21/06/2019 10:40 GMT+7

Ở Malaysia, hút thuốc trong quán ăn bị phạt đến 56 triệu đồng

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Dù đã có hiệu lực nửa năm qua, luật về thuốc lá của Malaysia vẫn gây tranh cãi khi bắt những người hút thuốc lá tránh xa các quán ăn ít nhất 3m. Người vi phạm có thể bị phạt tới 2.400 USD.

Ở Malaysia, hút thuốc trong quán ăn bị phạt đến 56 triệu đồng - Ảnh 1.

Các quán ăn kiểu mamak ở Malaysia có không gian mở - Ảnh: NST

Zharif Hamzah, kỹ sư 25 tuổi, ăn vội bữa trưa cùng đồng nghiệp trong một quán ăn. Họ đang muốn ăn thật nhanh để tranh thủ phì phèo vài điếu thuốc trong giờ nghỉ trưa.

Nhưng để làm được điều đó, họ phải rời khỏi quán ăn bởi một điều luật quốc gia vừa ban hành hồi tháng 1 năm nay.

"Luật này rõ là có ý tốt. Đúng là ban ngày thì không nên hút thuốc trong quán ăn, nhưng tôi nghĩ nên nới lỏng một chút vào ban đêm, đặc biệt là sau 22h", Zharif chia sẻ với báo South China Morning Post (SCMP).

Các công ty thuốc lá than phiền rằng luật mới khiến họ thất thu, còn những người có thói quen hút thuốc sau khi ăn uống cũng cảm thấy khó chịu. Trước đây họ chỉ cần ngồi tại chỗ, châm lửa và rít thuốc ngay tại bàn ăn, còn giờ họ phải đi nơi khác và thay đổi thói quen.

Năm 2007, Malaysia ban hành luật cấm hút thuốc trong các nhà hàng máy lạnh, trường học, trạm xăng, tại trụ sở công quyền và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, chẳng còn mấy ai tuân theo luật đó.

Giờ đây, luật mới đã trao cho các cơ quan chức năng quyền lực lớn hơn, cho phép họ phạt những người vi phạm số tiền lên tới 10.000 ringgit (khoảng 2.400 USD).

Cha Zharif đã qua đời vì ung thư phổi do hút thuốc lá, nhưng anh kỹ sư trẻ cho biết mình không có ý định từ bỏ sở thích phì phèo: "Tôi bắt đầu hút từ khi ra trường. Tôi biết tôi nghiện".

Ở Malaysia, hút thuốc trong quán ăn bị phạt đến 56 triệu đồng - Ảnh 2.

Một khu vực dành riêng cho những người hút thuốc lá ở Malaysia - Ảnh chụp màn hình

Hàng chục năm đối phó thuốc lá

Sự phản đối của các công ty thuốc lá, bao gồm cả động thái đưa bộ luật lên Tòa án Tối cao, đã không nhận được sự ủng hộ của công luận Malaysia.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện bởi báo New Straits Times, khoảng 80% trong số hơn 25.000 người được hỏi nghĩ rằng quy định cấm hút thuốc mới sẽ còn đi xa hơn, đề xuất các khách sạn và phòng giặt nên được liệt kê là khu vực cấm hút thuốc.

Malaysia bắt đầu siết ngành công nghiệp thuốc lá từ nhiều thập kỷ trước. Năm 1976, các công ty thuốc lá được yêu cầu in các cảnh báo về sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá. Năm 1994, việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi bị cấm và vào năm 1995, quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện truyền thông hoàn toàn bị cấm.

Trong khi Malaysia chi khoảng 3 tỉ ringgit mỗi năm để điều trị các bệnh liên quan đến hút thuốc, tỉ lệ người hút thuốc (khoảng 25% dân số) vẫn không đổi trong một thập kỷ qua.

Năm 2016, Bộ Y tế Malaysia đã công bố mục tiêu mới là cắt giảm tỉ lệ hút thuốc chỉ còn 15%. 

Để đạt được điều này, hồi đầu tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad tiết lộ một đạo luật siết chặt kiểm soát thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, đang được soạn thảo và dự kiến được trình vào cuối năm 2019.

Penang, một bang miền bắc Malaysia, còn tiến xa hơn nữa khi bắt đầu nghiên cứu khả năng áp dụng lệnh cấm hút thuốc trên toàn bang vào năm 2024. 

Chính quyền Penang thừa nhận để hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng này, trước hết cần quy hoạch và xây dựng các khu vực dành riêng cho việc hút thuốc ở nơi công cộng, song song với việc tuyên truyền và giáo dục các tác hại của thuốc lá.

Ở Malaysia, hút thuốc trong quán ăn bị phạt đến 56 triệu đồng - Ảnh 3.

Biển báo cấm hút thuốc tại một di tích lịch sử của Malaysia - Ảnh chụp màn hình

"3m là chưa đủ"

Chuyên gia Terence Too thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia, nhận định quy định mới vẫn còn nhiều chỗ chưa phù hợp, trong đó có khoảng cách 3m.

"Nếu có gió thì khói thuốc lá vẫn sẽ bay tới chỗ bạn", ông Too ví dụ. Thêm vào đó, các quán ăn ở Malaysia phần lớn đều theo phong cách mamak - tức là mở hoàn toàn - nên ranh giới giữa trong và ngoài hầu như không rõ.

Tiến sĩ Rizal Abd Rahman, một gương mặt quen thuộc trong chương trình My Doctor trên sóng truyền hình Malaysia, trấn an động thái mới nhất của chính phủ không nên được hiểu lầm là sự phân biệt đối xử với những người hút thuốc.

"Thay vào đó, lệnh cấm hút thuốc của chính phủ nên được hiểu nhằm mục đích bảo vệ quần chúng khỏi khói thuốc ở các khu vực công cộng".

"Ăn xong cũng hút. Bị căng thẳng cũng hút. Đi chơi, tán gẫu với bạn bè cũng hút. Muốn tôi ngừng hút chắc phải mất rất nhiều thời gian. Nó ăn sâu vào tôi rồi", anh kỹ sư trẻ Zharif giãi bày.

Không hút thuốc trở thành lợi thế khi xin việc tại Nhật

TTO - Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật thích tuyển dụng các nhân viên không hút thuốc, vì lý do sức khỏe và tăng hiệu quả làm việc bởi cắt giảm được thời gian nghỉ giải lao hút thuốc.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên