25/03/2019 11:30 GMT+7

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc!

KIỀU MAILY
KIỀU MAILY

TTO - Gốm Sa Huỳnh được xem là một trong những tầm cao của gốm đất nung thời cổ xưa. Người Chăm tiếp nối văn minh Sa Huỳnh, không thể không tiếp nhận truyền thống này.

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 1.

Đức Phật, một cải tiến mẫu được cho là phù hợp với chất gốm truyền thống và hỏa biến tùy duyên của gốm Bàu Trúc - Ảnh: XUÂN HUY

Thế nhưng qua bao biến cố lịch sử, gốm Chăm đã bị mai một rất nhiều, cách chế tác và nung hiện tại chỉ là phần sót lại của di sản xa xưa. Gốm Chăm vừa được đề nghị UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể.

Hai làng Chăm đang sản xuất và tạm sống bằng nghề gốm hiện nay là Ligok (Trì Đức) ở Bình Thuận và Hamu Crok () ở Ninh Thuận vẫn chỉ còn lưu truyền lối sản xuất rất ư là mộc và thô sơ.

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 2.

Gốm Chăm được nung lộ thiên, điều gần như không còn làng gốm nào tại Việt Nam và Đông Nam Á áp dụng - Ảnh: XUÂN HUY

Ký ức thuở đội giành gốm đi bán khắp làng Chăm

Mẹ tôi kể thời mẹ còn nhỏ thường thấy người dân làng Bàu Trúc đội giành gốm đi rao bán khắp làng Chăm.

Đó là các sản phẩm bà nội mua dùng hàng ngày như nồi trã để nấu cơm, mà mỗi lần rửa là phải thật cẩn thận, không là rớt bể, phải chờ người "làng xa" ấy đội gốm đi qua mới mua cái mới khác mà dùng.

Thời đó dân quê không tiền mặt, muốn mua người ta phải đổi thóc hoặc gạo để lấy gốm, một đổi một. Như bà đổ thóc đầy cái trã để lấy cái trã đó. Đôi khi nhà có gì đổi nấy cũng xong.

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 3.

Người Chăm vẫn giữ gần như các bước thủ công cổ xưa của nghề làm gốm - Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Người mua đã vậy, người bán cũng không có gì khấm khá hơn, bởi làm đã cực, mà tiêu thụ càng cực hơn. Thời Pháp thuộc, bà kể mỗi tháng đều thấy gốm Bàu Trúc được chở cả toa xe lửa ra Nha Trang, bán cả tháng mới hết.

Gốm Chăm quanh quẩn vẫn bao nhiều mẫu mã đó: nồi nấu cơm, trã nấu canh, lu đựng nước, loại dày hơn gọi là ảng để rộng cá, còn giành thì dùng đựng thóc… Không thể hơn hai mươi mẫu mã các loại, dùng cho sinh hoạt là chính. Tất tần tật không dùng quá hạn một hai năm là hư.

Ngày nay gốm Chăm nói chung và gốm Bàu Trúc nói riêng đã đi ra thế giới. Vậy, đâu là sức hút của gốm Chăm? Nó có cái gì độc đáo ở đó?

Được biết Bàu Trúc là một trong vài làng có cách chế tác gốm cổ nhất Đông Nam Á, có thể gọi đó là một thương hiệu cổ. Điều làm nên cái lạ của gốm Chăm chính là kỹ thuật sản xuất hoàn toàn bằng tay, từ khâu lấy đất, làm đất, nặn gốm, tạo hình, cho đến nung cũng rất ư là… lỗi thời.

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 4.

Ở Bàu Trúc, nghệ nhân không dùng bàn xoay mà thường đi thụt lùi vòng quanh để làm gốm - Ảnh: tư liệu của Kiều Mai Ly

Xin hỏi rằng có nơi nào hiện nay mà thợ làm gốm cứ đi giật lùi, không cần dùng đến bàn xoay không?

- Chỉ có ở Bàu Trúc.

Và nơi nào nung gốm ngoài trời với nhiệt độ không quá 800 độ C không?

- Là gốm Bàu Trúc.

Có lẽ vì vậy mà với những ai đang nhàm chán sản phẩm công nghiệp, họ sẽ dễ tìm đến sản phẩm thủ công chính hiệu này. Gốm Chăm đáp ứng nhu cần thưởng thức này. Mỗi sản phẩm gần như là một độc bản!

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 5.

Thế giới tâm linh người Chăm Bà La Môn qua lăng kính gốm Bàu Trúc - Ảnh: XUÂN HUY

Gốm Chăm - nghĩa là tất cả đều thủ công

Sông Quao nằm phía Bắc, cách Bàu Trúc non cây số, cung cấp cho dân làng thứ đất sét có độ mịn, dẻo rất riêng, khi đem trộn với cát hạt nhỏ li ti trở thành thứ bột không đâu có. Từ chất liệu trời ban kia, người Bàu Trúc làm nên tác phẩm nghệ thuật của mình.

Mỗi lần ghé làng Bàu Trúc gặp trúng vào dịp dân làng ra lấy đất, mới thấy sự chuẩn bị rất công phu của thợ gốm Chăm. Đất sét mang về được đập và phân ra từng miếng nhỏ rồi đem phơi khô, sau đó người ta sàng bỏ các tạp chất, rồi tiếp tục ngâm nước trong hố đã đào sẵn ở nơi thoáng mát.

Ngâm qua ngày thì đất sét được vớt lên phân ra theo kích thước sản phẩm, sau đó mới tới trộn cát vào. Bí quyết pha trộn thì mỗi người mỗi cách, không ai chỉ cho ai được.

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 6.

Gốm trang trí, nghệ thuật là một cách tân của Bàu Trúc - Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Công đoạn có lẽ thích mắt nhất là lúc sản phẩm gốm được trang trí hoa văn. Các họa tiết thô sơ được vẽ lên nền gốm bởi bàn tay thô tháp, nhưng điêu luyện. Còn nữa, khi gốm được nung còn nóng, vừa khời ra là người ta đã rắc các loại dung dịch từ tự nhiên để làm màu cho gốm.

Nghĩa là tất cả đều là thủ công. Do đó mỗi sản phẩm gốm Chăm ra lò chẳng cái nào giống cái nào cả! Có cái chuẩn, có cái méo, có cái lỗi phải vứt đi. Nhưng chính vì vậy mà gốm Chăm được cho là một di sản nghệ thuật độc đáo.

Hiện tại nghề gốm Chăm cũng dần dần được khôi phục, các nghệ nhân lớn tuổi đã bắt đầu tìm được những người kế tục.

Ví dụ vào trong làng Bàu Trúc, chúng ta có thể thấy nhiều nhà trưng bày các mẫu gốm rất phong phú, trở thành những điểm tham quan cho du lịch của vùng đất bán sa mạc Việt Nam.

Một số hình ảnh gốm Chăm: 

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 7.

Đức Phật, một cải tiến mẫu được cho là phù hợp với chất gốm truyền thống và hỏa biến tùy duyên của gốm Bàu Trúc.

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 8.

Một số sản phẩm nâu đất, không qua xứ lý tạo màu sắc - Ảnh: XUÂN HUY

Ở đâu thợ gốm đi giật lùi, không cần đến bàn xoay? Xin thưa: Bàu Trúc! - Ảnh 9.

Gốm gia dụng rất phổ biến - Ảnh: TUỆ NGUYÊN

Thổi hồn cổ vào gốm Chăm hiện đại

TT - Một mình một xưởng gốm, Sử Thị Kiều Lan ước giá mà đôi tay cô nhanh hơn nữa khi mà gốm Chăm mỹ nghệ Bàu Trúc (Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận), đặc biệt là những sản phảm “made in Kiều Lan”, hiện đang đắt hàng.

KIỀU MAILY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên