Lực lượng chức năng Thái Lan thu giữ số hổ chết, tê tê cùng những động vật hoang dã quý hiếm khác được tuồn trái phép tại một khu vực gần biên giới Lào - Ảnh: AFP
Từ lâu, Lào được xem là một trạm trung chuyển quan trọng để buôn bán động vật hoang dã quý hiếm sang các nước láng giềng. Tham nhũng cùng dòng chảy tiền tệ dễ dàng qua các khu vực biên giới của Lào đã cho phép tình trạng buôn bán phi pháp tê tê, hồng hoàng mũ cát… trở nên thông suốt.
Và hơn hết, các trang trại khét tiếng ở đất nước nội lục địa này cũng ngày một "thịnh vượng" hơn. Đó là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu để tạo ra nhiều mặt hàng hiếm như hổ sống, cao hổ, hay "tửu táng" chúa sơn lâm…
Nơi tụ họp những "ông ba mươi"
Năm 2016, chính phủ Lào thông báo cho tổ chức Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) rằng nước này có ý định sẽ đóng cửa các trang trại nuôi hổ.
Tuy nhiên, các trại nuôi hổ ở xứ sở Triệu voi vẫn mọc lên, nếu không nói là đông đúc hơn trước. Như một chuyên gia trong ngành đánh giá, chuyện buôn bán hổ phục vụ y dược giờ đã "nằm ngoài tầm kiểm soát" tại Lào, theo báo South China Morning Post của Hong Kong ngày 15-4.
Các nhóm bảo tồn động vật hoang dã nước ngoài làm việc tại Lào cho hay không một vụ bắt giữ nào diễn ra liên quan tới tội buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm tại Lào trong những năm gần dây, mặc dù nước này được quốc tế trợ giúp huấn luyện lực lượng kiểm lâm và hỗ trợ điều tra các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Một trang trại nuôi hổ ở Lak Sao, Lào - Ảnh chụp màn hình SCMP
"Các cán bộ kiểm lâm nhận hối lộ từ những tay buôn lậu, trong khi các quan chức thì ăn đút lót nhiều hơn để cho phép các trang trại tiếp tục hoạt động" - một chuyên gia nước ngoài chuyên về tội ác động vật hoang dã ở Lào thông tin.
Ước tính có 700 con hổ được nuôi tại các trang trại ở Lào và hàng trăm con hổ được tuồn từ Thái Lan cùng khác nước khác về đây. Hổ sẽ bị làm thịt tại Lào và xuất các sản phẩm qua những nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc.
Nằm cách thủ đô Vientiane chưa tới 2 giờ lái xe, có 2 trang trại nuôi hổ lớn nhất hiện nay của Lào vẫn hoạt động bình thường.
"Số hổ nuôi ở trang trại đó giờ còn nhiều hơn trước kia. Chúng tôi nghe tiếng chúng gầm rú vào ban đêm" - một người bán trà làm việc cách trại nuôi hổ Soukvannaseng chỉ 200m ở quận Bolikhamxay kể lại.
Ngay cả số liệu được chính phủ Lào gửi cho CITES cho thấy số hổ nuôi tại trại Soukvannaseng đã tăng nhiều hơn gấp đôi, từ 102 con lên 235 con hổ kể từ năm 2016.
Ở làng Houysiet gần đó, có nhà của một người chuyên buôn hổ có "máu mặt" tên gọi Vixay Keosavang. Ông này được đặt cho biệt danh "Pablo Escobar (trùm ma túy khét tiếng toàn cầu người Colombia) của giới buôn động vật hoang dã". Ông ta nắm cả đường dây bị nghi chuyên xuất các sản phẩm từ hổ, cùng sừng tê giác và ngà voi từ Lào qua Trung Quốc và Việt Nam.
Hồi năm 2013, chính phủ Mỹ đã treo thưởng "khủng" trị giá 1 triệu USD để có thông tin giúp bắt được gã. Kể từ đó, nhân vật vốn đã khó tóm cổ này lại càng ẩn náu kỹ hơn.
Các hàng xóm cho biết Keosavang thường giấu kín hành tung của mình bằng việc di chuyển qua lại Houysiet và Vientiane, nơi cũng có nhà của hắn ta. "Ông ấy rất giàu có và quyền lực. Mọi người ở đây ai cũng đều kính nể ông ấy" - một người dân địa phương rụt rè cho biết.
Vixay Keosavang là một người có nhiều mối quan hệ với các quan chức chính phủ. Ông ấy đã tận dụng các mối quan hệ đó trong nhiều năm và rõ ràng đã thành công"
Julian Rademeyer - Nhà báo điều tra người Nam Phi
Vixay Keosavang (trái), "ông trùm" khét tiếng buôn bán động vật hoang dã quý hiếm tại Lào - Ảnh chụp mang hình SCMP
Mau giàu, rủi ro ít!
Nhà báo điều tra người Nam Phi Julian Rademeyer nhận định nghề buôn bán động vật hoang dã trái phép ở Lào ngày một lớn nhanh về quy mô vì lợi nhuận cao và nguy cơ bị bắt khá thấp.
"Đó là một ngành kinh doanh có rủi ro ít và lợi nhuận cao. Nếu anh/chị dấn thân vào nghề buôn bán động vật hoang dã, anh/chị có thể lời đậm" - ông Rademeyer đánh giá.
Nhà báo này cho biết đó gần như là "tội phạm hoàn hảo" vì Lào là một nơi lý tưởng để những đường dây như thế này hoạt động và phát triển. Các khoản tiền đút lót và việc quản lý lỏng lẻo của nhà chức trách Lào đã biến giấc mơ làm giàu của những tay buôn hổ thành hiện thực.
Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017 được Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) có trụ sở tại Đức công bố ngày 22-2-2018, Lào xếp hạng thứ 135 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, sụt tới 13 bậc so với năm 2016.
Ngay cả tại thủ đô Vientiane, các sản phẩm trái phép làm từ động vật hoang dã cũng được bày bán công khai, trong đó có một cửa hàng ở Don Chan Palace - một khách sạn 5 sao nằm cách Phủ Chủ tịch và các tòa nhà chính phủ Lào chỉ vài trăm mét.
Bên trong cửa hàng này có bày bán những chai rượu ghi là rượu cao hổ cốt với giá 1.650 nhân dân tệ (gần 6 triệu đồng), các gói mật gấu dạng bột giá 340 nhân dân tệ và các vòng tay làm bằng ngà voi giá 400 nhân dân tệ.
Là bước đầu hướng tới đóng cửa hoàn toàn các trại nuôi hổ, các nhóm bảo tồn động vật hoang dã nước ngoài đã lập ra một quỹ để phụ vụ điều tra các trại nuôi hổ ở Lào. Tuy nhiên, chính phủ Lào đã chặn đứng sáng kiến này.
Một đại diện đến từ một nhóm bảo tồn nước ngoài tham gia dự án trên cho biết: "Tôi không thể tin chuyện này lại diễn ra vì chúng tôi thậm chí không được phép tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ để mở đường cho kế hoạch của chúng tôi".
Bà Heather Sohl - Cố vấn cấp cao của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) tại London - kêu gọi cần đóng cửa ngay lập tức các trại nuôi hổ ở Lào.
"Săn trộm là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà loài hổ đối mặt. Tuy nhiên, việc tạo ra các sản phẩm từ hổ tại trang trại và tung ra thị trường khiến việc thi hành pháp luật chống lại những người buôn bán hổ trở nên khó khăn hơn" - bà Sohl bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận