Quán Yến trên đường Nguyễn Văn Cừ
Trong dòng chảy tốc lực đó, riêng có một địa chỉ để người ta lắng lại và sống chậm - quán Yến.
Quán Yến tên đầy đủ là , đặt theo tên của bà chủ. Quán có số nhà, có bảng hiệu, nhưng với người lần đầu tìm đến sao khó lạ. Còn khách quen, họ chỉ cần nhấp nháy một câu là đủ hiểu: "Ra Yến nhé!".
“Chỉ cần nhìn mã khách hàng là chị biết ai đã từng đọc quyển sách đó. Mỗi mã số là một con người, một hoàn cảnh riêng
Chị Yến
"Điểm tập kết" cuối cùng
Hơn nửa năm trước, trong một lần chờ gặp anh bạn đồng nghiệp công tác tại báo Quảng Ninh, tôi tình cờ biết đến thư viện Yến trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Sau nhiều năm không còn đọc sách truyện, tưởng chừng cảm xúc háo hức, hồi hộp khi cầm quyển truyện sẽ bớt đi.
Nhưng không, cái gì đã là đam mê thì vẫn là đam mê, chỉ là tạm bị quên đi bởi những thứ vui khác, bởi áp lực công việc nặng nề. Và buổi sáng chủ nhật trong lành đó, tôi thấy nhiều em học sinh, cả cậu bạn dân văn phòng quần tây áo sơmi, một bác lớn tuổi... cùng chung sở thích như mình, say mê lật từng trang truyện cũ, sách mới "ngấu nghiến" đọc.
Đoàn Ngọc Trâm năm nay 27 tuổi, đã một thời gian đi làm, kết thân với Internet. Nhưng sau đó vì nhớ nhớ cái cảm giác hạnh phúc khi được chạm tay vào trang sách nên cô tìm lại về chốn này. Có những bộ truyện Trâm đọc từ hồi lớp 3. Đến nay cô đã có chồng, có con, truyện còn chưa ra hết.
Trong cái se sắt giao mùa, Trâm mải miết lật từng trang sách chăm chú. Cốc nước trên bàn còn nguyên, thôi bốc khói từ lâu. Sau gần hai giờ cô đọc hết chồng sách truyện trên bàn, khẽ nhìn lên và câu chuyện của chúng tôi mới bắt đầu.
"Trước đây Hạ Long có tám quán cho thuê sách, truyện nổi tiếng: quán Trang ở Cao Xanh, quán Thu ở Hà Khánh, quán cô Tuyết, cô Thành... Nhưng rồi họ dần đóng quán hết vì tiền cho thuê sách chẳng thấm vào đâu.
Bỏ mấy chục, mấy trăm nghìn đồng mua sách rồi thu về tiền lẻ, chưa kể mất mát, Họ không duy trì được nên dần từ bỏ. Đến nay thư viện Yến là điểm duy nhất còn hoạt động, là nơi cho những người mê sách như mình tìm đến" - Trâm nói.
Ngẫm nghĩ một hồi, Trâm nói tiếp: "Có lẽ quán Yến còn đến bây giờ là nhờ cô chủ yêu sách, tâm lý. Mọi người đến đây vì có chung sở thích, rồi mang theo những câu truyện từ sách ra ngoài để nói chuyện, thoải mái lắm. Mình đến đây, chẳng cần xưng tên tuổi, cứ bắt vào câu chuyện dang dở, thế là quen thân".
Theo lời chị Nguyễn Thị Hải Yến - chủ quán thư viện, chị lấy tên mình đặt cho quán nhưng rồi cái tên riêng dần thành danh từ chung.
"Ra Yến đi!". Câu nói quá đỗi thân thương mà bao thế hệ học sinh, sinh viên, cả người lớn tuổi quen gọi như một thứ tài sản vô hình được thừa nhận.
"Để duy trì quán cho mọi người có không gian đọc, chị phải mở thêm dịch vụ bán cà phê, đồ uống, thức ăn nhanh... Làm nghề này không phải mình độc quyền mà vui đâu. May mà vẫn có nhiều bạn đọc đến ủng hộ để mình thêm động lực giữ quán em ạ" - chị Yến nói.
Sách là kết nối
Thư viện Yến bán cà phê và sách. Khác với những tiệm nước thông thường, quán chỉ có một ổ điện duy nhất lộ ra ngoài nhưng vẫn đủ kín đáo, phía sau chiếc tủ sách.
Khách đến đây, chẳng mấy ai chăm chăm điện thoại, laptop. Chỉ có những chiếc bàn quây quần, những cuộc nói chuyện chia sẻ, tiếng sột soạt lật giở trang sách.
Nếu để ý kỹ, những cuốn sách trong quán đều được đóng mã màu phân loại, rất dễ tìm. Còn bên trong, cuối mỗi quyển sách, chủ nhân gắn những trang giấy ghi chi chít những dòng chữ số. Đó là một loại mã khách hàng.
"Chỉ cần nhìn mã khách hàng là chị biết ai từng đọc quyển sách đó. Có quyển như Rừng Na Uy gần 300 mã số, tương đương với 300 người đã thuê, đọc.
Mỗi mã số là một người, một hoàn cảnh riêng. Gần 20 năm mở quán, có những người mà chị nói chuyện cùng và rất nhớ, họ có thể là công chức, nhân viên công ty và cũng có thể là công nhân làm than, có bạn gái làm trong vũ trường... Sách không chỉ không kén chọn người đọc mà là cầu nối mọi người" - chị Yến nhớ lại.
Trong số những khách hàng của thư viện Yến có một cô bé học lớp 9 tính cách rất lạ, biệt danh là Mèo.
Ngày đầu đến quán, Mèo đi một mình, la hét, náo loạn quán... khiến khách ngồi uống nước không yên. Cô bé nghịch ngợm, mang những đồ vật trong quán làm đồ chơi, nhân viên quán nhắc hoài mà không nghe. Vậy mà chỉ sau mấy tuần ra quán, nói chuyện với cô Yến, tính Mèo thay đổi hẳn.
Mèo giờ đã bớt chanh chua, nhỏ nhẹ và nữ tính hơn nhiều. Giờ em đã có bạn chung sở thích đọc truyện tranh, cosplay, đó là cô bé Diệp hơn em một tuổi, cũng là khách ruột của thư viện Yến.
Mấy hôm nay hai chị em ngóng đợi từng ngày một ấn phẩm truyện tranh đặc biệt. Truyện về, cả hai ôm nhau hú hét vang quán, hồi hộp mở bao bì sách rồi nâng niu hít hà mùi sách mới.
Nhìn hai đứa nhỏ, chị Yến cười: "Có những mối lương duyên còn ly kỳ hơn nữa đó em. Cách đây khá lâu, quán chị có một cô tiểu thư gia đình khá giả và một anh công nhân mỏ cùng đến đọc sách.
Rồi họ quen, yêu nhau từ lúc nào không biết, bỏ qua những dị nghị, cản trở của gia đình. Quán sách là nơi hẹn hò và cũng là nơi chứng kiến tình yêu đẹp đó. Hai năm trước, cô tiểu thư lấy chàng công nhân, giờ đã có một nhóc tì".
Duyên sách
Cuối buổi nói chuyện, chị Yến nửa đùa nửa thật: "Sau này chị chỉ có một mong mỏi thôi, hoặc mấy đứa nhỏ nhà chị giữ lại được kho sách của mẹ, hoặc con dâu sau này giống mình, cũng đam mê với sách thì chị sẽ để lại toàn bộ sách truyện cho các con".
- Nếu các con không nhận thì sao?
- Thì chị làm đến khi nào còn đủ sức khỏe, sau đó sẽ đóng gói lại, tặng mỗi trường một thư viện sách mini hoặc tặng những người có tâm bảo tồn sách - cô chủ quán mỉm cười, vui vẻ trả lời.
Ngay từ nhỏ, vì ham thích nên chị Yến đã tích lũy cho mình được một kho những cuốn sách kinh điển cả trong ngoài nước.
"Nhịn ăn, nhịn mặc nhưng không nhịn đọc được. Rồi duyên bán sách đến. Năm 2000, chị bắt đầu mở cửa hàng cho thuê sách, truyện. Từ đó đến nay chị hai lần từ chối công việc nhà nước để về giữ quán sách" - chị Yến chia sẻ.
Có nhiều chuyến chị mang mấy bao tải sách theo, vào quán cà phê bị mời ra vì tưởng là người buôn... đồng nát. Hay có lần chị Yến phải bỏ cả vé máy bay, chuyển sang đi tàu hỏa để khuân hết số sách báo khổng lồ mua gom từ Sài Gòn về.
"Tìm kiếm nhiều là vậy nhưng có những quyển sách phải có duyên mới gặp được. Có quyển chị tìm mãi không có nhưng lại được người khác tặng như quyển Bà Bovary. Có quyển chị thuyết phục cả ngày trời chủ quán mới bán cho như quyển sách quý Công nương Diana. Chắc đời này chị có duyên với sách" - chị Yến tâm tình.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ quán thư viện Yến, cùng những bạn đọc thân thiết của quán - Ảnh: Đ.HIẾU
Cuộc đời thật trong quán sách
Trong quán nhỏ của mình, chị Yến chứng kiến không biết bao những mảnh ghép vạn hoa của cuộc đời. Ngồi xuống cùng trò chuyện với họ, chị như một người bạn, một nhà tâm lý, hoặc đơn giản chỉ là những câu chuyện vì chung đam mê. Có lẽ riêng ở thư viện Yến, những kết nối thật khiến người ta ấm lòng, bỏ lại những tình bạn ảo trên chiếc điện thoại ngủ quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận