Từ trước đến nay, người ta cứ nghĩ câu chuyện nói tục có cơ sở văn hóa là xu hướng “đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục” trong dân gian. Xu hướng nói tục hay được đồng nhất với nhóm cư dân trình độ văn minh không cao.
Thời gian gần đây, nói tục đang lan rộng hơn, có xu hướng phổ biến hơn. Điều này xuất phát từ áp lực của con người trong đời sống hằng ngày có nhiều điều phải lo toan. Nên họ nghĩ rằng nói tục có thể giúp họ giải tỏa những điều đó.
Những áp lực không được giải tỏa, những mối lo, bất bình mà không trút gửi được vào đâu nên họ nói tục, chửi bậy bâng quơ. Nhưng ở một bình diện khác, nói tục, chửi bậy còn do chúng ta làm mất giá trị định hướng theo đuổi.
Nói bậy, chửi tục không chỉ là câu chuyện về văn hóa, mà còn là câu chuyện văn minh. Bản thân nói tục là sự tha hóa, trượt dài hơn về phía dã man hóa thay vì tiến về phía văn minh.
Người ta có thể lấy lý do ngày trước Hà Nội thanh bình, tĩnh tại. Còn bây giờ Hà Nội xô bồ hơn trước bởi Hà Nội rộng hơn, nhiều người hơn, có nhiều thách thức hơn khiến người ta dễ nói tục.
Nhưng nếu con người được giáo dục một cách chỉn chu, có bản lĩnh sẽ không nói tục, chứ không phải tìm đến nói tục để giải tỏa những vất vả lo toan của cuộc sống.
Xung quanh câu chuyện nói tục, không chỉ bằng một bộ quy tắc ứng xử để chấn chỉnh được mà phải là một cuộc vận động xã hội rộng rãi. Mọi người phải hướng cộng đồng xã hội về phía những giá trị văn minh là minh bạch, sạch sẽ, công bằng, văn minh, đàng hoàng, nghiêm cẩn.
Ngày trước, những người Hán học thâm nghiêm bao nhiêu thì càng về sau này, việc thiếu giáo dục một cách tử tế, thiếu giáo dục về luân lý cá nhân nên con người ta dễ buông thả và tìm đến những cái xấu, học rất nhanh.
Những người sống nền nếp, kín đáo, nghiêm cẩn thì không dễ gì phát hiện, còn những chuyện nói tục có thể bắt gặp ở nhiều nơi trong cuộc sống hằng ngày.
Tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả trách nhiệm của gia đình, nhà trường là do chúng ta không có sự kiểm soát trên bình diện xã hội.
Thể chế chậm đổi mới, việc dân chủ hóa còn chậm cũng làm nảy sinh những căng thẳng để con người ta thường văng tục, chửi bậy.
Nói tục, chửi bậy không còn riêng ở Hà Nội nữa. Nhưng ở miền Nam nói tục “dễ thương” hơn nhiều. Bởi họ nói tục do áp lực khiến người ta khó kiềm chế, còn ở miền Bắc nói tục để làm ra vẻ ta đây suồng sã, giản dị... thói giả đạo đức.
Và rõ ràng chúng ta đang thiếu vắng một tầng lớp tinh hoa gương mẫu, đủ sức làm gương cho cộng đồng làm theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận