Hơn 1.100 bình luận, trong đó nhiều bình luận đồng cảm, đánh dấu (tag) bạn bè vào vì "giống tình cảnh của mày ở ghép ngày trước nè", "thấy quen quen", "giống chuyện từng trải qua".
"Gặp tui, tui dọn đi rồi"
Xem những tấm ảnh chén bát ăn xong không rửa, đồ đạc lộn xộn, cùng những dòng tin nhắn nhắc nhở nhẹ nhàng của chủ thớt, bạn Hà Phạm thẳng thắn: "Ở ghép vậy mà cứ cố sống chung với họ được cũng tài. Dọn đi cho khỏe. Tôi nghĩ đến cũng ớn rồi".
Gia Vinh viết: "Nhìn cái đống chén đũa nồi mà cộc luôn á". Hoàng Yến bày tỏ: "Đến lọ muối ăn xong còn không đậy được cái nắp vào?".
Tương tự, tài khoản N Bông đề xuất: "Tìm người khác ở ghép chung thôi. Không có ý thức nói gì cũng vậy à". Bạn Tiên Trần thắc mắc: "Vậy mà chủ status còn xưng bà bà tui tui, gặp mình thì dễ gì có kiên nhẫn vậy được". "Tính ra bạn này hiền, gặp tui tui chửi cho, tui dọn đi rồi", Hiền bình luận.
Một số bạn cho rằng chủ status quá dễ tính. Tài khoản Khủng Long cảnh báo rằng sự dễ dãi khi ở ghép tạo ra kẻ không biết điều, bản thân bạn cũng ghét những người không có ý thức kiểu này lắm. Bạn Phạm Linh bông đùa: "Cần học hỏi đức tính kiên nhẫn ở chủ status này".
Một số bạn cho rằng nên đề nghị người "lầy lội" này dọn đi nơi khác, đổi bạn cùng phòng. Hoặc lắp camera để bạn kia ý thức hơn.
Kiếp nạn ở ghép mà dẫn bạn trai về
Nhẫn nhịn hơn, bạn Tuyết Trần cho biết nếu là mình, bạn ở ghép ở bẩn thì mình sẽ chấp nhận dọn dẹp. Nhưng nếu người này dẫn bạn trai về thì không được.
Tương tự, Thảo Vy nêu ý kiến: "Ở ghép mà không ý tứ. Chứ ở ghép mà dẫn bạn trai về ồn ào, ai ngủ cho được".
Bạn Andrea Tran cũng góp ý, một là chủ status đứng ra dọn dẹp, hai là bạn kia phải dọn rửa chén bát dơ.
"Con gái mà ở dơ, đồ đạc bầy hầy, ra đường thì ăn diện về nhà bừa bộn tứ tung thì chịu rồi. Còn dẫn bạn trai về "đóng phim" hành động nữa. Thì thôi để họ ở đó luôn đi. Kiểu này ở ghép riết nghiệp tụ vành môi luôn", bạn này bức xúc.
Khi đọc các đoạn tin nhắn mà chỉ có bạn này nhắc nhở, như phòng nhiều kiến, bẩn vì bạn kia để đồ ăn lung tung, bạn kia không trả lời, tài khoản Băng Trinh ngán ngẩm: "Ở ghép mà tưởng ở với vong. Người nói một mình, người thì im như hến. Kiểu này 3 ngày thôi là dọn đi đi".
Ở ghép, thỏa thuận, thỏa hiệp có mức độ
Không chỉ bừa bộn, ở bẩn, nhiều bạn ở ghép còn khiến người ở chung ngán ngẩm bởi sự thiếu ý tứ trong sinh hoạt.
Chị Anh Thơ (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết trước đây từng ở ghép với một cô bạn, nhưng không chịu nổi khi cô nàng đêm nào cũng thức khuya, gây ồn và để đèn sáng trưng. Mỗi khi giận dỗi bạn trai, cô bạn khóc lóc, ngồi thẫn thờ và sau đó bạn trai đến tìm, gọi chị Thơ xuống mở cổng, gọi hỏi han tình hình…
"Cô bạn này hay mượn áo váy của tôi để mặc, có khi còn không thèm hỏi trước. Ở ghép với nhau một năm, tôi cảm thấy bực bội nên nói rằng mình có chỗ mới gần chỗ làm hơn, dọn đi", chị Thơ kể. Mãi tới ngày dọn đi, cô bạn vẫn còn chưa trả hết váy áo đã mượn của chị vì đi du lịch chưa về.
Theo chị Thơ, bạn trẻ nếu ở ghép thì xác định sẽ có những bất tiện. Trước khi đến ở, bạn trẻ nên thỏa thuận trước, hoặc nêu trước những yêu cầu như giữ vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung đồ thuộc về cá nhân…
"Nên nói thẳng luôn là không dẫn bạn trai về phòng. Mất lòng trước, được lòng sau, chứ để sau này xảy ra chuyện phiền phức thì mệt mỏi lắm", chị Thơ khuyên.
Một số tài khoản khi bình luận ở status than phiền trên, cho rằng không nên ở ghép với người lạ, và thống nhất nên tìm bạn bè, người quen có sở thích, thói quen tương đồng để dễ cư xử. Khi cảm thấy bạn cùng phòng quá đáng, nên góp ý, một trong hai điều chỉnh, dọn đi chứ đừng chịu đựng.
Hơn nữa, ở ghép trong giai đoạn sinh viên, mới đi làm thì dễ thông cảm cho nhau hơn. Nhưng khi đi làm đã lâu, nhiều áp lực cuộc sống, cần không gian riêng, chúng ta có thể cân nhắc ở một mình. Chi phí có thể cao hơn nhưng bù lại được thoải mái nghỉ ngơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận