mà đi mình em vậy?", "đi ăn một mình buồn quá hén?", "trời, thương mầy ghê, lủi thủi ăn một mình!"…  vô tình như một tấm màn phủ chụp lên không gian riêng của người khác, khiến nó tối đen.

Ở một mình, tôi vẫn ổn! - Ảnh 3.

Một mình, bạn có nhiều thời gian dành cho bản thân. Cảnh trong phim "Vì sao đưa anh tới" - Ảnh: Soompi

Cô bạn tôi bị ám ảnh nỗi sợ ăn một mình. Hễ bạn trai cô bận công tác, bằng mọi cách cô phải rủ được bạn bè đến ăn cùng. Có khi cả bạn trai và bạn bè bận, cô giãy nảy đòi chia tay, nghỉ chơi. Tất nhiên, hôm đó, cô bỏ bữa. Hỏi vì sao, cô trả lời "Điên hay sao đi ăn một mình, cho thiên hạ cười chê à?".

Khi đi xem phim, nhân viên bán vé thường hỏi tôi: "anh đi mấy người ạ?", ít ai đủ tế nhị để hỏi: "anh mua mấy vé ạ?". Có trường hợp tôi gặp phải là nhân viên bán vé tư vấn chọn "ghế tình nhân" cho người mua một vé như tôi. 

Cà phê một mình cũng lắm điều hay ho. Anh bạn ngồi một mình ôm laptop làm việc. Cô bạn ngồi một mình với cái điện thoại. Hay gã đàn ông trung niên cà phê một mình ngồi trầm ngâm. Sinh viên cà phê một mình cùng mớ sách vở, tài liệu trên bàn… Đúng thật là họ đang một mình, nhưng một mình với thế giới riêng của họ.

Người đời cứ đi ngang qua thấy ai khác mình thì đánh giá, cứ thấy những ai hoạt động một mình là tỏ thái độ hoặc: "nhỏ đó cô đơn, thấy thương ghê", "thằng đó ngồi buồn thiu, thấy tội tội"…; hoặc: "do ăn ở nên mới một mình", "chắc mới bị người yêu đá", "nó bỏ nhà đi chắc rồi"…

Ở một mình, tôi vẫn ổn! - Ảnh 4.

Đọc sách một mình thì có sao? - Ảnh: The Verge

Cũng giống như đám đông trong thư viện không biết rằng, sau chuỗi ngày một mình với một chồng sách tôi mới đủ kiến thức, sự tự tin đến gặp tiến sĩ hướng dẫn tiểu luận. Lúc đó, tôi không thể một mình, bên cạnh còn có giảng viên và nhóm nghiên cứu sinh đó chứ.

Ông anh đồng nghiệp làm sao biết, ngày hôm qua tôi được mời dự bữa tiệc sang trọng, có ca sĩ hạng A hát cho nghe. Nhưng tôi không thích bằng giây phút ngồi ăn một mình.

Đi ăn, xem phim, xem kịch, nghe nhạc, cà phê hay lang thang một mình nằm ở sự chọn lựa, tâm trạng và không gian riêng tư muốn hướng tới của mỗi cá nhân. Một mình là cách cân bằng lại cuộc sống. Một mình còn là cách tôi tái tạo lại cảm xúc, xốc lại tinh thần, lên dây cót cho công việc sắp tới.

Thực ra người trẻ bây giờ có đủ điều kiện để luôn có người vây quanh. Họ có công việc tốt, thu nhập ổn định, mối quan hệ rộng mở… nên không có chuyện họ bị cô đơn, tôi tin thế! Chỉ đơn giản là họ muốn chọn cuộc sống một mình.

Còn bạn thì sao?

Bộ tranh rực rỡ cuộc sống của một nàng độc thân 5 điều khiến yêu càng lâu, càng dễ chia tay Muôn vàn lí do sợ yêu
     
ĐỖ TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên