Cư dân ký túc xá Đông Phương (Tập đoàn Phong Thái, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) tham gia thi gói bánh chưng đón tết - Ảnh: A LỘC
"Nhà trọ mà, đâu có quan trọng gì đâu. Chủ yếu soạn sửa, dọn dẹp phòng sạch sẽ rồi mua thêm vài đồ cúng kiếng đón Tết thôi à" - chị Thủy nói.
Chị Thủy rời Hà Tĩnh vào Đồng Nai làm công nhân được 8 năm, 5 năm qua về quê đón Tết. Năm nay vợ chồng chị Thủy háo hức lên kế hoạch dẫn hai đứa con nhỏ về sum họp cùng ông bà ngoại thì một lần nữa gia đình chị phải ăn Tết xa nhà do lo lắng dịch bệnh COVID-19 phức tạp.
Ngậm ngùi trả lại những chiếc vé xe, chị nói với giọng buồn buồn: "Ông bà ngoại lớn tuổi rồi nên tôi rất muốn dẫn các cháu về quê thăm ông bà. Buồn và tiếc lắm".
Theo chị Thủy, dù rất trông ngóng con cháu về quê đón Tết nhưng do lo sợ dịch bệnh phức tạp, cha mẹ chị đành nén nỗi buồn dặn con cháu ở lại đón Tết. Gửi lời chúc tới cha mẹ mình, chị Thủy nói: "Chúc ông bà ngoại khỏe mạnh, ăn Tết vui vẻ. Sang năm tùy tình hình con cháu sẽ sắp xếp về thăm ông bà ngoại".
Chị Nguyễn Thị Phượng từ Nghệ An vào Đồng Nai làm việc đã 14 năm. Trong 3 năm qua, chị luôn mong ngóng dẫn cả nhà về thăm ông bà nội ngoại. "Cả nhà đã chuẩn bị tinh thần hết rồi nhưng công ty vận động mọi người cân nhắc việc về quê. Dù rất buồn nhưng đành phải ở lại" - chị Phượng nói.
Gia đình chị Phượng từ quê cũng liên tục gọi vào hỏi han tình hình dịch bệnh, động viên con cháu giữ gìn sức khỏe, đón Tết bình an. Dù không thể so được với việc trực tiếp về quê sum họp cùng gia đình nhưng cũng giúp gia đình chị Phượng vững lòng hơn.
"Chúc ông bà, bố mẹ, các cháu ăn Tết thật vui vẻ. Các con trong này cũng sẽ đón Tết thật đầm ấm và luôn hướng về gia đình. Khi nào dịch ổn định, tụi con sẽ sắp xếp về quê thăm mọi người" - chị Phượng nói với người thân qua điện thoại.
Trên tinh thần "không về Tết này còn Tết khác, nhưng dịch không dập lúc này thì không còn lúc khác", không chỉ gia đình chị mà rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè cùng làm công nhân tại Đồng Nai cũng ở lại đón Tết. Để có một cái Tết ấm áp, mọi người cùng chung tay trang trí, làm đẹp nơi ở của mình.
Khắp căn phòng rộng 60m2 trong ký túc xá Đông Phương (thuộc Tập đoàn Phong Thái, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom), những cây hoa mai, hoa đào giấy mà chị Phượng tự làm được trưng bày rực rỡ. Giò chả, bánh mứt, quần áo mới... cũng đã được chị Phượng đặt mua, sửa soạn đón một cái Tết ấm cúng hơn.
Dưới sân, một con đường hoa đầy màu sắc trải dài từ cổng vào dãy ký túc xá. Trên những thảm cỏ nilông dựng mô hình con trâu kèm bánh chưng, dưa hấu, câu đối, bao lì xì, hoa mai, hoa đào... khiến cả ký túc xá tràn ngập hương vị tết. Những bài nhạc xuân rộn rã len lỏi khắp các căn phòng.
"Hoa giấy, mô hình đều do cư dân trong ký túc xá làm cả đó. Ở đây toàn người xa quê, cùng góp chút công sức quyết tâm mang Tết về ký túc xá" - chị Phượng vui vẻ nói. 10 năm sống trong ký túc xá, nơi đây trở thành quê hương thứ 2 của chị Phượng. Những cư dân xung quanh vừa là đồng nghiệp, vừa là hàng xóm, lại đồng cảnh xa quê mưu sinh nên càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn.
Năm sau thưởng hẳn 2 tháng lương là đẹp
Cũng theo chị Phượng, năm 2020 dù khó khăn nhưng công ty đã tạo điều kiện cho công nhân rất nhiều. Bên cạnh lương tháng 13, toàn thể công nhân còn được thưởng thêm 20 ngày lương để đón Tết truyền thống. Ngoài ra, những phần quà Tết, bốc thăm trúng thưởng, hội thi gói bánh chưng... vẫn được duy trì nên mọi người đón Tết xa quê cũng thấy ấm lòng.
Giọng phấn khởi, chị Phượng chia sẻ: "Anh chị em đang động viên nhau cùng cố gắng để Tết năm sau được thưởng hẳn 2 tháng lương là đẹp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận